Khi nào giáo viên tiểu học được thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

09/07/2023 07:21
Phan Tuyết
GDVN- Giáo viên có mong muốn, nhà trường có kiến nghị nhưng địa phương không tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng thì cũng đành chịu. 

Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều thầy cô giáo hiện nay. Bởi, không đơn giản chỉ là cái tên gọi giáo viên hạng này, hạng kia mà liên quan trực tiếp đến thu nhập hàng tháng của các nhà giáo.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên tiểu học phải đáp ứng đủ những yêu cầu gì?

Thứ nhất, cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng;

Cụ thể, Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập quy định việc cử giáo viên dự xét thăng hạng như sau: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng; [1]

Điều 31 Luật Viên chức hiện hành cũng quy định, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, và giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được xét thăng hạng chức danh.

Thứ hai, giáo viên phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để tham gia dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh.

Cụ thể: giáo viên phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ;

Có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, không trong thời gian bị thi hành án kỷ luật hoặc thông báo xem xét xử lý kỷ luật…;

Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét. Chỉ khi giáo viên đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp mình muốn thăng hạng yêu cầu thì mới được đề nghị xét thăng hạng.

Thứ ba, phải đáp ứng được thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định. Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tiêu chuẩn giáo viên. Khi muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đáp ứng đủ các điều kiện:

Điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II được quy định như sau: Viên chức muốn dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có kinh nghiệm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương ít nhất 09 (chín) năm (không tính thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Hiện nay, theo quy định tại Điểm I, Khoản 4, Điều 4 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, yêu cầu kinh nghiệm để thăng hạng lên chức danh giáo viên tiểu học hạng II là ít nhất 09 (chín) năm (không tính thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I, yêu cầu thăng hạng là như sau: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có kinh nghiệm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương ít nhất 06 (sáu) năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Hiện nay, theo quy định tại Điểm g, Khoản 4, Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, yêu cầu kinh nghiệm để thăng hạng lên chức danh giáo viên tiểu học hạng I là ít nhất 09 (chín) năm (không tính thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Giáo viên muốn thăng hạng, dễ hay khó?

Như phân tích ở trên, không phải giáo viên cứ có đủ các điều kiện theo quy định là có quyền tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng. Giáo viên muốn tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng phải được cơ sở giáo dục cử đi.

Nghĩa là, khi cơ sở giáo dục không cử giáo viên tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng nghề nghiệp thì dù muốn, giáo viên cũng không được tham gia.

Vậy, khi nào nhà trường sẽ cử giáo viên tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng? Theo quy định, cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp thì khi đó mới cử giáo viên tham dự.

Cô Thuý Hoa, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thuận cho biết: “Ví dụ năm học, nhà trường sẽ cần 2 giáo viên giữ vị trí tổ trưởng chuyên môn, 1 giáo viên vừa làm tổ trưởng chuyên môn vừa là giáo viên cốt cán nên sẽ cử 3 đến 5 giáo viên (đủ điều kiện thăng hạng theo quy định) để tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng do địa phương tổ chức”.

Một số hiệu trưởng khác lại cho rằng, để công bằng cho tất cả giáo viên thì những ai trong nhà trường có đủ điều kiện thăng hạng đều được nhà trường cử đi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng cấp trên tổ chức. Sẽ lấy điểm chuẩn từ cao đến thấp cho đủ chỉ tiêu 3 giáo viên.

Tuy nhiên, giáo viên có mong muốn, nhà trường có yêu cầu nhưng địa phương ấy lại không tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng thì cũng đành chịu. Chuyện này cũng đã xảy ra trong nhiều năm vừa qua ở nhiều địa phương trong cả nước.

Đó là, gần chục năm qua, có những địa phương chưa tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Dẫn đến việc, không ít thầy cô giáo có bằng đại học nhưng vẫn ăn lương trung cấp trong nhiều năm.

Nhiều thầy cô giáo ở hạng II, hạng II muốn được thăng hạng chức danh qua hạng II, hạng I nhưng vẫn không đạt được yêu cầu dù bản thân các thầy cô giáo này đã đầy đủ điều kiện theo quy định.

Nhìn chung, chuyện thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên sắp tới cũng không hề đơn giản.

Ngoài việc bản thân mỗi thầy cô phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định thì còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đó là việc, địa phương ấy có tổ chức kỳ thi hoặc xét hay không? Phụ thuộc vào việc có được nhà trường cử tham gia không? Ngoài ra, còn phải nỗ lực hết mình để cạnh tranh với nhiều đồng nghiệp khác trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp trên tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-28-2017-TT-BGDDT-thi-thang-hang-chuc-danh-giao-vien-mam-non-pho-thong-cong-lap-346013.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết