Điện Biên đề nghị giao bổ sung 2.008 biên chế để khắc phục thiếu giáo viên

06/08/2023 06:40
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước khi vào năm học mới, Điện Biên đang thiếu 2.008 giáo viên, dù ngành giáo dục tích cực khắc phục nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn tuyển.

Dù đã chủ động thông báo chỉ tiêu, kế hoạch tuyển dụng hằng năm, thậm chí người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ ứng tuyển, nhưng tình trạng thiếu giáo viên tại tỉnh Điện Biên vẫn chưa được khắc phục.

5 năm liên tục thiếu giáo viên

Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên về tình hình thiếu giáo viên và giải pháp khắc phục của địa phương.

Nói về tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: “Tính trong khoảng 5 năm trở lại đây thì năm nào cũng thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế và định biên theo quy định ngành. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu gần 1.800 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất, sau đến các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học).

Trước thềm năm học 2023-2024 theo định mức toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thiếu 2.008 giáo viên.

Trong đó, cấp học mầm non thiếu 980 giáo viên, 233 tiểu học, 533 trung học cơ sở và thiếu 262 giáo viên trung học phổ thông.

Tình trạng thiếu giáo viên là tình trạng chung của tỉnh. Ở một số môn như Mỹ Thuật, Âm nhạc có thể khắc phục được.

Đối với môn Tiếng Anh và Tin học ở cấp tiểu học là khá khó khăn. Ở cấp trung học cơ sở các thầy cô Toán – Tin có thể dạy song song được, vì ở cấp tiểu học giáo viên đào tạo chung môn Mỹ thuật, Âm nhạc nên có thể khắc phục. Đây có thể là giải pháp trước mắt.

Trong khi thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, các trường đang phải áp dụng hình thức dạy tăng tiết, hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm dạy 2 cấp học theo cụm xã.

Bên cạnh đó, các trường cũng có thể tiến hành ghép lớp để học chung. Môn tiếng Anh, môn Tin học trước mắt có thể học ở các hội trường lớn”.

Điện Biên đang phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học. Ảnh minh họa: LC

Điện Biên đang phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học. Ảnh minh họa: LC

Nói về kế hoạch đảm bảo điều kiện đội ngũ giáo viên khi bước vào năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết:

Để đảm bảo điều kiện về đội ngũ giáo viên năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, khẩn trương thực hiện quy trình tuyển dụng với 489 chỉ tiêu giáo viên.

Trong đó số lượng cụ thể bao gồm 191 giáo viên mầm non, 172 giáo viên tiểu học, 96 giáo viên trung học cơ sở, 30 giáo viên trung học phổ thông để kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên cho năm học.

Sở sẽ tổ chức rà soát, xây dựng phương án, thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi đủ, nơi thiếu ít, đến nơi thiếu nhiều.

Trong thẩm quyền của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với những loại hình giáo viên chuyên biệt thiếu nguồn tuyển (Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Tích cực thực hiện các giải pháp về rà soát sắp xếp quy mô trường, lớp nhằm tiết kiệm biên chế như:

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện bố trí, sắp xếp tăng số học sinh/lớp, giảm số lớp ở cấp học phổ thông; sắp xếp số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hợp lý đảm bảo sử dụng hiệu quả biên chế được giao...

Sở đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 2149/UBND-NC chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổng thể nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn giáo viên.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo để đảm bảo nguồn giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn toàn tỉnh.

Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung biên chế giáo viên năm học 2023-2024 theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026 (đề nghị giao bổ sung 2.008 giáo viên: 980 giáo viên mầm non, 233 giáo viên tiểu học, 533 giáo viên trung học cơ sở, 262 giáo viên trung học phổ thông).

Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên do thiếu nguồn tuyển, tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đề nghị báo cáo chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, dự kiến nguồn và giải pháp ưu tiên tuyển giáo viên các môn chuyên biệt.

Căn cứ kết quả rà soát, dự kiến nhu cầu từ cấp huyện, Sở đã tổng hợp và có văn bản gửi các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm các môn nêu trên và đề nghị các trường thông tin đến sinh viên đã tốt nghiệp, chuẩn bị tốt nghiệp để các em nghiên cứu, tham dự tuyển dụng.

Cùng với đó, ngành khảo sát số lượng sinh viên là con em các dân tộc trên địa bàn đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để trao đổi thông tin hai chiều về nhu cầu tuyển dụng với mong muốn tư vấn đến các em định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng khi các em có dự định chuyển đổi ngành học để dự tuyển giáo viên tại địa bàn.

Kiến nghị sửa đổi Nghị định 116

Một trong số những khó khăn của các tỉnh miền núi chính là việc thiếu nguồn tuyển giáo viên một phần do tâm lý e ngại vùng cao còn khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết:

"Là tỉnh biên giới miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập của giáo viên còn thấp nên Điện Biên cũng chưa tạo được sức hút và sự cạnh tranh với các tỉnh miền xuôi về nguồn tuyển dụng giáo viên.

Hiện toàn ngành vẫn đang thiếu nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt giáo viên chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018".

Việc thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên đã và đang khiến tỉnh miền núi như Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ra đời đã mang lại cho các địa phương miền núi khó khăn cơ hội chủ động được nguồn tuyển dụng. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất là một trong những khó khăn khiến Điện Biên khó thu hút giáo viên. Ảnh minh họa: LC

Thiếu thốn về cơ sở vật chất là một trong những khó khăn khiến Điện Biên khó thu hút giáo viên. Ảnh minh họa: LC

Chia sẻ về việc này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: “Việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc, bất cập.

Cụ thể: Giáo viên đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP bình đẳng với mọi đối tượng giáo viên khác trong quá trình tuyển dụng, không có quy định cụ thể việc bồi hoàn kinh phí đào tạo trong các trường hợp người học không trúng tuyển trong các đợt tuyển dụng; người học do địa phương đặt hàng chi trả kinh phí đào tạo nhưng lại trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng của địa phương khác…

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập này, tại nhiều văn bản Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ điều chỉnh quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Cụ thể: Ban hành cơ chế ưu tiên trong công tác tuyển dụng giáo viên đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; xác định rõ việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp sinh viên thi không đỗ trong các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức tại địa phương; sinh viên nhận hỗ trợ của tỉnh này nhưng đăng ký tuyển dụng, trúng tuyển ở tỉnh khác…”.

Lại Cường