Chưa đủ điều kiện vẫn rầm rộ tuyển sinh vào 10: Dấu hỏi về trách nhiệm quản lý?

11/05/2023 06:48
Trung Dũng
GDVN- Chuyên gia giáo dục cho rằng, cơ quan quản lý cần thắt chặt hơn nữa việc tuyển sinh vào lớp 10 đối với một số trường cao đẳng chưa đủ điều kiện tuyển sinh.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã có bài viết:

Chưa được Sở GD giao chỉ tiêu, CĐ Quốc tế Hà Nội vẫn rầm rộ tuyển sinh lớp 10;

Chưa có chỉ tiêu lớp 10, CĐ Công thương HN vẫn tuyển sinh, phụ huynh lo lắng.

Theo đó, 2 cơ sở giáo dục này nằm trong danh sách các cơ sở chưa đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 theo thông báo số 1312/TB-SGDĐT ngày 24/4/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Trong đó, Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội hồ sơ thiếu biểu mẫu, hợp đồng liên kết; chưa đủ cơ sở pháp lý giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2023 - 2024; Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh năm học 2023 - 2024 vì lý do nội dung cần hoàn thiện "cơ sở pháp lý về việc dạy liên kết với Trường Trung học phổ thông Hoàng Mai".

Tuy nhiên, theo thông tin ghi nhận sau khi có thông báo trên, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội và Trường Cao đẳng Quốc tế vẫn tuyển sinh rầm rộ học sinh vào lớp 10 theo hệ song bằng, hệ 2 văn bằng.

Các bài viết cũng đã bày tỏ những băn khoăn của phụ huynh có ý định cho con theo học tại các cơ sở nói trên. Phụ huynh đã đăng ký và đóng phí lo lắng về quyền lợi của con cái họ sau này sẽ được nhà trường đảm bảo ra sao khi mà đến ngày 24/4, trường vẫn chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp chỉ tiêu vào lớp 10.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, các cơ quan quản lý phải vào cuộc và có động thái để xử lý tình trạng trên.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, với tình trạng trên cho thấy đã có hiện tượng "nhờn luật" trong công tác tuyển sinh đào tạo của trường cao đẳng nghề.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D
Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Vị này nhấn mạnh thêm: "Rất nhiều cơ sở giáo dục hiện nay đang có việc tuyển sinh một cách bất chấp khi chưa đủ điều kiện. Điều này nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy với các đối tượng đã tuyển sinh hoặc đóng phí giữ chỗ vào cơ sở đó.

Trong đó có việc, học sinh sẽ bị động, mất quyền lợi nếu trong trường hợp đến ngày công bố danh sách trúng tuyển mà cơ sở đó vẫn chưa hợp thức hóa được hồ sơ và được duyệt chỉ tiêu.

Khi đó, thời gian là không nhiều để các học sinh đó có thể gửi hồ sơ sang một cơ sở khác để tiếp tục ứng tuyển. Nếu có được ứng tuyển thì có thể sự lựa chọn về ngành học, điều kiện học tập hay vị trí trường học phù hợp cũng không có nhiều.

Chưa kể nếu "cố đấm ăn xôi" để theo học ở một cơ sở nằm trong danh sách chưa đủ điều kiện tuyển sinh thì sau này việc cấp văn bằng, chứng chỉ cũng gặp nhiều khó khăn".

Qua đó, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan cũng nêu lên một số nhận định về nguyên nhân khiến một số cơ sở giáo dục sẵn sàng "nhờn luật" để tuyển sinh cho bằng được. Trong đó có một phần lý do đến từ nhu cầu bức thiết phải tuyển sinh để có học sinh. Đây được coi là "nguồn thu" để phục vụ chi trả chế độ cho cán bộ, giáo viên và duy trì sự hoạt động của cơ sở đó.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, một phần nguyên nhân nữa đến từ việc quản lý nhà nước các trường cao đẳng nghề đã thực sự làm hết trách nhiệm chưa?

"Trong việc này, hầu hết tâm lý các trường đều sợ, nếu chờ đến lúc đủ điều kiện thì có thể trôi qua mất "thời điểm vàng" để thực hiện việc tuyển sinh.

