Giáo viên người nước ngoài ở một số cơ sở GD chưa đáp ứng chuẩn Việt Nam

01/08/2023 06:30
Hà An
GDVN-Đội ngũ giáo viên người nước ngoài ở một số nơi chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam.

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Việc tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài được thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Thực hiện các quy định trên, các địa phương đã triển khai phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục tích hợp giữa chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và chương trình giáo dục của nước ngoài, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 43 chương trình giáo dục tích hợp.

Ảnh minh hoạ: Linh An

Ảnh minh hoạ: Linh An

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2022-2023, số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học cơ sở và khoảng 7,9% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học phổ thông.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài, các địa phương đã thực hiện tổ chức nội dung giáo dục bắt buộc cho học sinh là người Việt Nam theo quy định. Các nhà trường căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam chủ động xây dựng Chương trình Việt Nam học phù hợp với học sinh nhà trường, xây dựng thời gian biểu thực hiện nghiêm túc.

Giáo viên dạy Việt Nam học là người Việt Nam, có bằng cấp phù hợp, đúng quy định, có nhiều trường giáo viên có trình độ và bằng cấp trên chuẩn, ngoài ra, năng lực tiếng Anh của giáo viên dạy Việt Nam học rất tốt nên việc thu hút học sinh nước ngoài tham gia học Chương trình Việt Nam học có nhiều thuận lợi.

Các cơ sở giáo dục thường thực hiện nội dung Việt Nam học và kiểm tra đánh giá nội dung này một cách linh hoạt, một số thực hiện hình thức tách biệt một số thực hiện lồng ghép trong chương trình giáo dục nước ngoài. Hiện có khoảng hơn 9000 học sinh người Việt Nam học tại các cơ sở giáo dục này.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có khoảng 77 cơ sở giáo dục có phát triển hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chủ yếu là tăng cường năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên; giao lưu kết nghĩa (04 cơ sở giáo dục), trao đổi giáo viên, học sinh (số lượt trao đổi học sinh/giáo viên trong năm học là 16 lượt); hỗ trợ các hoạt động giáo dục như phòng chống đuối nước, bóng đá cộng đồng, hỗ trợ học sinh khuyết tật...

Các đối tác chủ yếu gồm Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Bỉ, Hà Lan, Canada, Anh, Úc…

Tuy nhiên, số cơ sở giáo dục phát triển hợp tác quốc tế chưa nhiều, lĩnh vực hợp tác chưa phong phú. Ngoài ra, việc phê duyệt liên kết giáo dục chưa đồng tốc với việc phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp. Ở một số địa phương, việc nghiên cứu và triển khai thực hiện theo quy định chưa được quan tâm dẫn tới việc một số cơ sở giáo dục đã được phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp nhưng vẫn chưa được phê duyệt liên kết giáo dục để triển khai thực hiện (32/43 cơ sở giáo dục đã được phê duyệt chương trình tích hợp).

Đội ngũ giáo viên người nước ngoài ở một số nơi chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam. Các nhà trường chưa chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình tích hợp đã được phê duyệt. Một số cơ sở giáo dục chưa chủ động điều chỉnh, cập nhật xây dựng chương trình giáo dục tích hợp mới đáp ứng yêu cầu cần đạt theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ học sinh người Việt Nam học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài còn vượt quá 50% theo quy định.

Ở một số cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh Việt Nam rất ít nên việc bố trí thời khoá biểu và giáo viên giảng dạy các nội dung bắt buộc còn khó khăn. Với các trường giảng dạy nội dung giáo dục bắt buộc cho cả hai đối tượng học sinh nước ngoài và Việt Nam, việc giảng dạy còn nhiều khó khăn do vốn tiếng Việt của các em rất ít, dẫn tới, học sinh chưa hiểu được các từ vựng trừu tượng.

Trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, rà soát và yêu cầu các cơ sở giáo dục giảng dạy thí điểm chương trình giáo dục của nước ngoài thực hiện đúng quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục theo lộ trình, điều chỉnh Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT. Đồng thời, bổ sung quy định rõ việc xử phạt hành chính đối với cơ sở giáo dục không thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh Việt Nam học chương trình nước ngoài tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Hà An