Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục: tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “ Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Theo đó, nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đặc biệt là trước những tiến bộ như vũ bão của khoa học và công nghệ, Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng và thiết thực.
Luôn cố gắng truyền cảm hứng, giúp học sinh có đam mê với học tập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, cô Nguyễn Thị Biên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (khối Tiểu học) cho hay, trong bối cảnh xã hội liên tục đổi mới như hiện nay, việc chúng ta phải luôn luôn đổi mới và không ngừng tiếp thu là rất quan trọng, đặc biệt là trong giáo dục.
Các em học sinh khối tiểu học Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa trong Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” (Ảnh: Trà My). |
Theo cô Biên, "Học tập suốt đời" là một kỹ năng vô cùng quan trọng đối với học sinh phổ thông và trong mọi độ tuổi. Nhờ có kĩ năng này, học sinh sẽ có thể:
Khám phá và tạo ra cơ hội học tập: Kỹ năng học tập suốt đời giúp học sinh phát hiện và khám phá thêm kiến thức và kỹ năng mới, từ đó tạo ra cơ hội cho sự phát triển cá nhân và chuyển tiếp sang các cấp học cao hơn.
Thích ứng với môi trường học tập đa dạng: Kỹ năng học tập suốt đời giúp học sinh phổ thông, đặc biệt là ở độ tuổi bậc tiểu học, thích ứng và hòa nhập với môi trường học tập đa dạng. Các con sẽ tự tin và linh hoạt hơn trong việc đối mặt với các môn học mới, phong cách giảng dạy khác nhau và yêu cầu học tập thay đổi.
Phát triển tư duy sáng tạo và khám phá: Kỹ năng học tập suốt đời khuyến khích học sinh tìm kiếm các cách tiếp cận mới và sáng tạo để giải quyết vấn đề. Điều này giúp các con phát triển tư duy phản biện, khám phá và trở thành người học tích cực.
Tự nhận thức và phát triển bản thân: Kỹ năng học tập suốt đời giúp học sinh tự nhận thức về điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó phát triển bản thân và nắm bắt những cơ hội học tập phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Việc đổi mới các phương pháp dạy và học trong nhà trường, đặc biệt là ở lứa tuổi bậc tiểu học lại càng quan trọng hơn, nhất là trong việc thúc đẩy khả năng tự học cho các em, để việc học không chỉ còn mang tính ép buộc hay đối phó.
Nhận thức được tầm quan trọng và cấp thiết đó, trường đã luôn định hướng để quá trình giảng dạy truyền được cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp các em có niềm đam mê với học tập. Khi đã yêu thích việc học, các em học sinh sẽ có động lực để tự học và tự tìm tòi sáng tạo.
Phương pháp truyền tải này đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước ta đang đề ra.
“Để thúc đẩy tinh thần tự học tập của học sinh, việc cho các em "cần câu" thay vì cho sẵn "con cá" là rất quan trọng.
Do đó, chúng tôi luôn cố gắng phát triển những kỹ năng nền tảng, qua đó, giúp các em được tự tin trong việc tiếp thu kiến thức trong thời buổi hội nhập như hiện nay. Từ đó, các em sẽ biết được bản thân nên học tập thế nào cho hiệu quả”, cô Biên nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Biên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (khối Tiểu học) tại Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” (Ảnh: Trà My). |
Cô Biên cũng chia sẻ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đạt kết quả tốt trong việc tự học và học tập suốt đời, học sinh cần xác định rõ mục tiêu học tập của mình. Mục tiêu này có thể là nắm vững kiến thức và kỹ năng cơ bản, khám phá lĩnh vực đặc biệt mà các em quan tâm hoặc phát triển các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, giao tiếp, và quản lý thời gian. Mục tiêu cần được đặt ra một cách cụ thể, có thể đo lường được và thực hiện theo từng giai đoạn nhỏ để học sinh có động lực và hướng đi rõ ràng.
