Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở giáo viên mới được thăng hạng II?

10/08/2023 06:42
Ánh Dương
GDVN- Văn bản hợp nhất Thông tư quy định giáo viên mầm non và phổ thông hạng II phải được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, GVCN lớp giỏi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, tại điểm đ khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non hạng II (Mã số V.07.02.25) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên. [1]

Tương tự, tại điểm h khoản 4 Điều 4 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng II (Mã số: V.07.03.28) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên. [2]

Tại điểm h khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II (Mã số V.07.04.31) và giáo viên trung học phổ thông hạng II (Mã số V.07.05.14) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên. [3], [4]

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Đôi điều băn khoăn về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp

Người viết băn khoăn ở chỗ, phải chăng quy định này đồng nghĩa với việc giáo viên mầm non và phổ thông phải thỏa mãn một trong các điều kiện: được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên thì mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II?

(Riêng giáo viên mầm non hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Giáo viên tiểu học hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên).

Hay là sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II thì giáo viên mầm non và phổ thông phải đáp ứng một trong các điều kiện trên?

Giả sử, sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II, nếu giáo viên mầm non và phổ thông không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì họ có bị cơ quan quản lí giáo dục "giáng" hạng hay không?

Cùng với đó, văn bản hợp nhất Thông tư yêu cầu người đứng đầu các trường mầm non và phổ thông trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm như sau:

Căn cứ vào nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp để bố trí, phân công nhiệm vụ của giáo viên mầm non, phổ thông hợp lý, phát huy năng lực và hiệu quả công việc của giáo viên mầm non, phổ thông.

Quy định này có nghĩa là, giáo viên mầm non và phổ thông sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì hiệu trưởng phải ra quyết định phân công nhiệm vụ mới cho họ ở mức cao hơn.

Ví dụ, Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II như sau:

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng II còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau (trích):

Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử.

Tuy vậy, thực tiễn dạy học ở nơi đơn vị tôi đang công tác (và nhiều đơn vị khác) cho thấy, có nhiều giáo viên trung học phổ thông được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II đã hơn một năm (năm học 2022-2023) nhưng cho đến thời điểm này hiệu trưởng vẫn không ra quyết định phân công nhiệm vụ mới cho họ.

Số giáo viên này chỉ đơn thuần làm công việc của giáo viên trung học phổ thông hạng III như: xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học; thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn...

Và họ vẫn hưởng mức lương của giáo viên trung học phổ thông hạng II từ hệ số 4,0.

Trong khi đó, tôi là giáo viên trung học phổ thông hạng III nhưng vẫn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II, cụ thể:

Dạy minh họa lớp bồi dưỡng giáo viên cấp trường; dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn.

Hướng dẫn, đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp trường, cấp Thành phố; kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên cấp trường.

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường; ra đề, chấm thi học sinh giỏi cấp trường; hướng dẫn, đánh giá các hội thi khác.

Ngoài ra, tôi còn làm nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I, đó là hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Thành phố.

Đáng nói, tôi hưởng lương hệ số 3,99 còn xuất phát điểm của giáo viên trung học phổ thông hạng II là hệ số 4.0. Để có hệ số lương 3,99 tôi phải đóng bảo hiểm xã hội 14 năm (tương đương thâm niên 14%).

Nếu không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tôi chỉ hưởng hệ số lương cao nhất cho đến lúc nghỉ hưu là 4,98, còn giáo viên trung học phổ thông hạng II được hưởng hệ số đến 6,38.

Vấn đề cần bàn là, có chuyện giáo viên trung học phổ thông hạng II làm nhiệm vụ ít hơn giáo viên trung học phổ thông hạng III nhưng họ vẫn hưởng mức lương cao hơn hẳn.

Như thế, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên cũng chẳng có ý nghĩa gì - ngoài việc họ được tăng hệ số lương.

Thậm chí, việc này còn gây bất công, bức xúc cho những giáo viên làm cùng nhiệm vụ - quản lí và giáo dục học sinh, nhưng giữa các đối tượng lại hưởng mức lương chênh lệch nhau khá xa.

Ngoài ra, hiện tại ở trường phổ thông vẫn tồn tại trường hợp giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi... nhưng vẫn hưởng lương thấp nếu họ không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ở trường tư thục, những giáo viên có thành tích như thế này sẽ được hội đồng quản trị trả mức lương xứng đáng với trình độ, năng lực vì thực sự họ là những người giỏi nghề.

Hơn nữa, họ chính là những người luôn được học sinh, phụ huynh học sinh tín nhiệm, tạo nên thương hiệu cho nhà trường và góp phần nâng cao chất lượng cho ngành giáo dục nước nhà.

Tôi mong thời gian tới các cơ quan chức năng liên quan sẽ bỏ thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, để trả lương theo vị trí việc làm, để tránh những bất cập như nội dung bài viết đã nêu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-082023-012021-tt-bgddt-7393.pdf

[2] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_26/vbhn-022021-082023-ttbgddt-1839.pdf

[3] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

[4] https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-032021-082023-tt-bgddt-882.pdf

[5] https://www.moha.gov.vn/tin-noi-bat/bo-truong-noi-vu-se-bo-thi-xet-thang-hang-vien-chuc-49039.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương