Vi phạm xây dựng "chình ình" tồn tại: Phải xử lý cán bộ, lãnh đạo mới đủ răn đe

05/10/2023 09:06
Thành An
GDVN-Theo ĐBQH, vi phạm trật tự xây dựng là vấn đề không phải của riêng Hà Nội, cần xử lý quyết liệt, triệt để, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại, mầm mống tiêu cực.

Vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều bức xúc

Thời gian qua, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt tại Hà Nội đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, bởi có những vi phạm kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm, gây nhức nhối.

Trong bài viết Mạnh tay trị ‘bệnh’ nhờn luật được đăng tải trên nld.com.vn ngày 04/8/2023, số liệu thống kê cho thấy năm 2022, Hà Nội có 19.211 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện, thị xã đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 320 trường hợp vi phạm, chiếm tỉ lệ 1,67%. Tuy tỉ lệ vi phạm giảm so với năm 2016, song, vẫn có những công trình vi phạm kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc. Điển hình là Lô 01-CN3, Cụm Công nghiệp Từ Liêm; công trình tại 59 Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm; khu vực Đầm Bông, quận Hoàng Mai; biệt thự số 9 lô B, quận Cầu Giấy… [1]

Trước đó, ngày 12/7/2023, trên nld.com.vn có bài viết Lãnh đạo Hà Nội thừa nhận còn tình trạng né tránh khi xử lý sai phạm trật tự xây dựng. Theo đó, chỉ ra: Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị còn một số tồn tại, hạn chế; tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. “Những khuyết điểm, hạn chế này có phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp còn chưa kịp thời, sâu sát, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao” - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thừa nhận. [2]

Ngày 27/2/2023, báo Thanh tra đăng tải bài viết: Hà Nội: Báo cáo bỏ lọt nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Qua đó, cho thấy, kết quả phúc tra công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023, một số địa bàn có tỉ lệ vi phạm ở mức cao như Cầu Giấy 14,58%, Chương Mỹ 9,09%, Đan Phượng 6,9%, Gia Lâm 5,6%, Hoàn Kiếm 7,4%, Mê Linh 42,5%, Sóc Sơn 10,7%, Thạch Thất 9,8%. Một số công trình xây dựng sai phép, không phép tăng 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành phúc tra công tác quản lý trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 đối với 4 quận (Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng), phát hiện số liệu báo cáo công tác quản lý của Ủy ban nhân dân các quận không đúng với thực tế, nhiều công trình vi phạm không được báo cáo hoặc báo cáo không vi phạm (bỏ lọt nhiều vi phạm); hồ sơ quản lý do Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quản lý còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, nhiều công trình vi phạm không được thiết lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định. [3]

Tòa nhà chung cư mini số 45 ngõ 80 Hoàng Đạo Thành được báo Tiền phong phản ánh trong bài viết [4]. Ảnh: tienphong.vnTòa nhà chung cư mini số 45 ngõ 80 Hoàng Đạo Thành được báo Tiền phong phản ánh trong bài viết [4]. Ảnh: tienphong.vn

Trên tienphong.vn trong bài viết ‘Hô biến’ nhà ở văn phòng thành tòa chung cư mini với cả trăm căn hộ ngày 26/9/2023 cũng đề cập: “Dư luận đặt câu hỏi, nhiều tòa chung cư mini xây vượt đến 3 tầng. Thế nhưng, thời điểm xây dựng không thấy chính quyền địa phương đình chỉ, xử lý dứt điểm, liệu có sự “tiếp tay” hay buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương?”. [4]

Trong khi có rất nhiều lĩnh vực đã được “siết chặt” hoạt động, thì trật tự xây dựng lại có những vi phạm chình ình, kéo dài qua thời gian, không được xử lý triệt để.

Đơn cử, đối với lĩnh vực báo chí, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTW thực hiện một số điều trong Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, trong đó, Điều 13 (Kỷ luật) có nêu: Trong vòng 12 tháng, cơ quan báo chí bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở 02 lần bằng văn bản thì lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (điểm a khoản 3 Điều 13 Quy định số 101-QĐ/TW).

