Gỡ bài toán nhân lực giáo dục vùng cao (1): Nỗi niềm cô thầy bỏ núi về xuôi

18/07/2023 08:50
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi người một câu chuyện riêng, có nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, giáo viên phải dằn lòng “dứt áo” ra đi.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt là các tỉnh miền núi, kinh tế còn khó khăn.

Điện Biên là cũng là một trong những địa phương phải trăn trở giải quyết bài toán thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không chỉ vậy, ngành giáo dục Điện Biên cũng đang phải đối mặt với tình trạng nghỉ việc, chuyển vùng, thiếu cán bộ, giáo viên.

Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, tạo thêm áp lực cho những người đang công tác. Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng bài toán về nhân lực trong ngành giáo dục của địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, thầy Dương Đức Đồng – giáo viên Mỹ thuật từng công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) cho biết: “Nói thật là đã từng có hơn chục năm gắn bó với vùng biên giới Na Cô Sa, khi quyết định về xuôi, mình cũng suy nghĩ nhiều. Nhưng khi bố mẹ già cả, mình là con cái không về không được. Còn bảo nuối tiếc hay không thì cũng khó nói lắm.

Thầy Dương Đức Đồng khi còn công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Dương Đức Đồng khi còn công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công tác trên vùng cao là cả thanh xuân, cả khát vọng của tuổi trẻ. Về Hòa Bình lương thấp hơn, cuộc sống ồn ào hơn nhưng đổi lại cũng tiện lợi nhiều thứ.

Bản thân mình về lại dưới xuôi dạy học dù lương thấp nhưng lại có cơ hội làm thêm bên ngoài để tăng thêm thu nhập. Tính ra về xuôi, lương thì thấp hơn nhưng thực tế thu nhập lại cao hơn trên Na Cô Sa nhiều”.

Thầy Đồng vào nghề từ năm 2008, công tác ở trường Tiểu học Na Cô Sa 12 năm. Ở Na Cô Sa thầy Đồng đã từng có đất, có nhà. Vợ thầy cũng là giáo viên trong trường.

Cả 2 người tưởng chừng sẽ gắn bó đến khi về hưu ở Na Cô Sa nhưng cuộc sống thay đổi, hai vợ chồng thầy Đồng viết đơn xin rời nơi này để về quê ở Hòa Bình.

Hiện tại, thầy Đồng cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại khi có cơ hội được đi làm thêm theo chuyên ngành mỹ thuật của mình.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quynh – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch (xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé) tâm sự:

“Trường vừa được bổ sung thêm 4 giáo viên mới thì có 6 giáo viên xin chuyển đi. Nên thiếu lại càng thêm thiếu.

Mỗi lần anh chị em cầm đơn lên để lãnh đạo nhà trường có ý kiến, trường đều tạo điều kiện cho anh chị em đi.

Dù thực lòng phải nói rằng mỗi người xin về xuôi là để lại phần vất vả cho người ở lại. Nhưng biết làm sao được, nước chảy xuôi dòng mà. Ai cũng có gia đình mà về, nên họ mà về được cũng là mừng cho họ.

Thầy Quynh nói về trường hợp cô giáo Đỗ Thị Ngoan (sinh năm 1982) người Hải Phòng có gần 15 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Mường Nhé.

Nhưng rồi cô Ngoan cũng đã chia tay vùng cao bằng cái kết không thể buồn hơn, khi không thể chuyển vùng, cô Ngoan đã xin nghỉ việc.

Năm 2009, từ quê hương Hải Phòng, với bao háo hức của tuổi trẻ, cô Ngoan cầm tấm bằng sư phạm Ngữ văn ngược núi lên Mường Nhé nộp hồ sơ xin việc.

Cô nhận việc, luân chuyển qua nhiều trường biên giới khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2017 - 2022, cô công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch.

Mỗi lần về Hải Phòng thăm bố mẹ, cô Ngoan phải vượt chặng đường 800km với 3 lần lên xuống xe.

Rồi lại ngược 800km, đón 3 lần xe trở lại trường. Một thân một mình ở mảnh đất xa xôi, cách trở, cô giáo Ngoan không khỏi nhiều lần tủi thân, chạnh lòng.

Một lý do nữa, cô không nói ra nhưng đồng nghiệp ai cũng chia sẻ, thấu hiểu. Đó là khao khát về một tổ ấm của riêng mình.

Trường còn nghèo, cơ sở vật chất còn khó khăn nên cũng rất khó để các thầy cô giáo gắn bó. Ảnh: LC

Trường còn nghèo, cơ sở vật chất còn khó khăn nên cũng rất khó để các thầy cô giáo gắn bó. Ảnh: LC

Những năm tháng tuổi trẻ, cô luân chuyển công tác nhiều địa bàn. Sự biến động này có lẽ khiến cô vẫn chưa tìm được bến đỗ cho riêng mình.

Ở vùng cao, sự lựa chọn đã ít, mỗi năm thêm tuổi lại càng thêm khó. Vậy nên lá đơn xin chuyển vùng đầu tiên được cô Ngoan gửi đi từ năm 2015.

Đằng đẵng thời gian trôi qua, hồ sơ của cô vẫn chưa thể giải quyết do vướng mắc giấy tờ. Đến năm 2022, cô quyết định nghỉ việc, chia tay vùng cao.

“Anh chị em ai về được dưới xuôi cũng mừng cho họ. Anh chị em ở lại tiếp tục cố gắng gấp đôi vì còn nhiều khó khăn, vất vả”, thầy Quynh nói.

Mỗi người một câu chuyện riêng, có nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, giáo viên ngành giáo dục phải dằn lòng “dứt áo” ra đi.

Đó là những khó khăn chồng chéo của vùng cao, là trách nhiệm, “núi công việc” quá tải của trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là chế độ, chính sách chưa đáp ứng được cuộc sống...

Theo thống kê trong năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên ghi nhận 322 cán bộ quản lý, giáo viên thôi việc và chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Trong đó, 213 giáo viên chuyển vùng, 109 người nghỉ việc.

Thống kê gần 50% trong số này có thời gian công tác trên 10 năm, nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện…

Nói về những lá đơn xin chuyển vùng, nghỉ việc của cán bộ, giáo viên từng công tác ở ngành giáo dục tỉnh, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, từ cuối năm 2022, ngành giáo dục Điện Biên đã tổ chức nhiều cuộc rà soát, thảo luận, đánh giá đồng bộ để tìm cách tháo gỡ. Trong đó có phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc anh chị em giáo viên xin chuyển vùng, nghỉ việc.

Ngoài nguyên nhân khách quan từ việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW, phần đa còn lại đều liên quan trực tiếp đến đời sống giáo viên.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giáo viên xin chuyển vùng, nghỉ việc là chế độ tiền lương hiện tại chưa thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu của giáo viên. Một bộ phận thầy cô ở miền xuôi lên công tác ít có điều kiện về thăm gia đình do giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ đời sống nhà giáo.

Trong khi đó, nhu cầu ở thành phố lớn và các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là với môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học…) ngày một cao.

“Mỗi nhà giáo chuyển vùng khỏi Điện Biên cũng là vạn bất đắc dĩ. Ngành đều rất tiếc nuối và trăn trở mỗi khi có một lá đơn xin chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tạo điều kiện giải quyết theo nguyện vọng của thầy cô”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết.

Trần Phương