Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trung học cơ sở đã và đang thành lập đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hóa.
Việc giáo viên chọn học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi môn Toán, Văn, Anh, nhìn chung dễ hơn nhiều so với các môn học khác.
Cô giáo Lê Dung chia sẻ: “Thành lập đội tuyển để bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán, Văn, Anh nói chung dễ, vì học sinh biết đây là 3 môn thi tuyển sinh lớp 10.
Vì thế, khi tham gia đội tuyển môn Toán, Văn, Anh, học sinh sẽ được “học thêm” miễn phí và được các giáo viên có nhiều kinh nghiệm nhất của trường giảng dạy.
Để có thể nâng cao cho học sinh, buộc lòng giáo viên phải ôn tập lại kiến thức cơ bản trước, nên học sinh sẽ lấy lại được cơ bản.
Vì thế, một số học sinh dù không nằm trong tầm ngắm của giáo viên bộ môn nhưng cũng hào hứng xin tham gia”.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Các môn Toán, Văn, Anh dễ bao nhiêu, các môn bị coi là “phụ” lại rất khó khăn khi thành lập đội tuyển khó bấy nhiêu.
Một đồng nghiệp của người viết chia sẻ: “Từ khi địa phương phân luồng sau lớp 9, chỉ có 65% học sinh trung học cơ sở có cơ hội vào lớp 10 công lập, cuộc chiến thi tuyển vào lớp 10 công lập khốc liệt chưa từng có.
Học sinh, phụ huynh, nhà trường đầu tư vào ba môn Toán, Văn, Anh ngay từ … lớp 6 chứ chẳng phải chờ tới lớp 9.
Lên lớp 9 học sinh chủ yếu học môn Toán, Văn, Anh. Các môn còn lại chỉ học cho có, làm gì có nguồn học sinh giỏi, vì vậy nói đến bồi dưỡng học sinh giỏi là tôi chán lắm.
Năm ngoái (2022-2023), tôi có bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa, có học sinh đậu học sinh giỏi Tỉnh nhưng lại trượt lớp 10 công lập, làm tôi cứ áy náy mãi, tôi cảm thấy em ấy trượt lớp 10 cũng vì tôi.
Năm nay, nhà trường phân công tôi tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lớp 9, tôi cho học sinh đăng ký, tuyệt nhiên không có em nào.
Có học sinh còn nói: "Chị T. gần nhà em đậu học sinh giỏi tỉnh môn Địa mà trượt lớp 10 công lập đó thầy", nên đành báo cáo nhà trường không có nguồn, không động viên được học sinh tham gia đội tuyển”.
Không chỉ môn Địa, mà các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử ... cũng nằm trong tình trạng tương tự, các em học sinh không hào hứng tham gia thi học sinh giỏi".
Tại sao đậu học sinh giỏi Tỉnh nhưng lại trượt lớp 10 công lập? Để trả lời câu hỏi, người viết nghe chia sẻ của gia đình một học học sinh đậu học sinh giỏi tỉnh nhưng trượt lớp 10 công lập.
Mẹ của em cho biết: “Tin cháu đậu học sinh giỏi tỉnh nhà tôi mừng 1, khi cháu trượt lớp 10 công lập tôi buồn gấp ngàn lần.
Chúng tôi đã làm đơn phúc khảo thi tuyển sinh lớp 10, nhưng kết quả không thay đổi. Sau khi biết bị trượt lớp 10 công lập, cháu trở nên hoảng loạn, rồi như bị trầm cảm, gia đình, bạn bè động viên mãi, may mà cháu cũng nguôi ngoai.
Hồi cháu đi ôn thi học sinh giỏi Tỉnh, suốt 2 tháng, từ thứ 2 đến thứ 6, chiều nào cũng đi học luyện thi, cháu tập trung cho môn Địa lý quá.
Cuối tháng 3/2023 thi học sinh giỏi tỉnh xong cháu mới ôn thi ba môn Toán, Văn, Anh, trong lúc đó đầu tháng 6/2023 đã thi rồi, thế là đuối sức, nên thi vào lớp 10 mới trượt”.
Thực tế, không ít học sinh, phụ huynh hiện nay không muốn con tham gia thi học sinh giỏi bất cứ môn nào, đã khéo léo từ chối lời mời của giáo viên bộ môn.
Thầy giáo Nguyễn Văn Trung, giáo viên một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Con tôi học tốt cả 3 môn Toán, Văn, Anh, giáo viên bộ môn cũng mời vào đội tuyển để luyện đi thi học sinh giỏi cấp huyện, nhưng gia đình chúng tôi thống nhất từ chối.
Luyện thi thì chỉ có 1 môn, thi tuyển sinh vào lớp 10 thì 3 môn, muốn đậu vào trường trung học phổ thông theo nguyện vọng, phải học đều cả ba môn Toán, Văn, Anh, chứ chỉ mỗi 1 môn thì khó lắm.
Không chỉ riêng tôi, tôi thấy nhiều giáo viên khác có con học lớp 9 đều từ chối cho con luyện thi học sinh giỏi bất cứ môn nào”.
Thực tế, đậu học sinh giỏi huyện hay tỉnh ở lớp 9 đều không có điểm khuyến khích, hay chỉ tiêu tuyển thẳng vào lớp 10, nhưng ôn luyện thi thì vô cùng vất vả.
Tham gia luyện thi, thi học sinh giỏi hay không là quyền của mỗi học sinh, từ thực tế của địa phương mình, học sinh cần cân nhắc để có lựa chọn phù hợp.
Các cơ sở giáo dục cũng đừng vì thành tích của mình, tập trung thời gian ôn luyện thi quá dài, quá nhiều, làm mất cơ hội học tập toàn diện của học sinh.
Thực ra, không có môn học nào là chính hay phụ của tất cả học sinh. Môn học nào phát huy được phẩm chất và năng lực người học, giúp người học chọn đúng nghề, sống tốt với nghề đã chọn, đó mới là môn chính của mỗi người.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực người học trong chương trình 2018, người viết đề nghị các địa phương cân nhắc việc tổ chức thi học sinh giỏi văn hóa trong năm học 2024-2025.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.