Trong những năm qua, cùng với các cấp các ngành trong tỉnh, ngành giáo dục Điện Biên đã có nhiều chính sách để giải bài toán thiếu hụt cho nhân lực của ngành.
Nói về việc thiếu hụt nhân lực ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: “Nhiều giải pháp đã được ngành giáo dục xác định và bắt tay vào thực hiện, nhưng trước mắt, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các trường phải sẵn sàng kịch bản ứng phó, “lấp đầy” các vị trí”.
Dù đã giảm số trường, tăng số lớp/trường, số học sinh/lớp nhưng tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên. Không chỉ thiếu giáo viên mà còn thiếu nguồn tuyển, dù có chỉ tiêu cũng không tuyển dụng được. Bởi vậy ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn, dài hạn để đáp ứng cho năm học tới”.
Lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng đào tạo giáo viên các môn thiếu để bổ sung đã được triển khai. Ngành giáo dục Điện Biên cũng khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên hiện tại đi học văn bằng 2 theo nguyện vọng, phù hợp với các môn học đang thiếu”…
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên, ngày 30/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2109/SGDĐT-TCCB đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Ngành giáo dục Điện Biên đã linh hoạt tổ chức tốt chương trình giáo dục các cấp, đặc biệt là dạy học các môn chuyên biệt phù hợp với điều kiện cụ thể. Không để trường, lớp nào bị gián đoạn hoặc không được học môn nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên nhận định: “Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh mặc dù còn thiếu nhiều, song việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn được tiến hành đảm bảo lộ trình, kế hoạch thời gian theo quy định.
Rất khó để các thầy cô giáo gắn bó với vùng cao nếu trong điều kiện khó khăn nhưng không được đãi ngộ phù hợp. Ảnh minh họa: LC |
Giáo viên thường xuyên được cử đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ giáo viên dạy chuyên còn thiếu ở các cấp học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục) luôn có chỉ tiêu, liên tục được tuyển dụng bổ sung nhiều đợt trong năm, từng bước đảm bảo về cơ cấu đội ngũ, đáp ứng dạy và học”.
Nhờ vậy, năm học 2022 – 2023 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2,3,6,7,10 được đảm bảo đúng lộ trình kế hoạch đã xây dựng.
Tuy nhiên, đó vẫn đang là giải pháp tình thế trước mắt, bởi về lâu về dài, để không để tình trạng thầy cô giáo bỏ núi về xuôi, giáo dục vùng cao vẫn cần những chính sách của các cấp các ngành để thầy cô yên tâm công tác. Hy sinh, vất vả, áp lực giảng dạy gia tăng, song chế độ đãi ngộ lại không tỷ lệ thuận rất khó có thể giữ chân được giáo viên.
Ông Đặng Quang Huy- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: “Tại huyện Điện Biên, tình trạng giáo viên chuyển đi ra ngoài tỉnh cũng có nhưng không còn nhiều như những năm trước đây. Tuy nhiên, vẫn có giáo viên chuyển từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi. Việc này cũng rất bình thường khi các giáo viên đã đáp ứng đủ các yêu cầu về mặt thời gian công tác.
Tuy nhiên, để ổn định đội ngũ nhân sự giáo dục vùng khó, cần hơn nữa sự đồng cảm và có thêm chính sách hỗ trợ thầy cô giáo. Vùng cao khó khăn nhất vẫn là đường sá, điều kiện ăn ở tối thiểu cho giáo viên.
Các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương cũng đã quan tâm rất nhiều đến đời sống thầy cô giáo. Tuy nhiên, vẫn cần hơn những chính sách cụ thể vừa có thể tạo ra động lực và có sự gắn bó của các thầy cô giáo đối với vùng khó.
Sắp tới hi vọng Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng và thông qua, trong đó các nhà giáo vùng cao rất mong có hành lang pháp lý làm sao vừa đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác.
Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn thì không thể an cư, lạc nghiệp đối với các thầy cô giáo công tác tại vùng khó được. Ảnh minh họa: LC |
Ví dụ như có chính sách đãi ngộ để họ yên tâm có chỗ ăn chỗ nghỉ, phối hợp với chính quyền địa phương cấp đất cho nhà giáo vùng xuôi lên để họ có thể xây dựng cuộc sống mới. Hoặc có chính sách cho giáo viên ở những lớp, điểm trường xa xôi, chính sách cho giáo viên mầm non…
Khi chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế thì những khó khăn, bất cập, hạn chế trong ngành sẽ được giải quyết. Nhà giáo công tác ở vùng khó khăn được đãi ngộ tốt họ sẽ gắn bó lâu dài với vùng khó".
Ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng cho biết: “Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo viên vùng khó từ trước đến nay cũng đã rất tốt rồi. Tuy nhiên, hiện nay toàn ngành giáo dục đang dồn sức để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều yêu cầu mới, khó khăn và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, động lực chính chắc chắn phải là những thầy cô giáo trong các nhà trường.
Để thầy cô yên tâm công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn, cần có sự cảm thông nhiều hơn từ các cấp các ngành trong việc xây dựng chính sách. Các thầy cô giáo vùng cao hiện nay có mức thu nhập chỉ đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt tối thiểu, giáo viên khó lòng có tích lũy. Chưa an cư được rất dễ nảy ra tâm lý dịch chuyển.
Do vậy, hi vọng vào Luật Nhà giáo thời gian tới sẽ giúp được giáo dục vùng cao có thể thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề” và đặc biệt với “chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao” sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cống hiến.
Chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, ngành giáo dục Điện Biên luôn luôn tạo mọi điều kiện cho thầy cô và giải quyết chế độ kịp thời nhất có thể.
Bên cạnh đó, ngành cũng thường xuyên tăng cường động viên, khích lệ tinh thần, mong muốn giáo viên chia sẻ với khó khăn chung của ngành.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng “có thực mới vực được đạo”. Bởi vậy, rất cần chính sách mang tính đặc thù, để đồng hành, sẻ chia với nhà giáo đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực đặc thù không chỉ riêng ở Điện Biên mà các vùng núi, biên cương, hải đảo khó khăn khác”.