Ngày 19/05/2022 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.
Trước đó, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã sử dụng ngân sách chi cho công chức viên chức đi đào tạo tiến sĩ trong hoặc ngoài nước, nhưng cũng có nhiều trường hợp không đạt kết quả như mong muốn.
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh để có thêm góc nhìn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. (Ảnh: Lao Động) |
Phóng viên: Liên quan đến việc Hà Nội có đề án chi ngân sách cho cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao. Trong đó, chi hơn 61 tỉ đồng cho cán bộ công chức, viên chức đào tạo sau đại học. Nhiều chuyên gia băn khoăn, tiến sĩ là trình độ đào tạo để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, còn cán bộ công chức chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, quản trị. Nếu công chức viên chức được phân công đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì rất cần thiết nhưng để học lên tiến sĩ có cần thiết không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chủ trương chung của Hà Nội về nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức rất cần thiết và bắt buộc phải thực hiện.
Tuy nhiên con đường đào tạo bồi dưỡng cán bộ có sự khác nhau, đối với công chức không nhất thiết phải đào tạo sau đại học. Điều kiện cần của công chức viên chức là tốt nghiệp đại học một chuyên ngành nào đó, sau đó được tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kĩ năng.
Việc đào tạo sau đại học cần cho các vị trí như là các trường học, các viện nghiên cứu thì phù hợp hơn.
Khối viên chức tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu thì mới cần hệ sau đại học. Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đang thiếu đội ngũ về tiến sĩ..
Chúng ta cũng từng thấy nhiều tỉnh thành phố cử cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều người sau khi học xong lại không trở lại làm việc cho đơn vị.
Đối với công chức viên chức, theo tôi chỉ nên tập trung vào bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Chúng ta vẫn đang làm điều này nhưng phải làm có chất lượng hơn. Cụ thể như nâng cao phương pháp, nội dung bồi dưỡng theo nhu cầu vị trí việc làm.
Phóng viên: Theo nội dung Đề án, Hà Nội nhận định kĩ năng tổ chức cán bộ công chức còn yếu, ông đánh giá sao về điều này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta phải tập trung vào công tác bồi dưỡng cho công chức viên chức về kĩ năng công tác tổ chức cán bộ, điều này rất quan trọng. Nhiều khi cán bộ thiếu kiến thức thì cũng khó để chuyển hóa từ kiến thức đó thành kết quả cụ thể.
Trong công tác bồi dưỡng cán bộ thì nên tập trung về công tác tổ chức cán bộ, từ việc tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, bố trí sử dụng cán bộ ... như nào. Cần chú trọng nhất là các kĩ năng.
Đối với công chức viên chức, họ có bằng cấp nhưng chưa chuyên sâu về việc họ đang đảm nhận, nên phải được bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng đó thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bây giờ để đào tạo sau đại học làm thạc sĩ, tiến sĩ thì theo tôi nội dung đó không nhất thiết.
Bởi chương trình sau đại học rất chuyên sâu. Nó rất cần cho hoạt động đào tạo giáo dục. Còn đối với công việc của công chức viên chức thì không chuyên sâu một lĩnh vực, một chuyên đề nào, mà đòi hỏi sự tổng hợp.
Ngay như công tác tổ chức cán bộ đòi hỏi nhiều yếu tố, ví dụ như kiến thức xã hội, tâm lí con người, chứ không phải sâu về một chuyên đề, nên đào tạo sau đại học là không nhất thiết.
Phóng viên: Ông có đánh giá như nào về hiệu quả của công chức, viên chức tại chính quyền các địa phương hiện nay?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Hiệu quả công việc tại cấp cơ sở thì còn phụ thuộc rất nhiều vấn đề, trong đó việc tuyển dụng cán bộ là rất khó khăn.
Chế độ chính sách ở cấp xã, phường, thị trấn thì đội ngũ công chức đã cố gắng đạt tiêu chuẩn, tuyển đầu vào đều là tốt nghiệp đại học, thi tuyển...
Tuy nhiên vẫn còn hạn chế do chế độ đãi ngộ chính sách. Trước kia, có một thời cán bộ phường xã chỉ có phụ cấp, nhưng hiện tại thì họ được tính lương theo bằng cấp như bằng cử nhân, bằng thạc sĩ...
Thực tế, tại cấp cơ sở có yêu cầu rất cao về công việc. Đây là đơn vị trực tiếp thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế.
Hiện nay, đội ngũ cấp cơ sở phường, xã, thị trấn theo quy định tối đa không quá 25 người. Việc tuyển dụng công chức viên chức cũng rất khó khăn, đồng thời quy mô dân số trong thời gian vừa qua cũng có sự điều chỉnh khi tiến hành cải tổ sát nhập thôn, xã, phường. Vì thế, đội ngũ này rất cần năng lực làm việc đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Phóng viên: Thực tế hiện nay, Hà Nội đang có 7 tiến sĩ ở cấp cơ sở là cấp xã, trong khi đó tại các đơn vị giảng dạy đào tạo lại thiếu tiến sĩ. Đó có phải là một sự lãng phí nguồn nhân lực, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đối với tất cả các các cơ quan quản lí nhà nước không cần có cán bộ là thạc sĩ, tiến sĩ. Những người có học vị tiến sĩ nếu được vào các trường, các viện để phục vụ công tác giảng dạy sẽ phù hợp và phát huy, tận dụng hết năng lực, trình độ của họ.
Như tôi nói ở trên, đối với cán bộ quản lí nhà nước đòi hỏi kiến thức tổng hợp, ví như công tác tổ chức cán bộ, chính sách lao động... cán bộ lãnh đạo quản lí như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, Bí thư phường đều đòi hỏi kiến thức rất tổng hợp, đòi hỏi kiến thức kĩ năng về tổng hợp thì cần phải tập trung vào con đường đó để bồi dưỡng hơn là cử đi học sau đại học.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!