Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn tại tọa đàm “Góp ý dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Đại học Thái Nguyên ngày 1/8.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, một trong những mục đích quan trọng của bộ chuẩn là nhằm thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm |
“Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, các cơ sở giáo dục ngày càng được trao quyền tự chủ cao, gắn với trách nhiệm giải trình lớn, đây là điều tất yếu. Các cơ các cơ quan quản lý về lâu về dài sẽ không còn can thiệp vào công việc nội bộ chi tiết của các trường; thay vào đó quản lý sẽ ít nội dung hơn nhưng không vì thế mà bớt đi mức độ chặt chẽ. Quản lý ở tầm vĩ mô cần nắm những yếu tố chính, thiết yếu, cốt lõi trong hoạt động của trường đại học. Đó là điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả hoạt động, yêu cầu tối thiểu đặt ra,...”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, cùng với chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là hai văn bản quan trọng, là cơ sở để tiến tới đổi mới quản lý nhà nước, quản trị trong các cơ sở giáo dục đại học. Dựa trên 2 chuẩn này, những hệ thống văn bản liên quan sẽ được đơn giản hóa dần.
Đại biểu tham dự tọa đàm |
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận, Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là một trong những văn bản khó và có thời gian xây dựng dài nhất ông từng phụ trách.
Việc xây dựng thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2021, lấy ý kiến các trường đại học và các bên liên quan từ năm 2022.
Theo Thứ trưởng Sơn, văn bản này là một trong những thông tư rất khó bởi yêu cầu đặt ra phải đổi mới cách quản lý, do đó phải xây dựng làm sao để chuẩn quy định các yếu tố trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học, vừa phải đảm bảo ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu.
“Thông qua toạ đàm, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn nhận thêm các ý kiến góp ý đầy đủ, toàn diện với nhiều góc nhìn khác nhau, từ trường tư thục, trường công lập, mô hình đại học vùng, trường thành viên, từ trường đặc thù, trường quy mô nhỏ quy mô lớn,...”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.
Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Yêm, thành viên Tổ Chuyên gia xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học |
Trình bày tham luận tại tọa đàm, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Yêm, thành viên Tổ Chuyên gia xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học, cho biết dự thảo thông tư có 6 tiêu chuẩn với 24 tiêu chí quy định cụ thể về Tổ chức và quản trị; Giảng viên; Điều kiện học tập; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ông nhấn mạnh, chuẩn cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu tối thiểu mà chuẩn cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và được kiểm chứng qua các chỉ báo, chỉ số tương ứng.
Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy lợi ích người học là trung tâm; cùng 03 chức năng hoạt động cơ bản của chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Đào tạo, Nghiên cứu và Chuyển giao tri thức phục vụ cộng đồng.
Bộ chuẩn cũng được xây dựng dựa trên định hướng theo tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế (đối sánh quốc tế), phù hợp với điều kiện Việt Nam; đảm bảo yếu tố định lượng nhất có thể (có thể có ít định tính), giám sát, tác động được; đồng thời đảm bảo khả thi khi triển khai.
Cũng tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ về những ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học đối với các quy định tại Thông tư.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đối với các chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới thành lập, chưa thực hiện tuyển sinh, quy định chỉ áp dụng các tiêu chuẩn 1, 2 và 3, trừ các tiêu chuẩn 1.4 và 3.5, trong đó số liệu về quy mô tuyển sinh và đào tạo là dự kiến.
Đối với các chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở đào tạo không phải là chuẩn cơ sở giáo dục đại học: không áp dụng tiêu chuẩn 4, các tiêu chuẩn 1.1 và 6.1.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Trước nhiều ý kiến đề xuất cho rằng Thông tư nên có quy định riêng đối với từng lĩnh vực, khối ngành, ngành đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của Chuẩn được quy định là tiêu chí chính đối với hoạt động của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Việc quy định riêng đối với từng lĩnh vực, khối ngành, ngành đào tạo là cần thiết, tuy nhiên các quy định này sẽ được cụ thể ở Chuẩn chương trình đào tạo (Thông tư số 17 và các Chuẩn chương trình đào tạo theo các lĩnh vực).
Dự thảo nhận được 116 ý kiến góp ý, trong đó tập trung vào 4 tiêu chí: Tổ chức, quản trị; Giảng viên; Điều kiện học tập; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Nhấn mạnh thêm, bà Thủy cho biết, việc thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học có nhiều lợi ích. Trong đó, bộ chuẩn sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch chiến lược, duy trì chỉ số hoạt động, cạnh tranh với khu vực, quốc tế.
Đối với người học, đây là những thông tin để người học lựa chọn cơ sở theo học. Với nhà đầu tư, đây là những chỉ số giúp họ quyết định đầu tư.
Với những người làm chính sách, chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giúp các cơ quan quản lý hoạch định chính sách hiệu quả, hợp lý từ thông tin, dữ liệu từ các trường.
Dự kiến, chuẩn của cơ sở giáo dục sẽ được ban hành cuối năm nay và có hiệu lực từ năm 2025.