Vì thế, nếu cơ quan quản lý cơ sở giáo dục đó buông lỏng hoặc có biểu hiện "linh động", không mạnh tay xử lý khi phát hiện ra các vi phạm thì mặc định cơ sở đó "ngầm hiểu" là mình được tuyển sinh cho dù chưa đủ điều kiện, chưa được giao chỉ tiêu", vị Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ phân tích.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan, sự cương quyết trong việc kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giáo dục cố tình vi phạm tuyển sinh cũng chính là giải pháp căn cơ nhằm chấm dứt được tình trạng này.

Qua đó, vị này nêu quan điểm, sự quyết tâm này thể hiện ở việc yêu cầu cơ sở chưa đủ điều kiện tuyển sinh cần xóa bỏ các bài đăng, thông báo tuyển sinh trên trang web của nhà trường hoặc trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí là mạnh tay cho tạm dừng hoạt động tuyển sinh học sinh vào lớp 10 trong năm học nếu trường đó không chấm dứt hoạt động tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện.

"Trên thực tế, hiện nay nếu cơ sở giáo dục không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn công khai các hoạt động tuyển sinh thì phụ huynh cũng rất khó để biết. Bởi cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin, thẩm quyền, chức năng còn không biết ngăn chặn thì phụ huynh làm sao đủ khả năng để phân định được cơ sở đó có đủ điều kiện hay không.

Ngoài ra, với mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết dạy chương trình văn hóa Trung học phổ thông đông đảo như hiện nay, việc phụ huynh bị lẫn lộn, không phân định được đâu là cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện tuyển sinh là điều khó tránh khỏi.

Vì thế, ngoài việc áp dụng các hình thức xử lý có sức răn đe thì cơ quan quản lý cũng nên có các phương án để công bố rộng rãi danh sách các trường không đủ hoặc chưa đủ điều kiện tuyển sinh.

Cụ thể, ngoài phương tiện truyền thông thì cần gửi các danh sách đó về các trường Trung học cơ sở. Đồng thời, yêu cầu Hiệu trưởng các trường đó gửi đến các giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9 để tất cả các học sinh nắm được.

Khi học sinh và phụ huynh đã nắm bắt được tình trạng của các trường thì nó giống như một bộ lọc tự động với đầu vào tuyển sinh. Khi ấy cơ quan quản lý không phải căng mình rà soát đối với những đơn vị cố tình vi phạm việc tuyển sinh", Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan cho hay.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu cơ quan quản lý đã có văn bản chưa đủ điều kiện tuyển sinh thì các cơ sở giáo dục nên nghiêm túc thực hiện và đặt quyền lợi của người học lên trên hết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.D

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.D

Vị này chia sẻ thêm: "Nếu tất cả các đơn vị đều làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì ngay từ ban đầu sẽ không tạo ra những ý kiến xung quanh.

Có thể việc tuyển sinh đó giải quyết được một vài "nhu cầu" bức thiết của nhà trường, tuy nhiên "tương lai" của học sinh sau này sẽ rất bị ảnh hưởng.

Bởi lẽ, chỉ vừa tốt nghiệp Trung học cơ sở thì chắc chắn sau này học sinh đó sẽ học tiếp lên các chương trình cao hơn. Việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục khi chưa đủ điều kiện như vậy nó vô tình trở thành cản trở, thậm chí là làm lỡ mất cơ hội đối với người học".

Ngoài ra, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cũng nêu nhận định, tình trạng các cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện năm nào cũng xảy ra, cũng đã có cơ sở bị xử phạt nhưng đến nay vẫn còn tái diễn một phần là do thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý. Theo đó, với trường cao đẳng nghề thì quản lý nhà nước là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; cùng với đó là các Sở Giáo dục ở địa bàn cơ sở giáo dục đó tổ chức tuyển sinh, đào tạo liên quan đến điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 với học sinh có đăng ký học văn hóa trung học phổ thông cùng với học nghề,

Qua đó, vị này cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải luôn duy trì hệ thống thanh tra, giám sát đối với các cơ sở giáo dục trong công tác tuyển sinh.

"Quan trọng nhất vẫn là tăng cường việc phòng ngừa, uốn nắn để ngăn chặn các vi phạm từ lúc nó có mầm mống khởi phát, không nên đợi đến lúc sai phạm nghiêm trọng mới đem ra xử phạt. Cách làm như vậy không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Thậm chí, nếu cơ quan quản lý chần chừ, không dứt khoát khi xử lý thì có thể từ sai phạm này nó kéo theo sang nhiều hệ lụy khác", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định.

Trung Dũng