Vẫn còn tâm lý cho rằng, không đủ trình độ vào THPT mới đi học trường nghề

19/08/2023 07:39
Lại Cường
GDVN- Trước thềm năm học mới, nhiều trường cao đẳng nghề hi vọng công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở sẽ được thực hiện sớm ngay từ đầu năm học

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg về đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".

Theo Quyết định này, mục tiêu phân luồng học sinh Trung học cơ sở được đề cập cụ thể như sau:

Mục tiêu đến năm 2020: Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.

Mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Giờ học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Giờ học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để việc tuyển sinh vào các trường nghề bớt áp lực, đồng thời cởi bỏ tâm lý phải thi vào 10 đối với phụ huynh, nhiều trường cao đẳng nghề mong muốn công tác phân luồng học sinh lớp 9 trung học cơ sở sẽ diễn ra từ sớm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Công Đại – Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội chia sẻ:

“Những năm gần đây, nhận thức của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo, các em học sinh về định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông có sự thay đổi tích cực nên việc tuyển sinh đối tượng 9+ được thuận lợi hơn.

Cùng với đó, sự hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho người học trong quá trình học và sau tốt nghiệp đã tạo cơ hội việc làm cho người học.

Đặc biệt, thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quy định danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đã giúp người học tham gia 04 ngành nghề của trường được hưởng chế độ học phí giảm 70%.

Chính vì vậy, việc tuyển sinh các trường cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng cũng đã bớt áp lực hơn”.

“Tuy vậy, việc truyền thông về giáo dục nghề nghiệp chưa được đẩy mạnh bởi các cơ quan nhà nước và cơ quan báo chí nên việc học nghề theo diện 9+ vẫn chưa thực sự được người dân, xã hội quan tâm đi vào thực chất.

Một bộ phận người dân vẫn còn “sính bằng cấp” coi học đại học là con đường thành công duy nhất.

Đặc biệt, quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng chính phủ về phân luồng chưa được thực hiện hiệu quả, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan. Chính vì vậy, các trường nghề vẫn chưa có nhiều lựa chọn trong việc tuyển sinh, lựa chọn đầu vào. Dẫn đến chất lượng đào tạo chưa được ưng ý”, thầy Nguyễn Công Đại cho biết.

Trên cơ sở phân tích thuận lợi và khó khăn của công tác tuyển sinh cao đẳng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội đề xuất:

“Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần thực hiện, công tác truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó các trường tổ chức tốt chương trình hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Các doanh nghiệp, nhà trường và cơ quan chức năng cần có những giải pháp để tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp.

Về chính sách cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp ở cấp trung ương và địa phương trong việc thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng chính phủ về phân luồng để đảm bảo mục tiêu đề ra”.

Cũng bày tỏ quan điểm về việc phân luồng học sinh trung học cơ sở, thầy Phạm Văn Ân – Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng nghề Hải Dương cho biết:

“Trường Cao đẳng nghề Hải Dương là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đa dạng về ngành nghề, trình độ và hình thức đào tạo; là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương và khu vực, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển của đất nước.

Chính vì vậy việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ sống còn của nhà trường. Những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo ở các trường đã diễn ra tương đối thuận lợi vì đã có hành lang pháp lý của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là quyết định của Thủ tướng chính phủ về phân luồng học sinh trung học cơ sở.

Sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Hải Dương hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Hải Dương hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Website nhà trường

Tuy nhiên, thực tế, tâm lý muốn con học xong Trung học phổ thông rồi học đại học vẫn là tâm lý phổ biến. Thường cho rằng không đủ trình độ vào Trung học phổ thông mới cho con đi học trường nghề, cao đẳng nghề…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về nghề nghiệp vẫn chưa tốt khiến nhìn nhận về dạy nghề và học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng chưa được đầy đủ, chính xác.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng học nghề cũng đã và đang đối mặt với thực tế là việc thực tập cho học sinh, sinh viên cao đẳng nghề tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì các em chưa đủ 18 tuổi.

Do chưa đủ độ tuổi lao động nên các doanh nghiệp rất ngại đưa các em đến các xưởng sản xuất thực tế dẫn đến nâng cao chất lượng đào tạo, cọ xát với thực tế công việc gặp nhiều hạn chế”.

Để các trường Cao đẳng nghề thực hiện tốt vai trò, thầy Phạm Văn Ân kiến nghị: “ Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc phân luồng cấp trung học cơ sở, đảm bảo cho các em học sinh xác định rõ nghề nghiệp, định hướng tương lai ngay từ lớp 9.

Việc thực hiện chương trình Trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cần linh động hơn.

Về cơ sở vật chất, các cơ quan chức năng cần đầu tư cho nhà xưởng, cơ sở vật chất, có cơ chế đảm bảo cho sinh viên đi thực tập nghề.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo viên có kỹ năng nghề, các nghệ nhân… có chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân giáo viên dạy nghề giỏi.

Các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về sử dụng lao động đã qua đào tạo. Hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông rồi tự đào tạo”

Lại Cường