Thực trạng hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không những gặp bất cập trong việc dạy chương trình văn hóa mà còn nhiều khó khăn trong tổ chức đào tạo, sử dụng giáo viên dạy nghề và giáo viên dạy văn hóa,…
Tại Hội thảo “Những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục”, Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, chương trình dạy văn hóa trong trường nghề theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT đã gây ra nhiều khó khăn cho cả người học và nhà trường.
Thầy Sáng chia sẻ, trước đây, các trường trung cấp được dạy chương trình văn hóa theo Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT, và sau khi hoàn thành chương trình hệ trung cấp, nếu các em học thêm chương trình văn hóa 4 môn sẽ đủ điều kiện học liên thông lên đại học.
Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Trà My). |
Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Thông tư 15 về việc dạy văn hóa trong trường nghề. Theo Thông tư này, sau khi hoàn thành chương trình dạy văn hóa trong trường nghề, các em chỉ được học liên thông lên cao đẳng. Việc này đã gây ra thiệt thòi cho người học và hạn chế sự phát triển tính học tập liên tục của các em.
Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn vào học nghề nhiều hơn để sớm có nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vậy nên, trong quá trình đi làm, họ có thể có nhu cầu học nâng cao trình độ lên đại học nhưng lại không thể thực hiện được với quy định hiện hành như vậy.
Mặt khác, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, để có thể thành lập trường cao đẳng đòi hỏi trường phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất là có diện tích 2 ha đất đối với khu vực đô thị và 4 ha đất đối với với khu vực ngoài đô thị.
Thế nhưng, điều này rất khó thực hiện, bởi các tỉnh, thành phố hiện nay dành rất ít quỹ đất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà nếu có thì quỹ đất này cũng ở rất xa (vùng sâu, vùng xa, biên giới…).
Trong khi đó, đối với học sinh sau khi mới tốt nghiệp lớp 9 được hướng nghiệp vào học tại trường nghề nhưng mới chỉ mới 15 tuổi nên sẽ khó chọn đi học xa. Chính vì vậy, thầy Sáng mong rằng, các địa phương cần ưu tiên quỹ đất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc đào tạo và phát triển cho các trường.
Không những vậy, hiện nay, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đem đến cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo thầy Sáng, đứng trước bối cảnh này cùng thực trạng chương trình đào tạo của các trường nghề đã lỗi thời, đòi hỏi phải thay đổi chương trình để thích nghi và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đáng nói, các trường nghề muốn mở một số ngành học mới để đáp ứng được nhu cầu của xã hội vốn không phải dễ dàng.
Đơn cử như ngành Chăm sóc sắc đẹp là ngành nghề đang rất cần nguồn nhân lực. Thế nhưng, theo Điều 54 về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, giáo viên dạy ngành học nào ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên môn đó.
Song, trên thực tế, không có trường đại học nào hiện nay đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp nên các trường nghề sẽ khó có thể mở ngành học này.
Cùng chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong việc đào tạo, sử dụng giáo viên trường nghề, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại cho hay, theo quy định hiện hành, giáo viên dạy nghề phải có văn bằng, chứng chỉ về giáo dục nghề nghiệp.
Đáng nói, điều này lại không phù hợp với thực tế. Bởi, có nhiều chuyên gia giỏi về nghề, có tay nghề cao nhưng do không chứng chỉ sư phạm nghề nên không được phép tham gia đào tạo nghề.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại (Ảnh: Trà My). |
Không những vậy, giáo viên dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đòi hỏi phải có các chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp. Như đối với các giáo viên dạy tiếng Anh, dạy Văn, Toán và các bộ môn khác khi xét chức danh giáo viên giỏi đòi hỏi phải chuẩn hóa theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Và đây là điều không cần thiết.
Nguyên nhân của những hạn chế này được cô Mai chỉ ra rằng, do chưa có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trong xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo viên.
Bên cạnh đó, xã hội hiện nay vẫn chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của giáo viên dạy nghề trong việc đào tạo nguồn nhân lực, còn xem nhẹ so với giáo viên ở các cấp học khác trong hệ thống giáo dục giáo dục quốc dân.
Các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề còn chậm cải tiến chương trình đào tạo, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên dạy nghề, đặc biệt là bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Cũng theo cô Mai, từ khi có Nghị định 24/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện thu cho các trường tự chủ trong việc hợp tác, liên kết và đào tạo quốc tế trong dạy nghề.
Do vậy, để khắc phục những khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề, trường quyết định hợp tác quốc tế trong lĩnh vực của mình là du học nghề - một cụm từ vẫn còn khá mới.
Điều này nhằm thúc đẩy chất lượng đầu vào cho học sinh, sinh viên của trường, hạn chế tâm lý của phụ huynh muốn con em phải vào đại học, trong khi học cao đẳng cũng được học một chương trình chất lượng và đảm bảo có cơ hội việc làm với mức thu nhập cao.
Nhờ sự nỗ lực và cố gắng không ngừng đổi mới, vừa qua, trường đã là trường nghề công lập đầu tiên được tổ chức đánh giá kỹ năng nghề của Úc công nhận là đơn vị hợp tác với các trường cao đẳng của Úc.