Bên cạnh đó, kỹ năng tự quản lý học tập cũng đóng vai trò rất quan trọng. Học sinh cần biết cách lên lịch, quản lý thời gian và ưu tiên công việc. Điều này bao gồm việc xác định những hoạt động cần thiết để đạt được mục tiêu học tập, tạo ra kế hoạch học tập và tuân thủ nó, đồng thời biết cân nhắc và phân chia thời gian cho việc học, làm bài tập và thư giãn.
Một kỹ năng quan trọng không kém trong thời đại công nghệ 4.0 mà học sinh cần làm chủ đó là tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy, khi mà thông tin trở nên rất phong phú và dễ dàng tiếp cận. Học sinh cần có kỹ năng phân biệt thông tin đáng tin cậy từ các nguồn không chính thức, tìm kiếm và sử dụng các nguồn thông tin uy tín như sách, bài báo khoa học, trang web chính phủ, trường học hoặc các tổ chức giáo dục đáng tin cậy.
Phát triển kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề cũng là một kĩ năng cần được chú trọng trong thời đại 4.0.
Học sinh cần được khuyến khích phát triển kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Điều này có thể đạt được thông qua việc thực hành tư duy phản biện, khám phá và thử nghiệm các ý tưởng mới, tham gia vào các dự án và hoạt động thực tế, và thực hiện bài tập và bài toán thực tế.
Cũng theo cô Biên, thuận lợi của Phenikaa School là trường có khuôn viên và không gian sáng tạo rất lớn, do đó, học sinh không chỉ học trong không gian lớp học của mình, mà còn được thực hành, trải nghiệm, thí nghiệm,… tại các phòng chức năng đa dạng của nhà trường.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm vào mỗi cuối tuần để thúc đẩy khả năng tự tìm tòi, học hỏi cho các em, như các bài tập dự án, phỏng vấn chuyên gia, các hoạt động cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số,…
Qua những hoạt động như vậy, các em được tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều hoàn cảnh để tự học hỏi, gia tăng được thêm nhiều nguồn kiến thức.
Giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần tự học và học tập suốt đời. Do vậy, tập thể giáo viên của nhà trường luôn được đào tạo các phương pháp mới để truyền cảm hứng, giúp khai thác, kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.
Khi đã được khơi nguồn, truyền cảm hứng, học sinh sẽ luôn sẵn sàng học tập ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào và luôn cảm thấy yêu thích việc học.
Và những phương pháp này đã đạt được kết quả tích cực, điều này đã được chứng minh qua tỉ lệ hứng thú với học tập của các em học sinh Phenikaa School là gần 100%.
Với cương vị Hiệu trưởng, cô Biên đã chia sẻ những giải pháp mà Phenikaa School nói riêng, và các trường phổ thông nói chung có thể áp dụng để đồng hành với xã hội và đất nước trong quá trình xây dựng xã hội học tập suốt đời:
Thứ nhất là, xây dựng môi trường học tập tích cực: nơi học sinh được khuyến khích sáng tạo, phản biện và tham gia học tập mọi lúc mọi nơi. Phương pháp giảng dạy đa dạng, không gian học tập thoải mái và cơ sở vật chất sẽ là cơ sở để học sinh có một môi trường học tập tích cực.
Thứ hai là, phát triển chương trình giáo dục linh hoạt: Chương trình giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh sẽ góp phần thúc đẩy động lực và cảm hứng học tập cho học sinh.
Thứ ba là, khuyến khích sự hợp tác và giao lưu: Các trường cần khuyến khích sự hợp tác và giao lưu giữa học sinh, giữa các trường và giữa các cộng đồng học tập, cả trong nước và quốc tế.
Tựu chung, để thúc đẩy xã hội học tập, các trường phổ thông cần tạo ra môi trường học tập tích cực, phát triển chương trình giáo dục linh hoạt, khuyến khích sự hợp tác và giao lưu, cùng xây dựng mạng lưới đối tác. Bằng cách đồng hành với đất nước và xã hội, các trường có thể đóng góp tích cực vào việc xây dựng một xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho tương lai của học sinh.