Hiện nay, để tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương trên cả nước đã, đang và sẽ tiến hành phương án sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng lại với nhau. Điều này khiến có ý kiến lo ngại rằng, việc sáp nhập nếu không cân nhắc kỹ đến đặc tính của các trường có tương đồng với nhau hay không có thể để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Trước thực trạng của việc tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sau khi sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Không thể kể hết được những khó khăn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực văn hoá nghệ thuật ở địa phương sau khi bị sáp nhập”.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn thành phố Hà Nội) Ảnh: quochoi.vn. |
Trước hết là việc đổi tên trường, mặc dù đây là điều tất yếu khi sáp nhập các trường nhưng đó lại là tác nhân không nhỏ trong công tác tuyển sinh, đào tạo đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật.
Theo Đại biểu Dương Minh Ánh, việc đổi tên trường từ trường trung cấp hoặc cao đẳng văn hoá nghệ thuật thành các trường cao đẳng nghề, kỹ thuật, kinh tế, công nghệ hoặc cộng đồng, sư phạm...đã làm cho việc tiếp cận các đối tượng tuyển sinh quan tâm lĩnh vực này khó khăn hơn.
Bởi, hầu hết tâm lý của các phụ huynh và thí sinh khi quan tâm đến ngành nghệ thuật thường có xu hướng ưu tiên tìm hiểu các trường có tên chức năng đào tạo văn hoá nghệ thuật. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh của lĩnh vực này.
Thực tế hiện nay, quy mô đào tạo, số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật tại các trường sau khi sáp nhập bị giảm hẳn so với trước khi sáp nhập.
Đáng nói, một số nghệ thuật truyền thống được coi là đặc trưng, "hồn cốt" văn hoá phi vật thể của mỗi địa phương như: Nghệ thuật biểu diễn tuồng ở Bình Định, nghệ thuật biểu diễn dân ca (Bài Chòi) ở Bình Định, hát Xoan (Phú Thọ), Nghệ thuật biểu diễn dân ca - hát Then, đàn Tính (Lạng Sơn)... là những ngành nghề chỉ được đào tạo ở tại địa phương có văn hoá vùng miền đó nhưng sau khi sáp nhập, các trường đào tạo các ngành nghề này bị giảm hẳn về số lượng tuyển sinh hoặc phải dừng không tuyển sinh đào tạo.
Nguyên nhân thứ hai về việc giảm số lượng đầu vào tuyển sinh các ngành nghệ thuật của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập đó là bằng tốt nghiệp.
Theo đó, phụ huynh và học sinh, sinh viên có tâm lý băn khoăn khó xin việc khi cầm tấm bằng tốt nghiệp các ngành lĩnh vực nghệ thuật nhưng tên ghi trên tấm bằng lại là các trường cao đẳng kỹ thuật, kinh tế, công nghệ, cộng đồng...
Khó khăn chồng chất khó khăn khi sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là địa phương chưa cân nhắc kỹ lưỡng đến tính chất đặc thù trong đào tạo lĩnh vực nghệ thuật. Bởi đào tạo nghệ thuật là đào tạo "tài năng", đào tạo "năng khiếu" nên sẽ rất khác biệt so với các lĩnh vực đào tạo đại trà khác.
Điều này dẫn đến sự bất cập và làm khó cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh đang thực hiện lộ trình tự chủ như hiện nay. Từ việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo, áp dụng các chính sách đối với nhà giáo, học sinh, sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở thực hành cho các ngành nghệ thuật đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo, chứ chưa nói đến việc tạo ra được môi trường cho sự phát triển, sáng tạo của các nghề này.
Như về tổ chức lớp đào tạo lĩnh vực nghệ thuật từ trước tới nay đa phần là lớp cá nhân giảng dạy 1 thầy/1 trò, thậm chí 2 thầy/1 trò, việc thực hành của 01 học sinh các ngành trình diễn nghệ thuật phải có một đội ngũ phục vụ như dàn nhạc đệm, bộ phận kỹ thuật và trang thiết âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ đi kèm,...; chi phí đào tạo lớn, thời gian đào tạo dài, tuyển sinh thường sử dụng hình thức thi tuyển năng khiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo phải được đầu tư chuyên dụng.
