Khi có Luật GDNN, Trung tâm hỗ trợ nông dân gặp khó vì không được đào tạo nghề

06/07/2023 06:49
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Rất cần thiết có chỉ đạo bổ sung cho các đơn vị đào tạo nghề chất lượng, hiệu quả như trung tâm hỗ trợ nông dân được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thế nhưng, đã nhiều năm nay, nhiệm vụ này của các đơn vị đào tạo nghề cho lao động nông thôn là các trung hỗ trợ nông dân của mỗi địa phương lại bị giới hạn bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành.

Theo đó, trung tâm hỗ trợ nông dân không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng, được phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nghị định 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Biện Văn Quảng – Trưởng phòng Dịch vụ - Hỗ trợ nông dân, Trung tâm hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước đây, đơn vị có chức năng đào tạo nghề trình độ sơ cấp khi còn tên gọi là Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (thành lập từ năm 2009).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website của Hội Nông dân Hà Tĩnh).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website của Hội Nông dân Hà Tĩnh).

Theo đó, năng lực đào tạo nghề của Trung tâm vốn đã được thực hiện một cách hiệu quả trong nhiều năm.

Điều này được thể hiện rõ qua việc Trung tâm là 1 trong 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 1956 (Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020) của Chính phủ được nhận bằng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án này.

Tuy nhiên, từ khi đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ Nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đến nay, do quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Trung tâm không được phép tuyển sinh, đào tạo nghề nữa.

“Không được đào tạo không phải do năng lực của trung tâm mà do tên gọi và những quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc chuyển tên ví như thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp hay trường đào tạo,… để có thể đào tạo nghề là điều không đơn giản.

Bởi chiếu theo quy định hiện hành, tên gọi của đơn vị sự nghiệp còn liên quan đến tổ chức bộ máy theo ngành dọc. Trung tâm hỗ trợ nông dân thuộc Hội nông dân nên tất yếu phải có tên như vậy”, ông Quảng bày tỏ.

Theo ông Quảng, việc mất đi chức năng đào tạo nghề này đã gây ra những khó khăn nhất định, đặc biệt là khi nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn vẫn rất lớn.

Điều này không những làm lãng phí nguồn nhân lực giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy phải chuyển công việc mà ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động liên quan đến việc phát triển, công tác trước, trong và sau đào tạo nghề.

Mặt khác, việc liên kết với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo cũng khá phức tạp do trung tâm không có giấy phép đào tạo nên muốn thực hiện phải xin chủ trương, trình nhiều khâu, nhiều thủ tục, hồ sơ phức tạp.

Để khắc phục khó khăn trên, ông Quảng cho rằng, đây là quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành nên việc chờ sửa Luật phải cần thời gian.

Vậy nên, việc làm cấp thiết hiện nay là cần có một thông tư bổ sung cho các đơn vị đào tạo nghề chất lượng, hiệu quả như trung tâm hỗ trợ nông dân được phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Giang cho rằng, tiền thân của nhiều trung tâm hỗ trợ nông dân là trung tâm dạy nghề.

Tuy nhiên, từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ban hành năm 2014, đã gây ra khó khăn về mặt pháp lý cho các trung tâm hỗ trợ nông dân nếu muốn đào tạo nghề.

Như vậy, có thể thấy, quy định này đang không sát với thực tế bởi nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay tại nhiều địa phương là rất lớn nhưng các đơn vị có khả năng đào tạo lại không được đào tạo.

Thuận lợi của Trung tâm hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Giang là hàng năm đều rà soát theo hệ thống về nhu cầu thực tế của địa phương, tức là tiếp cận từ dưới lên thay vì tiếp cận từ trên xuống như nhiều cơ sở đào tạo nghề khác, sau đó sẽ xây dựng kế hoạch rồi mới trình đề nghị mở nghề cần được đào tạo.

Chính vì vậy, khi dạy nghề, trung tâm sẽ đào tạo đúng lĩnh vực mà lao động nông thôn trên địa bàn đang cần, đáp ứng theo đúng nhu cầu của thị trường do việc đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương.

Hơn nữa, với uy tín từ bề dày truyền thống qua 93 năm hoạt động, trung tâm có thuận lợi trong việc liên kết với các doanh nghiệp, xí nghiệp cho lao động nông thôn để đảm bảo đầu ra cho người học nghề.

“Nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp dệt may, chăn nuôi,… gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Do đó, họ mong muốn và tiếp nhận nguồn nhân lực từ các đơn vị đào tạo sẵn nguồn lao động chất lượng như vậy”, ông Đăng nêu thực trạng.

Không những vậy, nhờ hệ thống Hội Nông dân Việt Nam có tổ chức từ trung ương đến cơ sở nên việc phối hợp đào tạo nghề hay tuyển sinh đều rất ít gặp khó khăn.

Nhằm giúp công tác dạy nghề của các trung tâm hỗ trợ nông dân được thuận lợi hơn, ông Đăng cũng đưa ra đề xuất là cần phải là sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung thêm đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng, được phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, chi phí đào tạo cũng nên cấp trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề thay vì cấp cho các ủy ban nhân dân huyện như hiện nay. Bởi việc này khiến các cơ sở dạy nghề phải di chuyển nhiều lần xuống các huyện để ký hợp đồng đào tạo, gây tốn thời gian và khó khăn trong việc thực hiện công tác tư vấn, đào tạo,...

Cũng theo ông Đăng, theo quy định hiện hành, các trung tâm hỗ trợ nông dân không được phép dạy nghề từ trình độ sơ cấp trở lên nhưng có thể dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng) nếu đáp ứng đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất.

Tường San