Lào Cai có loạt giải pháp để sắp xếp trường lớp gắn với tinh giản biên chế

27/05/2023 06:39
Mộc Hương
GDVN-Sắp xếp trường lớp gắn với tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân luồng HS phổ thông... là một trong những phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của GD Lào Cai.

Nhiều quy định chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra

Ngày 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai có báo cáo số 177/BC-SGD&ĐT về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt một số kết quả: Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục có nhiều đổi mới mạnh mẽ, tương đối sâu sắc và tỏ rõ quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

Quy mô giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giảm tỉ lệ người mù chữ; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực; phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt kết quả cao; trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục tăng và nâng cao chất lượng, trong đó có nhiều trường đạt chuẩn mức độ 2 góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lùng Phình (Lào Cai) tích cực ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông 2023 - 2024. Ảnh: bacha.edu.vn.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lùng Phình (Lào Cai) tích cực ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông 2023 - 2024. Ảnh: bacha.edu.vn.

Cơ sở vật chất trường, lớp học, tiếp tục được đầu tư và tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng. Tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1% (tăng 1,2% so với năm 2020); Tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đến nay đã có 398 trường, đạt 66,1% (tăng 8 trường, tăng 2,05% so với năm 2021).

Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục của Lào Cai. Năm học 2022-2023 toàn tỉnh có 14 trường mầm non ngoài công lập, 56 cơ sở nhóm/lớp mầm non tư thục với 244 nhóm/lớp, 4.924 trẻ (tăng 37 nhóm/lớp, 716 trẻ), góp phần quan trọng tăng tỉ lệ trẻ, nhà trẻ ra lớp, giảm bớt khó khăn về tăng quy mô đối với các trường mầm non công lập; thành lập Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Canada - Lào Cai; 26 Trung tâm Ngoại ngữ ngoài công lập góp phần thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn lớn mà thực tiễn đang đặt ra: (1) Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa ban hành; (2) Cơ chế tài chính cho các trường phổ thông dân tộc nội trú không còn phù hợp; (3) Quy định dạy thêm, học thêm; (4) Cơ chế xã hội hóa dạy học 2 buổi/ngày; (5) Chuyển đổi các trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở nơi có khả năng xã hội hóa cao; (6) Không có lộ trình thôi hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mẫu giáo, học sinh đối với các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới; (7) Biên chế giáo viên không tăng trong khi đó quy mô giáo dục tăng nhanh hằng năm; (8) Cơ chế in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương (chưa có hướng dẫn).

Nhận thức về yêu cầu, bản chất đổi mới giáo dục của một số ít cấp ủy, chính quyền các cấp, một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chưa thực sự sâu sắc; còn có cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới tư duy, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là đối với những giáo viên tuổi cao, công tác lâu năm ở vùng dân tộc thiểu số ngại thay đổi.

Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi số mặc dù đã được nâng lên nhưng chưa bền vững, còn có học sinh hạn chế về tiếng Việt và kỹ năng làm toán. Chưa huy động được tối đa số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Một số xã vùng cao tại một số thời điểm tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần đã được nâng lên nhưng vẫn còn chưa cao, còn một số huyện có tỉ lệ học sinh không học tiếp, tỉ lệ học sinh tham gia lao động trực tiếp còn cao (Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát); còn có học sinh bỏ học; tảo hôn vẫn chưa có biện pháp để khắc phục triệt để.

Giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi còn ít. Một số giáo viên người dân tộc thiểu số công tác lâu năm tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế về chuyên môn và phương pháp dạy học. Rất khó khăn tuyển dụng đảm bảo chỉ tiêu giáo viên một số môn học, đặc biệt giáo viên Ngoại ngữ, Tin học; Âm nhạc, Mỹ thuật đối với khối trung học phổ thông. Thiếu theo định mức, chỉ tiêu biên chế được giao, phải tăng cường giáo viên từ các trường khác đến giúp.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hạ tầng công nghệ thông tin khó khăn, kinh phí thực hiện chuyển đổi số hạn hẹp. Một số trường học ở phường trung tâm thành phố có quy mô số lớp, số học sinh, số học sinh/lớp đông đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh giản biên chế

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023: Một là, tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2023 (Đề án số 6 của Tỉnh ủy Lào Cai; Kế hoạch 305/KH-UBND; Kế hoạch 336/KH-UBND; Kế hoạch 180/KH-UBND...).

Hai là, chỉ đạo củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; thực hiện phổ cập mầm non 4 tuổi thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 18/10/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 04/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy và học; triển khai mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 24/10/202022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, tiếp tục rà soát mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2030, trong đó, tập trung tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp chi tiết, cụ thể đến từng lớp, từng thôn, bản. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện giảm số lượng trường, xóa, gộp điểm trường, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường, tăng số học sinh ở trường chính, tăng số học sinh/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường Trung học phổ thông số 1 Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: laocai.edu.vn.

Học sinh Trường Trung học phổ thông số 1 Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: laocai.edu.vn.

Năm là, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, thiết bị dạy học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Triển khai thực hiện kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 12/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu mầm non, phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi và trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2027.

Sáu là, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, rà soát, phân loại, đánh giá, sắp xếp, tập trung đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bảy là, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho tổng kết năm học 2022-2023, thi tuyển sinh các lớp đầu cấp, thi trung học phổ thông quốc gia năm 2023; chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2023-2024...

Tám là, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; triển khai chương trình giáo dục STEM để tiếp cận “giáo dục thông minh” ở những cơ sở giáo dục có điều kiện; nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường quốc tế, trường trọng điểm chất lượng...

Mộc Hương