Việc thực hiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo và chính sách đối với học sinh sinh viên thuộc lĩnh vực nghệ thuật cũng có sự khác biệt với đối tượng nhà giáo và học sinh sinh viên ngành nghề khác.
Tuy nhiên, do phải tự chủ về tài chính nên các trường phải tính toán để tăng nguồn thu đầu vào và giảm chi phí đầu ra, tập trung đầu tư cho các ngành có nguồn tuyển sinh dồi dào, còn ngành nghệ thuật do đặc thù tuyển sinh số lượng không đông nên trước đã khó, hiện nay bị sáp nhập lại càng khó hơn vì càng đào tạo nhiều càng lỗ.
Ngoài ra, để giảm chi phí, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập thường áp dụng chung một quy định về định mức số người học/lớp, hình thức tuyển sinh như các ngành nghề khác, áp dụng chung các định mức về cơ sở vật chất và định mức chế độ đứng lớp của nhà giáo.
Thậm chí, có trường còn không áp dụng một số chính sách của người học được hưởng khi học ngành nghề đặc thù nghệ thuật.
Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, những vướng mắc, khó khăn trên sẽ gây ra một số hệ lụy như việc thực hiện Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra, trong đó việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hoá nghệ thuật trong thời gian tới sẽ không đảm bảo được cả về số lượng và chất lượng. Đau xót hơn, đó là một số ngành nghề đào tạo truyền thống sẽ đứng trước nguy cơ dần bị mai một hoặc phải dừng không đào tạo dẫn đến việc bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, văn hoá phi vật thể của quốc gia có nguy cơ bị mất đi.
Chúng ta đang dần biến các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật từ đào tạo "chuyên nghiệp", đào tạo " tài năng" trở thành đào tạo "nghiệp dư" (văn hoá quần chúng) nếu nhận thức không đầy đủ, áp dụng một cách máy móc, khiên cưỡng các Nghị quyết của Đảng.
Đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy lĩnh vực nghệ thuật tại các trường bị sáp nhập đang có xu hướng giảm dần, nhiều nhà giáo đã bỏ nghề vì không có môi trường để phát triển bản thân, không còn động lực để phấn đấu theo nghề.
Mặt khác, Đại biểu Dương Minh Ánh cũng bày tỏ sự đồng tình với chủ trương phải quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm đầu mối các trường đào tạo không hiệu quả, đầu tư có trọng tâm trọng điểm để hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày một mạnh hơn.
Khi sáp nhập các trường, chúng ta cần đưa các tiêu chí như: Chỉ sáp nhập các trường có cùng chức năng, nhiệm vụ, đào tạo các ngành nghề có tính chất tương đối giống nhau; các trường hoạt động không có hiệu quả, không tuyển sinh được trong 3 năm gần nhất; các trường không thể nâng được mức tự chủ trong thời gian tới tuỳ vào tình hình cụ thể của từng địa phương.
Riêng đối với các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật, khi tính đến các yếu tố hiệu quả phải tính đến yếu tố những trường này sẽ tạo ra giá trị "văn hoá", giá trị "tinh thần", giá trị "xã hội" mà nó mang lại cho đời sống của người dân địa phương thay vì các yếu tố hiệu quả về kinh tế, về tự chủ và số lượng tuyển sinh bởi do yếu tố đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật không thể so sánh như các trường đạo tạo khác.
"Chúng ta nên dừng việc sáp nhập các trường văn hoá nghệ thuật để đánh giá lại hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW ở các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua", Đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Đối với các trường trung cấp hoặc cao đẳng văn hoá nghệ thuật chưa sáp nhập, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ nhà giáo, mở rộng quy mô đào tạo để những trường trung cấp có thể nâng cấp thành các trường cao đẳng, còn trường cao đẳng được đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật để các trường có cơ sở xây dựng định mức giá, phí đào tạo. Từ đó, ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế đặt hàng đối với các nghề quý hiếm và khó tuyển.
Ngoài ra, đối với các trường văn hoá nghệ thuật, cần chủ động phát huy các nguồn lực nội sinh và tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài; mở rộng quy mô đào tạo đồng thời với nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường xã hội hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm sáng tạo cung cấp cho thị trường; mở rộng quan hệ quốc tế và các doanh nghiệp.