Muốn lập lại kỷ cương, cơ quan quản lý nhà nước phải “đầu tàu” gương mẫu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến thảo luận và thông qua Luật Xây dựng. Trong đó, cũng đã đặt rất nhiều vấn đề về vi phạm trong xây dựng, kể cả các công trình của chủ đầu tư, công trình dân dụng của người dân, lẫn vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép, sửa giấy phép, rồi “phạt cho tồn tại”...

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tình hình “phạt cho tồn tại” thời gian qua đã diễn ra ở khắp nơi trên cả nước, không phải chỉ riêng Hà Nội.

Do việc chấp hành của người dân cũng như của cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm đã dẫn đến luật pháp, kỷ cương không nghiêm. Không ít những tình trạng người dân xây dựng không giấy phép, xây dựng không đúng với giấy phép, hoặc có những công trình được xây dựng trên khu vực đất được sử dụng sai mục đích... Điều đó cho thấy sự quản lý của cơ quan nhà nước lỏng lẻo, thiếu kiểm tra hoặc có trường hợp là tiêu cực, là cố ý “lơ đi” sai phạm.

Cho nên, việc nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cơ quan quản lý là cực kỳ quan trọng trong việc lập lại trật tự kỷ cương đối với lĩnh vực xây dựng”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cũng phân tích thêm: “Việc cấp phép xây dựng như thế nào, xây dựng thực tế vi phạm ra sao và có tình trạng “phạt cho tồn tại” hay không, đều thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu như, mỗi khi phát hiện bất kỳ vi phạm nào, cũng phải buộc phải khắc phục, cưỡng chế tháo dỡ, có lẽ người dân sẽ đều chấp hành tốt sau này.

Tuy nhiên, nhiều nơi trong thời gian qua vẫn “phạt cho tồn tại”, đây là một vấn đề mà một phần nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân, còn quan trọng và cốt lõi nhất chính là kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng của cơ quan nhà nước không nghiêm.

Chính vì vậy, muốn lập lại trật tự kỷ cương, cơ quan quản lý nhà nước phải “đầu tàu” gương mẫu, chấp hành nghiêm những quy định của Luật Xây dựng.

Khi tiến hành xử phạt đối với các công trình vi phạm, nếu người dân vẫn cố tình tiếp diễn thì buộc phải cưỡng chế tháo dỡ. Chứ không phải giống nhiều trường hợp, phát hiện vi phạm thì lập biên bản, rồi “phạt nhưng cho tồn tại”, thậm chí “lơ đi” vi phạm,...”.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, để làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, để người dân nghiêm chỉnh chấp hành, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải chấp hành, xử phạt nghiêm minh, dù đứng sau đó là bất kỳ ai, kiên quyết “không có vùng cấm”.

“Tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng trong quản lý của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước phải là “đầu tàu” gương mẫu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trên tất cả các lĩnh vực.

Nếu không, trật tự kỷ cương trên tất cả lĩnh vực sẽ không nghiêm. “Dĩ hòa vi quý” ở vấn đề này, vấn đề kia, thì những vấn đề đó vẫn sẽ tồn tại muôn thuở.

Vì vậy, việc quyết liệt, triệt để trong xử lý vi phạm đối với cơ quan nhà nước, đối với người đứng đầu, đối với những người cán bộ thuộc quyền có sai phạm là hết sức cần thiết. Phải xử lý thật nghiêm minh để nêu gương và một bài học kinh nghiệm cho những tất cả các trường hợp khác, cả nước nhìn vào, để người khác “không nghĩ, không muốn, không dám” vi phạm trên tất cả các lĩnh vực” - vị đại biểu nhấn mạnh.

