Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Lê Tú Anh, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm ba (năm cuối) ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn được gọi là Trường Đại học Việt - Pháp).
Tháng 3 vừa qua, em nhận thư trúng tuyển với học bổng toàn phần dành cho bậc thạc sĩ Erasmus Mundus, chương trình EMM Nanoscience and Nanotechnology (Thạc sĩ Khoa học Nano và Công nghệ Nano, viết tắt: EMM Nano).
Với học bổng này, Tú Anh nhận được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí khoảng 50.000 euro (gần 1,3 tỷ đồng) cho hai năm học tại Đại học KU Leuven (Bỉ) và Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức).
Lê Tú Anh tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt - Pháp). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hành trình giành học bổng toàn phần châu Âu
Dù học bổng Erasmus Mundus không giới hạn số lượng nguyện vọng khi nộp đơn, Tú Anh chỉ ứng tuyển duy nhất chương trình EMM Nano. Ngoài ra, em không nộp đơn thêm học bổng bậc thạc sĩ nào khác.
“Nhiều thầy, cô, anh, chị khóa trên khi biết chuyện đã thuyết phục em mở rộng cơ hội ứng tuyển của mình. Nhưng em vẫn quyết định chỉ lựa chọn chương trình mình yêu thích nhất”, Tú Anh chia sẻ.
Em cho biết lý do lớn nhất khiến em bị thu hút bởi học bổng này là sự danh tiếng trên toàn cầu, cũng như khoản trợ cấp hào phóng từ Liên minh Châu Âu.
Ngoài ra, các chương trình của Erasmus Mundus yêu cầu sinh viên phải học tại ít nhất tại hai quốc gia châu Âu trong quá trình học thạc sĩ. Là một người dễ hòa nhập, yêu thích kết bạn và trải nghiệm nhiều nền văn hóa, em nhận thấy đây là học bổng dành cho mình.
Lúc nộp hồ sơ, Tú Anh có điểm học tập 18.11/20 (tương đương 4.0/4.0), chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 và tiếng Pháp cấp độ A2.
Em có một số thành tích khác như: Học bổng Excellent USTH 2020-2023, Học bổng Odon Vallet 2022 trao bởi tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontre du Vietnam), Giải nhì cá nhân Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2021, là người sáng lập Câu lạc bộ hỗ trợ học tập USTH Learning Support. Năm 2020, Tú Anh từng đạt 28/30 điểm xét tuyển đại học, trong đó môn Toán đạt điểm tuyệt đối.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh- Đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận xét Tú Anh “rất xuất sắc”.
Khi làm hồ sơ, thầy Quỳnh cũng là một trong ba người viết thư giới thiệu cho em. Thầy cho biết cô học trò không chỉ thông minh, chịu khó mà còn rất chủ động trong học tập và ngoại khoá. Với vai trò lớp trưởng, em là kênh liên lạc thường xuyên giữa các thầy, cô trong khoa và các bạn sinh viên.
Dù sở hữu bảng thành tích ấn tượng, Tú Anh tâm sự em gặp không ít trở ngại khi ứng tuyển học bổng thạc sĩ lúc đang là sinh viên.
Thứ nhất, chương trình cử nhân trong ba năm với 180 tín chỉ ở trường đã rất nặng, em vẫn phải “cân” nhiều thứ một lúc: học tốt để có điểm GPA cao, tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm để tích lũy kinh nghiệm thực tế, thi chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn bị nhiều loại giấy tờ như thư giới thiệu, bài luận.
Thứ hai, hồ sơ của một sinh viên vừa hoàn thành hai năm đại học (vào thời điểm ứng tuyển) như em phải cạnh tranh với nhiều anh, chị học hệ 4-5 năm ở các trường khác, đã tốt nghiệp và có thêm 1-2 năm kinh nghiệm làm việc.
Những khó khăn kể trên buộc Tú Anh phải học cách quản lý thời gian hợp lý giữa học tập, làm việc và nghỉ ngơi, cũng như tự tạo động lực cho bản thân. Chỉ có như vậy, em mới giữ cho chính mình không nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng.
