Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ảnh minh họa - Lã Tiến |
Dự kiến bổ nhiệm từ lương cũ sang lương mới sẽ tương đối dễ dàng
Tại khoản 1 Điều 7 của chùm Thông tư 01-03/2021 các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông được quy định:
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT nếu đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở như sau:
Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1-4,89); giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm hạng II mới cùng hệ số lương 2,34-4,98.
Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên hạng I cũ (hệ số lương 4,0-6,38) được bổ nhiệm hạng I mới (hệ số lương 4,4-6,78).
Theo đó, theo chùm Thông tư 01-03/2021, để được bổ nhiệm hạng mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm. Điều này gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn với vài chục tiêu chí nên rất khó khăn trong việc tìm minh chứng để bổ nhiệm lương mới.
Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, khoản 1 Điều 7 của Thông tư 01-03/2021 được sửa đổi thành “1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.
Tại dự thảo dự kiến việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới chỉ cần xét 02 tiêu chuẩn là trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, để được bổ nhiệm hạng II mới bậc mầm non cần thời gian giữ hạng III hoặc tương đương 03 năm; bậc tiểu học, trung học cơ sở thì cần thời gian giữ hạng III hoặc tương đương 09 năm.
Việc chuyển đổi này theo người viết là sẽ rất dễ dàng, hầu hết những người đủ thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Theo Thông tư 21, 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hưởng lương đại học đã được bổ nhiệm hạng II cũ và dự kiến hầu hết được bổ nhiệm hạng II mới.
Việc bổ nhiệm hạng I, II mới chỉ cần tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, sẽ có nhiều giáo viên bổ nhiệm “nhầm hạng” do không đạt các tiêu chuẩn các hạng.
Bổ nhiệm lương mới dễ dàng nhưng cơ hội thăng hạng mịt mù
Như đã trình bày, nếu như Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 được thông qua với nội dung bổ nhiệm lương mới dễ dàng như trên thì những giáo viên hạng I, II cũ hầu hết sẽ được bổ nhiệm hạng I, II mới.
Khi càng có nhiều giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II mới thì cơ hội để các giáo viên hạng III mới được dự thi, xét thăng hạng lên hạng II mới càng thu hẹp dần, thậm chí không còn cơ hội được thăng hạng vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 sẽ không hề dễ dàng.
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2022.
Theo đó, để dự thi, xét thăng hạng phải có đầy đủ tất cả các minh chứng.
Cụ thể, tại Điều 2. Nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên:
“1. Nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
2. Đối với xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan thì minh chứng là biên bản đánh giá, nhận xét về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, có xác nhận của người đứng đầu cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý, sử dụng giáo viên và theo phân cấp quản lý của địa phương. Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, minh chứng là bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.”
Bên cạnh đó, giáo viên phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn sau mới được dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
“Giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
3. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.
4. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”
Sau khi thực hiện đủ các minh chứng, đảm bảo các tiêu chuẩn rất khó trên, giáo viên phải dự kỳ thi/xét thăng hạng và phải trúng tuyển mới được thăng hạng.
Việc xét thăng hạng theo Thông tư 34 từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học; từ hạng II lên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch (theo hình thức trắc nghiệm hoặc phỏng vấn) theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học.
Việc thi thăng hạng được quy định tại Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thi thăng hạng viên chức phải gồm các môn: kiến thức chung; ngoại ngữ; tin học; nghiệp vụ chuyên ngành.
Nếu thuộc trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học thì còn dự thi 2 môn là kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành.
Nhìn chung, nếu không sửa đổi, bổ sung Thông tư 34/2021, Nghị định 115/2020/NĐ-CP sẽ có rất ít giáo viên được dự thi, xét thăng hạng, cơ hội thăng hạng không nhiều.
Thứ hai, còn chỉ tiêu hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên không dễ được thăng hạng
Một số địa phương đã ban hành chỉ tiêu hạng chức danh nghề nghiệp, cụ thể tại một số địa phương ban hành chỉ tiêu giáo viên hạng I là 5%, giáo viên hạng II là 15%, giáo viên hạng III là 80%.
Với việc dự kiến bổ nhiệm lương mới quá dễ dàng, sẽ có rất nhiều giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II khi đó sẽ hết chỉ tiêu ở các hạng I, II mới. Như vậy, sẽ không có cơ hội cho các giáo viên ở hạng III có nhu cầu thăng hạng.
Do đó, nếu các địa phương còn áp chỉ tiêu hạng I, II, III và không sửa đổi Thông tư 34 về thăng hạng thì cơ hội thăng hạng I, II của giáo viên rất thấp.
Do đó, người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo song song với việc lấy ý kiến sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021 về bổ nhiệm lương mới chỉ cần 2 tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, Bộ Giáo dục cũng nên nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc thi, xét thăng hạng theo Nghị định 115/2020 và sửa đổi Thông tư 34/2021 về thi, xét thăng hạng theo hướng chỉ cần đảm bảo 2 tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, bỏ minh chứng khi thăng hạng, nghiên cứu giảm thời gian giữ hạng để giáo viên được dự thi, xét thăng hạng.
Bên cạnh đó, nên bỏ các chỉ tiêu các hạng chức danh nghề nghiệp để giáo viên đủ tiêu chuẩn ở hạng nào được dự thi, xét thăng hạng ở hạng đó.
Nếu bổ nhiệm lương mới chỉ còn xét 02 tiêu chuẩn là trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng, bỏ các minh chứng thì Thông tư 34 về thi, xét thăng hạng cũng nên sửa đổi theo hướng trên để đảm bảo công bằng, không nên “mở” bổ nhiệm hạng mới mà “đóng” thi, xét thăng hạng là không công bằng với giáo viên đang giữ hạng III, IV hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.