LTS: Thầy giáo Nguyễn Cao gửi bài viết đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phàn nàn về thực tế hiện nay học sinh chưa được đối xử công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi.
Chính điều này khiến nhiều thầy cô ngày đêm cùng học trò ôn luyện chán nản với các phong trào thi đua của ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Hàng chục năm đứng lớp, đã từng tham gia rất nhiều các phong trào, các hội thi của ngành giáo dục tổ chức nhưng đối với tôi, ôn thi học sinh giỏi là một công việc để lại nhiều dư vị nhất.
Mỗi kì thi đi qua, cái buồn không phải là học sinh thi đỗ hay trượt mà cái buồn về sự đối xử chưa công bằng.
"Giải mã" lí do giáo viên ngán ngẩm ôn thi học sinh giỏi (Ảnh: tuoitre.vn) |
Hiện nay, ngoài kì thi học sinh giỏi quốc gia được lựa chọn chủ yếu từ các trường chuyên của mỗi tỉnh thì các Sở, Phòng GD&ĐT còn tổ chức một số kì thi học sinh giỏi khác.
Đối với cấp Trung học phổ thông thì học sinh giỏi chỉ trải qua một kỳ thi cùng với tất cả trường cấp 3 khác trong toàn tỉnh. Còn đối với cấp Trung học cơ sở thì phải tổ chức thi cấp huyện, sau đó lựa chọn những học sinh có số điểm cao nhất để thi cấp tỉnh.
Song, có lẽ vì yếu tố “giỏi” nên các đơn vị lấy số lượng học sinh đỗ rất ít. Thường, chỉ dao động từ 10-20% số thí sinh dự thi.
Danh sách thí sinh đạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2016(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Danh sách thí sinh đạt giải ở Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2016. |
Nhiều môn học lấy chưa đến 10% nhất là những môn khó lấy điểm như môn Ngữ văn, Tiếng Anh…Trong phạm vi bài viết này tôi đề cập đến kì thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở.
Người thầy khi được phân công ôn thi học sinh giỏi đồng nghĩa với việc gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề.
Với khoảng thời gian ôn thi kéo dài từ đầu tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau thì cuộc thi mới diễn ra. Thời gian ấy, cả thầy và trò phải cố gắng hết mình với mong muốn đạt được thành quả.
Mỗi tuần ôn thi từ 2-3 buổi và gần như những thầy cô được giao nhiệm vụ ôn thi không hề được nhà trường hỗ trợ.
Nếu học sinh thi đỗ thì cuối năm nhà trường thưởng cho giáo viên vài trăm nghìn đồng. Nếu học sinh trượt thì trong mỗi cuộc họp sẽ thường xuyên bị đem ra để so sánh giữa tổ này với tổ khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác và nghe kết luận “phải xem lại cách ôn luyện của mình…”
Trong khi, chuyện đỗ, trượt của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ đề thi, người chấm bài, số lượng quy định tỷ lệ đỗ…
Hiện nay, cách ra đề thi và phân công người chấm trong các kỳ thi học sinh giỏi của một số địa phương còn nhiều bất cập.
Không tổ chức thi học sinh giỏi các cấp sẽ bớt ứng thí, tốn kém(GDVN) - Thống kê cho thấy, nước ta thuộc diện ít nhất về phát minh, sáng chế trong khu vực và thế giới. Ngẫm mà buồn, mà lo. |
Thứ nhất, nhiều giáo viên vừa có học sinh giỏi tham gia kì thi, lại vừa là người ra đề và cũng lại là người chấm thi.
Đối với cấp Trung học cơ sở ở vòng thi huyện thì Phòng GD&ĐT ra đề. Tuy nhiên, do Phòng chỉ có một chuyên viên phụ trách chuyên môn cho cả cấp học nên đề thi do Hội đồng bộ môn đảm nhận.
Người làm Hội đồng bộ môn thường là những tổ trưởng ở một trường lớn, chính vì vậy trường đó lại có số lượng học sinh thi đông.
Nhưng vì là làm Hội đồng bộ môn nên được Phòng GD&ĐT giao cho ra đề thi. Đến khi thi xong thì được phân công làm giám khảo. Hỏi những cách phân công như vậy thì còn đâu sự công bằng và ý nghĩa tên gọi của một kì thi học sinh giỏi?.
Thứ hai, vì thời gian ôn thi kéo dài hơn cả một kỳ học nên học sinh sẽ bị ảnh hưởng từ phong cách của người dạy rất nhiều và người thầy sẽ không còn lạ lẫm chữ viết, cách trình bày bài thi của từng học trò.
Định mức tiết dạy đối với giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi(GDVN) - Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết. |
Do đó, khi chấm bài thì dù có dọc phách thì chữ viết và phong cách làm bài của học trò của mình dạy cũng không lẫn vào đâu được.
Thứ ba, khi giáo viên phụ trách ra đề thi thì lẽ nào lại không định hướng học sinh vào những đơn vị kiến thức, những dạng bài tập mà mình ra đề.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của học sinh khi mà chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm là xảy ra “kẻ khóc, người cười”.
Chính vì cách phân công giáo viên như vậy mà nơi tôi công tác, kỳ thi học sinh giỏi vòng huyện trong năm học vừa qua, môn thi có giáo viên kiêm là người chấm thi đã có 4/7 học sinh đạt giải, còn gần 20 trường còn lại thì chỉ còn tổng số 3 giải.
Rồi tiếp tục đến vòng thi tỉnh, người cầm cân nảy mực đang chấm bài mà có bài thi của học trò mình thì sẽ thế nào?
Cả thầy và trò cùng cố gắng, cùng ôn thi vất vả nhưng nếu học sinh trượt chỉ vì các bố trí người ra đề, người chấm thi thì rõ ràng sẽ khiến thầy cô muộn phiền nhiều. Nhiều người sẽ chán nản và không còn thiết tha với phong trào của ngành nữa.