Theo chia sẻ của lãnh đạo trường đại học, trong bối cảnh chưa được tăng học phí, để đảm bảo nguồn thu ổn định, lâu dài, trường phải tái cơ cấu tổ chức nhân sự theo hướng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xây dựng nhóm nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động của Viện, Trung tâm thuộc trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hoạt động liên kết doanh nghiệp mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo. Những hội thảo trao đổi, góp ý xây dựng giáo trình đều có sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Điều này thể hiện qua tỷ trọng thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa bằng tỷ trọng thu từ học phí trong tổng thu của trường.
Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Ảnh: website nhà trường). |
Thầy Huy cũng cho biết, việc chuyển giao công nghệ hiện nay nếu trường chỉ làm nghiên cứu mà không phối hợp với doanh nghiệp, nhà sản xuất ngay từ đầu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm công nghệ thì sẽ khó khăn.
“Nắm bắt được điều này, thông qua hoạt động liên kết doanh nghiệp – trường đại học, nhà trường triển khai tương đối tốt nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, khi làm đề tài nghiên cứu, ở mục sản phẩm bắt buộc phải có yêu cầu về chuyển giao, có nơi chuyển giao thì mới tiến hành triển khai đề tài.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường chủ yếu kết hợp với doanh nghiệp trong nước, đơn vị không thuộc nhà nước", thầy Huy chia sẻ.
Cũng theo thầy Huy, với sinh viên đầu khóa, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng phấn đấu vươn lên trong học tập, doanh nghiệp dành những phần quà, học bổng cho các em. Đây được coi là một hình thức hỗ trợ, quyên góp của doanh nghiệp cho trường. Tuy nhiên, để hoạt động hiến tặng, quyên góp của doanh nghiệp cho trường đại học thường xuyên thì cần phải có chính sách khuyến khích.
Về chiến lược nâng tỷ trọng thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong liên kết doanh nghiệp – trường đại học, theo thầy Huy, nhà trường đang thực hiện tự chủ, do đó, định hướng chung là giảng viên phải có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, hình thành nhóm nghiên cứu, nhóm chuyên gia, xây dựng các Viện, Trung tâm (thuộc trường) để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Thầy Huy cũng cho rằng, không nên phân biệt trường đại học công lập hay trường đại học tư thục vì nguồn thu từ hoạt động liên kết doanh nghiệp tốt hay không còn phụ thuộc vào đặc thù trường, ngành đào tạo, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên.
“Nhà trường chưa đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải trả một phần chi phí đào tạo khi sinh viên của trường tốt nghiệp về làm việc cho doanh nghiệp. Bởi vì, thực tế hiện nay sinh viên ra trường có việc làm ổn định, đúng chuyên ngành là đã đạt mong muốn của trường.
Đối với những trường, ngành đào tạo đặc thù, thiếu nhiều nhân lực, và có sự phối hợp với doanh nghiệp ngay từ đầu mới cần được trả một phần chi phí đào tạo cho trường khi sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại doanh nghiệp”, thầy Huy chia sẻ.
Chưa có hợp tác nghiên cứu khoa học tạo nguồn thu
Cùng bàn về vấn đề này, một phó hiệu trưởng trường đại học đào tạo khối ngành Nông - Lâm nghiệp cho biết, cũng như hầu hết các trường đại học khác, học phí là nguồn thu chính trong tổng thu của trường. Song, năm 2023, trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng năm trường chỉ chiếm khoảng 10-20% tổng thu.
Do đó, để đảm bảo nguồn thu, theo vị này, trường đã và đang bàn thảo nhiều vấn đề với các giải pháp như: cố gắng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chi cho các hoạt động giảng dạy và thực hành, thực tập để duy trì chất lượng đào tạo. Tăng cường quảng bá tuyển sinh kết hợp với hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo. Có lộ trình giảm số lượng cán bộ giảng viên, nâng cao hiệu quả công tác hoặc tái cơ cấu tổ chức nhân sự theo hướng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Bàn về nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, vị này cho rằng, hợp tác doanh nghiệp hầu như không đem lại nguồn thu trực tiếp cho trường nhưng là kênh rất tốt để hỗ trợ cho đào tạo, học bổng, tuyển dụng sinh viên của trường vào làm việc tại doanh nghiệp.
Trường liên kết với doanh nghiệp cả trong và ngoài nhà nước nhưng chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi vì, cơ quan doanh nghiệp nhà nước mới tạo điều kiện thuận lợi chứ hầu như không có hỗ trợ kinh phí cho trường do cơ chế tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính còn cứng nhắc. Đặc biệt là chưa có quy định/chế tài nào yêu cầu doanh nghiệp phải dành kinh phí thường xuyên để hỗ trợ cho hợp tác với các trường đại học.
Còn hoạt động hợp tác doanh nghiệp ngoài nhà nước thường theo cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu và nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nhà trường không có điều kiện thỏa mãn lợi ích của doanh nghiệp thì hợp tác không bền vững.
"Có hai khó khăn lớn cả chủ quan và khách quan trong tạo nguồn thu từ hoạt động liên kết doanh nghiệp.
Thứ nhất, liên kết với trường đại học phải đem lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp thì họ mới quan tâm. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ hướng đến mục tiêu tuyển dụng nhân lực thông qua các hoạt động liên kết, hiếm có doanh nghiệp mạnh dạn đặt hàng đào tạo cho trường đại học mang tính lâu dài để tạo nguồn và phát triển nhân lực.
Thứ hai, những doanh nghiệp về nông nghiệp thường có hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu nhân lực không ổn định, đội ngũ cán bộ nhân sự của họ cũng theo đó mà biến động thất thường nên doanh nghiệp cũng không cam kết hợp tác lâu dài và nhất quán với trường.
"Hiện tại, trường chưa có hợp tác nghiên cứu khoa học tạo nguồn thu mà chỉ có hợp tác để tạo ra sản phẩm khoa học. Với hợp tác này, doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu để cải tiến sản phẩm của họ, còn nhà khoa học dùng kết quả nghiên cứu để công bố trên tạp chí khoa học", phó hiệu trưởng chia sẻ thêm.