Sáng 6/6, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn sáng ngày 6/6. Ảnh: quochoi.vn. |
Có học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong
Chất vấn tại hội trường, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị làm rõ giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo.
Cụ thể, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang). Ảnh: quochoi.vn. |
Đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay?
Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tao sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Về công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp, đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập”.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong.
Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, hiện nay, có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.
Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.
Có trường hợp quy hoạch sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn khiên cưỡng
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn thành phố Hà Nội) Ảnh: quochoi.vn. |
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở này tại các địa phương trong thời gian qua còn có nhiều khiên cưỡng, mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực, dẫn đến nhiều bất cập trong đào tạo và tuyển sinh, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho biết, các chính sách, chế độ đặc thù cho nhà giáo giảng dạy đối với các lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, khiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ ngày càng khó khăn hơn.
Nữ đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét thấu đáo, đánh giá lại việc sắp xếp vừa qua, tránh làm thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi chất vấn về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương cũng đã sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp lại cơ bản được thực hiện đúng, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp còn khiên cưỡng.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp ngành y lại xếp chung trường với ngành công nghiệp cơ khí, hoặc văn hóa nghệ thuật ghép chung với các trường khác, để đảm bảo tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại địa phương. Bộ trưởng cho biết, với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt, chẳng hạn như y tế, văn hóa, nghệ thuật, cần bố trí cho phù hợp.
Theo Nghị quyết số 19, chỉ sắp xếp đối với các trường khi có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc giảm đầu mối đã xuất hiện một số bất cập. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định, nên đề nghị các địa phương xem xét, rà soát vấn đề này để có giải pháp, quyết định thấu đáo.
Điều chỉnh chế độ cho học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu rõ, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất đối với chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: quochoi.vn. |
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đề xuất này đã được thực hiện chưa? Quá trình thực hiện chính sách liên quan đối với học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng, trung cấp theo Quyết định 53 được thực hiện như thế nào?”- nữ đại biểu đề cập.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân về việc thực hiện chính sách đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Giao dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư để hướng dẫn thực hiện quyết định này.
Tuy nhiên, thông tư này qua quá trình triển khai cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, sẽ điều chỉnh các chế độ cho phù hợp, kinh phí sẽ được cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ trực tiếp cho các địa phương thực thi vấn đề này. Đồng thời, sớm sửa đổi thông tư để điều chỉnh các chế độ.
Hai Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, không trùng lắp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) quan tâm đến trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực tế hiện nay chúng ta có rất nhiều trường đại học trên cả nước và học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông dễ dàng có được tấm bằng cử nhân sau 4 năm đại học, thậm chí sau đại học.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương), con số không nhỏ sinh viên, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành và phần lớn lại phải mất một thời gian dài để cập nhật lại kiến thức. Ảnh: quochoi.vn. |
Tuy nhiên, con số không nhỏ sinh viên, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành và phần lớn lại phải mất một thời gian dài để cập nhật lại kiến thức cho phù hợp với thực tế công việc tại cơ quan, doanh nghiệp.
Do vậy, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng cao quy định ở trình độ nào, có quy định ngành nghề, lĩnh vực cụ thể không và có phải chúng ta đang lãng phí nguồn lực này không? Hay do chưa xác định rõ nguồn nhân lực chất lượng cao để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động hiện nay.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đề nghị: “Cần chỉ rõ nguyên nhân do đâu người lao động phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, nhưng trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục Đào tạo đến đâu trên cương vị quản lý nhà nước của mình, có phải do trùng lẫn khi giao nhiệm vụ mà dẫn đến tình trạng này hay không?”.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về bồi dưỡng, đào tạo, phá triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ riêng 2 Bộ. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân công theo chức năng, nhiệm vụ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung vào đào tạo nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hai Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, có phân công rõ ràng về công việc, không có sự trùng lắp, đương nhiên có sự liên thông. Và cũng không có sự tranh chấp quyền lợi ở đây, tinh thần “là một”, vì lợi ích chung.
“Còn một số câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, tôi nghĩ rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời sẽ tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.