Tú Anh tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mục tiêu tạo ra thiết bị cảm biến ung thư
Ngược dòng thời gian, cô bé Tú Anh từ nhỏ đã rất ngưỡng mộ các nhà khoa học tài ba. Bởi, họ có thể biến sự hiếu kỳ, tò mò khám phá của cá nhân trở thành những phát minh thay đổi đời sống của nhân loại.
Khi học phổ thông, Tú Anh cũng yêu thích và cảm thấy bản thân phù hợp với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý và toán học.
“Khi tìm hiểu, em biết rằng công nghệ nano là lĩnh vực đang làm thay đổi thế giới nhờ tiềm năng tạo ra các vật liệu và thiết bị mới. Tính ứng dụng thực tiễn và tầm quan trọng của nó đã khiến em quyết định theo học ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano”, Tú Anh chia sẻ.
Tú Anh trong kỳ thực tập tại Paris, Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh, từ mùa hè đầu năm hai, Tú Anh đã tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm (lab). Thay vì chọn một lab cố định, em tham gia vào nhiều dự án khác nhau để tích lũy kinh nghiệm.
“Tú Anh từng tham gia nhóm nghiên cứu của tôi về vật liệu nano trong ba tháng. Với mỗi lab, em thường làm việc từ vài tháng đến một năm. Điều đó giúp em có được một góc nhìn tổng quát hơn về ngành học khi tốt nghiệp”, thầy Quỳnh cho biết thêm.
Hiện Tú Anh đang thực tập tại phòng thí nghiệm “Giao diện, xử lý, tổ chức và động học của hệ thống” (viết tắt ITODYS), Đại học Paris Cité (Pháp) với học bổng của trường. Đề tài em đang triển khai liên quan tới cảm biến sinh học, phát hiện ARN từ các virus truyền nhiễm bệnh dịch.
Cảm biến sinh học cũng là hướng nghiên cứu mà em sẽ theo đuổi khi học thạc sĩ. Tú Anh lựa chọn hướng đi này vì mối quan tâm đặc biệt tới ung thư. Từ nhỏ, em đã chứng kiến ba người thân trong gia đình phải trải qua những lần xạ trị, hóa trị đầy đau đớn rồi qua đời vì căn bệnh ung thư phổi.
Tú Anh giải thích: “Phần lớn bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán bệnh khi đã bước vào các giai đoạn cuối, khiến cho việc điều trị gặp nhiều rủi ro. Em muốn tạo ra một thiết bị cảm biến ung thư point-of-care (dùng tại chỗ), có thể sử dụng tại nhà để phát hiện khối u từ lúc mới thành hình. Phát kiến này sẽ hỗ trợ mọi người bảo vệ sức khỏe mà không cần tầm soát ung thư ở bệnh viện với chi phí đắt đỏ”.
Là nữ sinh theo học ngành kỹ thuật - công nghệ, em gặp không ít vất vả, chủ yếu về mặt sức khỏe. Ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano có cường độ học tập, làm việc rất căng thẳng nên ở khoa của em, các bạn nữ chỉ chiếm khoảng 20-30% số sinh viên. Nếu không có chế độ sinh hoạt lành mạnh thì những bạn gái có vóc dáng nhỏ bé như em khó mà theo được.
Khi gặp căng thẳng, Tú Anh thường vận động nhẹ nhàng, làm những việc không cần suy nghĩ quá nhiều để trí não được nghỉ ngơi, tinh thần được hồi phục và tâm trạng phấn chấn hơn. Em yêu thích các hoạt động như chơi đàn, ca hát, vẽ tranh và làm gốm.
Tú Anh tâm sự đôi khi em thấy ghen tị với các bạn nam trong trường. Các bạn có thể thức tới sáng để làm việc mỗi khi có nhiệm vụ cần xong gấp, còn em không thể thức quá 1-2 giờ sáng.
Tuy nhiên, em nhìn nhận các bạn nữ lại có thế mạnh riêng, đó là sự tỉ mỉ, cẩn thận và chỉn chu hơn khi làm bài tập, làm thí nghiệm hay viết báo cáo khoa học.
Theo kế hoạch, chương trình thực tập của em sẽ kết thúc vào tháng 7 và buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Ngay sau đó, vào cuối tháng 9/2023, Tú Anh sẽ lên đường sang Bỉ để bắt đầu hành trình du học bậc thạc sĩ.