Chấm dứt ngay tình trạng “phạt cho tồn tại” - mầm mống của tiêu cực

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Phải khẳng định rằng, kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng thời gian qua còn chưa nghiêm. Không ít công trình xây dựng sai phép lại có hình thức “phạt cho tồn tại”, càng làm “nhờn” luật pháp, kỷ cương.

Trước hết, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Tất cả những hậu quả, hệ lụy khôn lường thời gian qua, phần lớn đều do quản lý xây dựng cơ bản của chúng ta quá lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, thậm chí có những lợi ích riêng trong đó. Chủ trương chung và giải quyết triệt để vấn đề này ở một vài dự án lớn trong thời gian vừa qua còn chưa nghiêm, ví dụ công trình số 8B Lê Trực.

Trách nhiệm ấy, trước hết thuộc các cơ quan chuyên môn quản lý về trật tự xây dựng; thứ hai là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp”.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng chỉ ra: “Tuy nhiên, hiện nay, với hàng chục vạn công trình xây dựng ở khắp các địa bàn, nếu như chính quyền các cấp, nhất là ở các phường, xã, tổ dân phố không vào cuộc, thì chắc chắn sẽ không thể xử lý hết.

Cho nên, trách nhiệm trước hết là các cơ quan quản lý về xây dựng, phải triệt để trong vấn đề cấp phép, thực thi xây dựng của các chủ thầu, chủ đầu tư. Một khi sai quy định, phải có hình thức xử lý, chấm dứt ngay tình trạng “phạt cho tồn tại”, đó chính là mầm mống của tiêu cực, mầm mống của những hậu họa thương tâm”.

“Việc “phạt để tồn tại” hay vì “lợi ích nhóm” mà thay đổi quy hoạch trong xây dựng, hoặc xây trái phép, xây vượt tầng, đều phải xử lý triệt để... Nếu có tiêu cực, vụ lợi, không những xử lý nghiêm về hành chính mà thậm chí xử lý cả về mặt hình sự. Phải xử lý triệt để để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, để giữ lòng tin của nhân dân. Nếu làm trái đi một việc mà mất kỷ cương là rất nguy hiểm.

Khi phát hiện sai phạm, các chủ đầu tư phải khắc phục sai phạm trong một thời gian nhất định, qua thời hạn đó mà không khắc phục được, xảy ra hậu họa, thì phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm. Điều này phải có cam kết, biên bản rõ ràng, sau này, chúng ta có cơ sở pháp lý để xử lý các tổ chức, cá nhân.

Khi xảy ra sự cố, phải xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cấp ủy chính quyền và các cơ quan chuyên môn về xây dựng. Có như vậy, dần dần, chúng ta mới hạn chế, khắc phục được những hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng, mới khắc phục kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt tại các thành phố lớn, đông dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh” - Đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết thêm.

Bàn thêm về trách nhiệm của những cán bộ thời kỳ xảy ra sai phạm hiện đã nghỉ hưu, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu:“Quốc hội cũng đã có quy định liên quan đến vấn đề này. Nếu là khiển trách thì 5 năm, cảnh cáo là 10 năm, trên cảnh cáo nữa thì không có thời hạn... Chuyện đó đã rất rành mạch, rõ ràng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cứ căn cứ vào quy định của Đảng, nghị quyết của Quốc hội để xử lý nghiêm, theo tôi, sẽ không có vấn đề gì xảy ra”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/thoi-su/lanh-dao-ha-noi-thua-nhan-con-tinh-trang-ne-tranh-khi-xu-ly-sai-pham-trat-tu-xay-dung-202307121140221.htm

[2]https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/ha-noi-bao-cao-bo-lot-nhieu-cong-trinh-vi-pham-trat-tu-xay-dung-212995.html

[3] https://nld.com.vn/ha-noi/manh-tay-tri-benh-nhon-luat-20230803203027825.htm

[4]https://tienphong.vn/ho-bien-nha-o-van-phong-thanh-toa-chung-cu-mini-voi-ca-tram-can-ho-post1572318.tpo

Thành An