Thầy cô thắc mắc về thời gian giữ hạng để thi, xét thăng hạng của giáo viên THCS

22/06/2023 06:44
Bùi Nam
GDVN- Nếu được thăng hạng từ hạng III (hệ số lương 2,34-4,98) bạn sẽ được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023. Khi Thông tư có hiệu lực, các địa phương sẽ bắt đầu phương án xếp lương, tiến hành bổ nhiệm lương mới trong thời gian 6 tháng.

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Cơ bản những điều chỉnh sửa trong Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đều tương đối thuận lợi trong quá trình bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên mới.

Thời gian giữ hạng để bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới tương đối rõ. Tuy nhiên, vẫn có một số giáo viên băn khoăn về thời gian giữ hạng 9 năm để thi, xét thăng hạng của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở.

Một bạn đọc ở địa chỉ mail mi....@gmail.com đang là giáo viên trung học cơ sở tại tỉnh một địa phương gửi thư về Tòa soạn thắc mắc về thời gian giữ hạng để xét thăng hạng như sau:

“Chúng tôi là giáo viên trung học cơ sở hiện công tác trong ngành giáo dục của tỉnh....Trước tiên xin thay mặt các đồng nghiệp cảm ơn Tòa soạn về loạt bài thông tin thăng hạng cho giáo viên gần đây. Nhờ loạt bài này mà chúng tôi hiểu rõ hơn được một số vấn đề còn thắc mắc, nắm được nhiều thông tin chưa hiểu rõ.

Chúng tôi cùng có cột mốc thời gian nghề nghiệp như sau:

Học Cao đẳng sư phạm và ra trường công tác tại trường trung học cơ sở năm 2007.

Tôi nhận công tác năm 2008, hưởng lương cao đẳng có hệ số lương 2,1-4,89, học nâng chuẩn có bằng đại học từ năm 2012 đến nay.

Từ năm 2015 – cuối năm 2022, không được chuyển hưởng lương đại học vẫn hưởng lương cao đẳng (hạng III cũ theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) mã số V.07.04.12 hệ số lương 3,65.

Từ 01/01/2023, được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên THCS hạng III mới, mã số V.07.04.32 bậc 5/9; hệ số 3,66 theo Thông tư 03/2021/TTBGDĐT.

Nay theo qui định mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực 30/5/2023 quy định như sau :

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) (hệ số lương 2,34-4,98) hoặc tương đương được xác định gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) (hệ số lương 2,1-4.89) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.

Vậy chúng tôi có được coi là đã đủ thời gian giữ hạng III để thi, xét thăng hạng lên hạng II hay không?

Chúng tôi xét từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019 là từ năm 2012 đến năm 2023 là 11 năm vậy có được xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) lên chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hay không?

Khi nào chúng tôi sẽ được xét thăng hạng lên hạng II mới?".

Đây cũng là thắc mắc của khá nhiều giáo viên thời gian vừa qua gửi về Tòa soạn.

Bằng hiểu biết cá nhân thông qua các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, người viết xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, bạn đã đủ thời gian giữ hạng để thi, xét thăng hạng

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã học nâng chuẩn và có bằng đại học từ năm 2012, hưởng lương cao đẳng có hệ số lương từ 2,1-4,89 đến 31/12/2022 và hưởng lương đại học (hạng III mới) có hệ số lương 2,34-4,98 từ 01/01/2023 đến nay.

Theo Thông tư 08/2023, sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

“Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) (hệ số lương 2,34-4,98) hoặc tương đương được xác định gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) (hệ số lương 2,1-4.89) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.

Đúng như bạn thông tin, bạn được tính có 11 năm giữ hạng III hoặc tương đương để đủ điều kiện thi, xét thăng hạng lên hạng II mới.

Thứ hai, muốn thăng hạng thì phải thi hoặc xét

Theo thư bạn hỏi, bạn được tính thời gian giữ hạng III là 11 năm, vậy có được xét từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hay không?

Vấn đề này xin được thông tin với bạn như sau, tuy bạn đã đủ thời gian giữ hạng III nhưng không phải đủ thời gian giữ hạng là được xét chuyển sang hạng II mới mà việc thi hay xét thăng hạng phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, để thi hoặc xét thăng hạng phải tuân theo nguyên tắc thi, xét thăng hạng được quy định tại Điều 2. Nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Thông tư 34/2021.

“1. Nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Đối với xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan thì minh chứng là biên bản đánh giá, nhận xét về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, có xác nhận của người đứng đầu cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý, sử dụng giáo viên và theo phân cấp quản lý của địa phương. Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, minh chứng là bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.”

Do đó, để thăng hạng bạn phải thi hoặc xét thăng hạng theo quy định.

Về tiêu chuẩn, điều kiện, cách xác định người trúng tuyển trong kỳ thi, xét thăng hạng bạn tham khảo thêm trong Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.

Thứ ba, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp có được kết hợp thăng hạng chức danh?

Theo thông tin bạn cung cấp, ngày 01/01/2023 bạn đã được bổ nhiệm từ hạng III cũ sang hạng III mới, nên dù bạn đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng nhưng trong năm 2023 bạn sẽ không được dự thi hoặc xét thăng hạng vì tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định:

“Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở

…2. Khi bổ nhiệm giáo viên từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư này thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp…

Như vậy bạn đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III mới trong năm 2023, nên năm 2023 bạn sẽ không được dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng II mới Theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Theo người viết, nếu năm 2024, địa phương bạn tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng giáo viên trung học cơ sở từ hạng III lên hạng II mới, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bạn có thể đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu được thăng hạng từ hạng III (hệ số lương 2,34-4,98) bạn sẽ được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38, việc chuyển xếp lương được quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức theo nguyên tắcTrường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới

Trên đây là một số thông tin xin được tư vấn cho bạn và các giáo viên quan tâm. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể giáo viên liên hệ với cơ quan quản lý trực tiếp để được giải quyết cụ thể..

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

2. Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam