Bộ GD cùng các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh GD vùng ĐB sông Hồng

14/06/2023 10:31
Phạm Linh - Lã Tiến
GDVN- Bộ trưởng Bộ Giáo dục mong muốn các địa phương nhận diện khó khăn và cần có giải pháp phát triển giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.

Cùng dự có lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố trong địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng và Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn và ngược lại.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển, kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Mặc dù là một vùng đất chật, người đông nhất so với các vùng khác, nhưng vùng luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, phát triển, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Lã Tiến)

Đây cũng là trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt 37% (cao nhất cả nước).

Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều bất cập.

Chất lượng lao động của vùng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.

Vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Hội nghị ngày hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay.

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để tiếp tục phát triển giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Các địa phương đã quan tâm thì từ Hội nghị này tiếp tục quan tâm hơn. Các Bộ, ngành sẽ tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương và của cả vùng”.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011 – 2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2021, một số địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục; hiệu quả giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, trở thành trung tâm giáo dục của cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục của khu vực.

Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong Vùng và cả nước.

Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 203 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010 - 2011).

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa.

Số trường học đạt chuẩn tăng dần hằng năm, và luôn đứng đầu cả nước tạo điều kiện thuận lợi để huy động số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, cao hơn 6,2% so với bình quân cả nước) phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao (tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt tỉ lệ 99,7%, học sinh hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 98,9 % và 76,5%).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011 – 2021 (Ảnh: Lã Tiến)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011 – 2021 (Ảnh: Lã Tiến)

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo, trong đó số lượng các cơ sở giáo dục đào tạo tư thục tăng nhanh, từng bước cung cấp nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tính đến năm 2022, toàn vùng có 109 trường đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của toàn quốc), với các ngành nghề trọng điểm như công nghệ cao, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, phần mềm điện tử viễn thông,…đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng dần hằng năm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục đào tạo của Vùng, đưa giáo dục và đào của Vùng từng bước ngang tầm với các nước trong khu vực.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thông tin, giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại những khó khăn, hạn chế.

Về quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Đặc biệt, còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, manh mún, thiếu ổn định, cơ sở vật chất thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế.

Kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục.

Tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học quá tải, chưa đáp ứng được quy mô trường, lớp, học sinh hiện có.

Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy - học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý trong các nhà trường còn chưa đồng bộ, chưa có nền tảng thống nhất trong toàn ngành, chưa có hệ thống thiết bị, phần mềm điều hành chung. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, dạy và học chưa có chiều sâu, thống nhất và hiệu quả chưa tương xứng.

Về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập

Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học; trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên mầm non làm ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.

Thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt là thiếu giáo viên thực hiện môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nguồn tuyển giáo viên không đủ, năm học 2022 - 2023 một số địa phương đã không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao.

Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên.

Về chất lượng giáo dục

Việc đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở một số nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề,.. còn chưa được chú trọng ở một số nhà trường.

Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa thật hiệu quả, nhiều nơi còn làm hình thức. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa kịp thời và thực sự hiệu quả.

Quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của vùng.

Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá, hiệu quả đào tạo chưa cao và chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng.

Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo. Chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh, thành phố trong vùng còn thấp.

Chất lượng lao động của vùng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.

Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để; mục tiêu, nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có sự chuyển hướng kịp thời với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Sự phối hợp nghiên cứu khoa học với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa được áp dụng nhiều trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phạm Linh - Lã Tiến