Giáo viên tâm tư về việc dạy thêm học thêm, vậy làm như thế nào là đúng?

07/10/2023 10:08
LÃ TIẾN
GDVN- Đầu năm học 2023-2024, vấn đề dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, dạy liên kết trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tại Hải Phòng, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành chức năng, địa phương đã có những chỉ đạo rốt ráo về việc này.

Thường trực Thành uỷ Hải Phòng cũng có ý kiến chỉ đạo thực hiện nghiêm rà soát chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, thu chi trong trường học…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố Cảng, sự góp ý của nhiều nhà báo, phóng viên, đến nay, việc quản lý dạy thêm học thêm trên địa Hải Phòng đã đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, sức “nóng” từ dư luận, những chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan quản lý đang tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ giáo viên, nhất là những thầy cô giáo có năng lực, tâm huyết với nghề, được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình.

Giáo viên tâm tư về việc dạy thêm, học thêm

Trong những ngày qua, nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam những tâm tư, nguyện vọng về việc dạy thêm học thêm.

Theo cô giáo L. đang công tác ở một quận nội thành Hải Phòng chia sẻ: “Dạy thêm học thêm về cơ bản có thể phân chia thành 2 dạng. Dạng 1: Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Dạng 2: Không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh. Đây là dạy thêm học thêm biến tướng gây không ít khó khăn cho học sinh và phụ huynh.

Áp lực từ các kỳ thi khiến nhu cầu của phụ huynh mong muốn các thầy cô dạy bồi dưỡng kiến thức cho con em mình (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Áp lực từ các kỳ thi khiến nhu cầu của phụ huynh mong muốn các thầy cô dạy bồi dưỡng kiến thức cho con em mình (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

“Việc dạy thêm học thêm được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Song có nhiều điều đã hết hiệu lực.

Giáo viên chúng tôi phần lớn dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Chúng tôi lao động bằng mồ hôi, công sức của mình.

Vì thế, rất cần những góc nhìn khách quan và có hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để giáo viên được làm những việc có lợi cho học sinh và giúp cho giáo viên có thêm thu nhập chính đáng.

Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đạo tạo sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề dạy thêm học thêm để giáo viên có thể yên tâm dạy. Thay vì như hiện nay, nhiều người chưa cần biết giáo viên dạy thêm như thế nào đã coi chúng tôi là làm sai", cô giáo L. rưng rưng chia sẻ.

Theo một số giáo viên khác, ở bậc tiểu học thì có thể các em học sinh chưa thực sự cần thiết phải bổ sung, bồi dưỡng kiến thức nhưng ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì các nhu cầu này là có thực của các phụ huynh học sinh.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Hoàng Thị H. (ở quận Lê Chân – đang có con học lớp 9) cho hay: “Với vấn đề này chúng ta hãy nhìn bằng con mắt công bằng một chút với các giáo viên. Hãy đánh giá năng lực giáo viên qua chất lượng giảng dạy.

Trong nhiều năm gần đây, có một thực tế là nếu học sinh không được học thêm ở những “lò” có tiếng, những thầy cô có tên tuổi thì cơ hội đỗ vào các trường Trung học phổ thông tốp đầu là rất ít, thậm chí gần như bằng không.

“Trường chuyên, lớp chọn không phải do phụ huynh hay giáo viên sinh ra. Và ai cũng có mong muốn con em mình được học trường có chất lượng tốt, thầy cô giỏi nên bắt buộc phải học thêm để có cơ hội tốt hơn. Vì thế mới sinh ra học thêm. Để giải quyết những giáo viên dạy thêm tràn lan, dạy thêm biến tướng Sở Giáo dục và Đào tạo nên thành lập đường dây nóng ở mỗi trường, mỗi Phòng Giáo dục để phụ huynh phản ánh giáo viên dạy thêm tiêu cực.

Còn lại khi phụ huynh và học sinh có nhu cầu thì giáo viên được phép dạy. Là mẹ của hai con nên tôi biết, thực tế phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm.

Con tôi bây giờ có muốn học thêm cũng không có tìm được chỗ dạy vì giáo viên đều sợ "bị bắt" khi đang dạy thêm. Rồi lại kiểm điểm, kỷ luật nữa”, chị H. chia sẻ.

Giáo viên được phép dạy thêm ngoài nhà trường

Tại hội nghị giao ban và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hải Phòng diễn ra vào ngày 5/10/2023, bà Đỗ Thị Hòa – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định: “Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường theo đúng Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo bà Đỗ Thị Hòa, giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường khi đã hoàn thành khối lượng giảng dạy trong nhà trường theo quy định của nhà nước về số tiết giảng dạy và đảm bảo tư cách về đạo đức, phẩm chất.

Bà Đỗ Thị Hòa – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định: “Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường" (Ảnh: LT)

Bà Đỗ Thị Hòa – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định: “Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường" (Ảnh: LT)

Dạy thêm ngoài nhà trường phải đúng quy định theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dạy thêm cho học sinh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tuyệt đối không được ép buộc với bất cứ hình thức nào đối với các học sinh mình đang dạy trên lớp chính khóa. Mục đích tránh việc giáo viên lôi học sinh của mình dạy chính khóa về nhà mình hoặc các cơ sở dạy thêm học thêm để dạy.

Lượng kiến thức dạy thêm, học thêm phải bắt buộc là lượng kiến thức bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc là bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh yếu kém, hoặc bồi dưỡng nâng cao kiến thức trên cơ sở nền tảng của kiến thức chính khóa chứ không phải là dạy bài kiến thức chính khóa.

“Theo quy định thì giáo viên hưởng lương trong ngân sách được dạy thêm học sinh mình không dạy trực tiếp trên lớp chính khóa. Hiệu trưởng không có quyền cấm giáo viên ra ngoài dạy thêm ngoài giờ chính khóa.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên của mình đem 100% học sinh lớp chính khóa về nhà hoặc đến trung tâm dạy thêm học thêm để dạy.

Nếu để xảy ra như vậy là Hiệu trưởng đã buông lỏng quản lý và không chỉ đạo giáo viên trong đơn vị của mình kịp thời”, bà Hòa nhấn mạnh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, việc dạy thêm được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/20212/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Tại Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định những trường hợp không được dạy thêm bao gồm:

- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Như vậy, theo Luật sư Diệp Năng Bình, giáo viên chỉ cần không thuộc các trường hợp không được dạy thêm quy định ở trên và thực hiện đúng các nguyên tắc về dạy thêm, học thêm thì giáo viên có thể dạy thêm ngoài trường.

LÃ TIẾN