Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng, với tiềm năng, lợi thế của một vùng kinh tế động lực, tốc độ phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học vùng đồng bằng Sông Hồng luôn thuộc nhóm cao của cả nước.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, gắn kết và đáp ứng nhu cầu lao động của địa phương, đơn vị sử dụng lao động.
Tính đến năm 2022, toàn vùng có 109 trường đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của toàn quốc)với các ngành nghề trọng điểm như công nghệ cao (tự động hóa, sinh học, vật liệu mới,…), khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, phần mềm điện tử viễn thông,…
Các ngành nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Tốc độ phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học vùng đồng bằng Sông Hồng luôn thuộc nhóm cao của cả nước (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh) |
Các cơ sở giáo dục đại học của vùng đồng bằng Sông Hồng hiện đang phát triển theo hướng đa ngành, đào tạo nhiều cấp trình độ từ trình độ cao đẳng đến tiến sĩ.
Một số trường đã và đang khẳng định được vị trí, uy tín trong các lĩnh vực đào tạo thế mạnh và là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia đầu ngành ở trình độ cao, với chất lượng tin cậy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng.
Với lợi thế là khu vực năng động, các cơ sở giáo dục đại học đã tập trung đầu tư và có nhiều ngành, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Năm 2022 là một bước nhảy vọt của giáo dục đại học vùng đồng bằng Sông Hồng khi có tới 2 đại diện của vùng được lọt vào bảng xếp hạng THE (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội); 2 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities).
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học của vùng còn có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023; bảng xếp hạng Webometrics; bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021); bảng xếp hạng đại học Châu Á (QS Asian University Rankings 2022);...
Các cơ sở giáo dục đại học của vùng đồng bằng Sông Hồng cũng từng bước nâng cao quy mô, mở rộng hình thức đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ.
Năm học 2020 - 2021, quy mô sinh viên đại học của Vùng là 744.757 sinh viên (tăng 107.920 sinh viên so với năm học 2010 - 2021, đứng thứ đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước). Trong đó, sinh viên đào tạo hệ vừa học vừa làm chiếm 5,7% và sinh viên đào tạo hệ từ xa chiếm 3,7%. Quy mô học viên cao học là 52.863 học viên, quy mô nghiên cứu sinh là 8.368 nghiên cứu sinh.
Với tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng 40,9% số sinh viên đại học, cao đẳng của cả nước và đứng đầu cả nước, vùng đồng bằng Sông Hồng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.