Thiếu biên chế giáo viên khiến nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gặp khó khăn, liên tục tuyển dụng giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng cũng như kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Xuân Thế, Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trung tâm hiện có 120 học sinh, mỗi khối có 2 lớp và toàn trường có 6 lớp.
Tính đến thời điểm hiện tại trung tâm vẫn chưa phải mời giáo viên văn hóa thỉnh giảng. Tuy nhiên để đáp ứng chương trình học, các thầy cô đều phải dạy thêm giờ, số tiết dạy học tăng từ 17 tiết/1 tuần lên thành 20 tiết/1 tuần. Ngoài ra, ban lãnh đạo là Phó Giám đốc trung tâm cũng phụ trách thêm việc giảng dạy với bộ môn Giáo dục công dân.
Theo định lượng biên chế trung tâm được giao là 12, nhưng hiện nay trung tâm mới có 9, tức là thiếu 3 biên chế và chủ yếu là giáo viên dạy nghề.
Lý giải việc thiếu giáo viên dạy nghề, thầy Thế thông tin, ví dụ chương trình học dạy nghề cho lao động nông thôn thời hạn dưới 3 tháng có đa dạng nghề như: Nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi thú y, điện...Mỗi năm nhu cầu với từng nghề của học sinh khác nhau, nếu trung tâm mời cố định giáo viên một số nghề về sẽ xảy ra tình trạng có giáo viên nhưng không có học sinh đăng ký hoặc có học sinh học nhưng thiếu thầy dạy.
Do đó, để tránh tình trạng thừa thiếu không đáng có, trung tâm đều tổng hợp số lượng đăng ký, bộ môn, từ đó mời được giáo viên thỉnh giảng phù hợp.
Thêm nữa, trung tâm đều tuyển chọn các thầy cô đã, đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng tại trong và ngoài tỉnh nên chất lượng giáo viên thỉnh giảng đều đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Ba Bể (Bắc Kạn) |
Cùng với đó, trung tâm cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tất cả các phòng học đều là bàn ghế như mọi năm, không có các thiết bị như ti vi, đèn chiếu, máy tính...
Về trang thiết bị dạy nghề về cơ bản đáp ứng được khoảng 50% nhưng hiện nay đã xuống cấp, lạc hậu.
Ví dụ như máy cày phục vụ cho học nghề nông - lâm – ngư nghiệp được cấp từ năm 2012 đến nay đã hoen rỉ, không sử dụng được, những mô hình trực quan tuy cũ, lạc hậu nhưng học sinh vẫn phải thực hành, tháo lắp. Trước tình trạng này, các thầy cô tiếp tục sử dụng cách dạy học truyền thống và khắc phục bằng cách miêu tả qua tranh vẽ, hình ảnh.
Thầy Thế cho biết, tháng 6/2023 trung tâm nhận có văn bản chỉ đạo rà soát thống kê, phía trung tâm đã thực hiện và gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối và báo cáo lên Ủy ban Nhân dân huyện xem xét về các vấn đề như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn hay chỉ đạo thêm.
Thông tin thêm về chỉ tiêu và số lượng học sinh của trung tâm, vị này cho biết, khoảng 2-3 năm nay trung tâm khó tuyển sinh do các đơn vị ngoài tỉnh như các trường trung cấp, cao đẳng đến tuyển sinh, đưa ra các chương trình học tập tương đối hấp dẫn so với chương trình giáo dục thường xuyên như: ưu đãi vừa học vừa làm, các doanh nghiệp hỗ trợ. Do đó, nguồn tuyển sinh của trung tâm vốn đã ít lại càng hạn hẹp hơn nên hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh vẫn thiếu.
Trong khi chờ đợi đầu tư, bổ sung cả về nhân lực và cơ sở, tập thể lãnh đạo của trung tâm đã họp để chuẩn bị, rà soát trang thiết bị, sửa chữa đồ dùng, phòng học. Ngoài ra, các thầy cô cũng đến các trường trung học cơ sở trên địa bàn để chiêu mộ học sinh, phân công tiếp nhận hồ sơ đăng ký học.
Cùng chung tình trạng thiếu biên chế, thầy Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường Xuyên Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết dù được bổ sung thêm biên chế nhưng trường vẫn phải mời giáo viên thỉnh giảng.
“Trung tâm được giao biên chế tất cả là 27 người (bao gồm cán bộ giáo dục, nhân viên và giáo viên). Tuy nhiên do chưa đủ giáo viên, trung tâm đều chủ động làm hợp đồng thỉnh giảng chủ yếu ở các môn văn hóa cơ bản. Trong đó thiếu giáo viên nhiều nhất ở bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Còn với môn tiếng Anh không phải môn bắt buộc, số lượng học sinh ít đăng ký nên trung tâm không thiếu", thầy Thắng thông tin.
Theo thầy Thắng, giáo viên thỉnh giảng tại trung tâm đều là các thầy cô dạy học tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nên đều đảm bảo chất lượng.
Trước thực trạng này, hàng năm, lãnh đạo trung tâm đều báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của các ban ngành, theo đó năm nay trung tâm được bổ sung thêm 2 biên chế cho giáo viên dạy văn hóa, nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Thầy Thắng cũng thông tin thêm, trường hiện có 900 học sinh và công tác tuyển sinh về cơ bản không gặp khó khăn do địa phương chưa có trường dân lập. Nhưng với số học sinh trên, thầy Thắng cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các ban ngành tăng số lượng biên chế giáo viên để phù hợp với chương trình học.