Dạy thêm là nhu cầu chính đáng của GV nhưng phải quản lý được để tránh ép HS

11/05/2023 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1 lên tiếng trước đề xuất đưa dạy thêm vào loại hình kinh doanh có điều kiện.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết, thời gian tới sẽ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Dạy thêm vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải bị truy cứu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, thầy hoàn toàn ủng hộ, đồng ý với đề xuất này.

Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích, việc dạy thêm học thêm là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của cả người học và người dạy, nói rộng ra là nhu cầu của xã hội, xuất phát từ sự ham học hỏi, mong muốn được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, cải thiện thành tích học tập của học sinh, để đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.

Với chính bản thân các thầy cô giáo, nếu không dạy thêm, làm thêm thì rõ ràng là khó tồn tại được với nghề. Do hiện nay, công tác tuyển dụng trong ngành giáo dục ở các thành phố lớn đã không còn xét đến nơi cư trú. Sinh viên sư phạm mới ra trường đều đổ về các thành phố lớn để làm việc. Gánh nặng mưu sinh tất cả đều đè lên đồng lương quá ít ỏi thì lấy đâu ra mà sinh sống.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú khẳng định, có được hạnh phúc nào hơn nếu thầy cô được sống và làm việc với đúng nghề mà mình đào tạo. Cũng giống như nhiều ngành nghề khác trong xã hội như ngành luật, ngành y, xây dựng…được mở văn phòng luật, phòng mạch, công ty xây dựng thì nghề giáo viên cũng nên được dạy thêm theo chính nhu cầu của người học, của xã hội.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú cũng đề xuất rằng, nên có biện pháp chế tài thật nặng, thậm chí áp dụng các biện pháp kỷ luật bằng luật pháp nếu để xảy ra sai phạm.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1 (ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1 (ảnh: NVCC)

Ví dụ: Giáo viên nào dạy thêm mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm lộ đề, ép buộc, dọa nạt học sinh hay có những hành vi sai trái với người học thì cũng phải bị truy cứu trách nhiệm, từ dân sự cho đến hình sự.

Nếu để xảy ra tình trạng ưu ái với học sinh học thêm như đề kiểm tra, cáu gắt, lạnh lùng với học sinh không đi học thêm để nhằm mục đích hù dọa học sinh phải đi học thêm, thiết nghĩ nên xử lý cả người đứng đầu nhà trường, do đã để xảy ra điều tệ hại trong nhà trường văn minh, hạnh phúc.

Thầy cô nào có năng lực, dạy giỏi, truyền trao kiến thức hay, kỹ năng nghề nghiệp tuyệt vời thì học sinh sẽ có nhu cầu đi theo để học hỏi đông. Đừng nên “vơ đũa cả nắm”, hãy để những thầy cô có đạo đức, có chuyên môn tốt được sống với nghề cao quý của họ.

Hiện cũng chỉ có một số ít thầy cô giáo ra trung tâm dạy thêm hợp pháp, mà lương cũng chẳng có bao nhiêu. Do phía trung tâm còn phải trả tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, chi trả các loại thuế, phí theo quy định, nên tiền thù lao từng tiết cho thầy cô cũng không nhiều. Ngoài ra, một số trung tâm dạy thêm học thêm cũng chưa quan tâm sâu sát đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú đề xuất: Nên mở lại việc cho phép thầy cô giáo được dạy thêm ngoài giờ học tại trường. Việc này nếu được áp dụng sẽ có nhiều điểm lợi, chủ yếu là cơ sở vật chất và môi trường dạy học tốt.

Lúc đó, lãnh đạo nhà trường sẽ trực tiếp quản lý chuyên môn, thu chi tài chính việc này. Cả trường và thầy cô đều thực hiện đầy đủ chức năng đóng thuế, duy tu và bảo dưỡng cơ sở vật chất.

Còn phía phụ huynh sẽ được giảm phần học phí, do không phải gánh tiền thuê mặt bằng, nên giáo viên sẽ được trả tiền tiết dạy phù hợp. Ngoài ra, trường sẽ còn có thêm phúc lợi để duy trì vào các hoạt động hàng ngày.

Dạy thêm học thêm là một hình thức trau dồi chuyên môn cho cả người học và người dạy.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân nhấn mạnh rằng, sẽ là rất tệ hại nếu như thầy cô giáo thiếu đầu tư về mặt chuyên môn, mà chỉ lo đi mưu sinh kiếm sống để duy trì cuộc sống hàng ngày, còn học sinh thì ngoài giờ học lại la cà vào những hoạt động vô bổ.

Thay vào đó, tại sao chúng ta không duy trì hoạt động học thêm để học sinh tăng cường thêm kiến thức, có môi trường sinh hoạt an lành, còn phụ huynh thì yên tâm về mặt thời gian cho công việc.

Công bố rộng rãi cơ sở dạy thêm có giấy phép

Cũng đồng tình quan điểm này, thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Nhuận, Quận Phú Nhuận cho hay, cần thiết chuyển hoạt động dạy thêm, học thêm đưa vào loại hình kinh doanh có điều kiện.

Việc dạy thêm học thêm đang được đề xuất đưa vào loại hình kinh doanh có điều kiện (ảnh: VietnamNet)

Việc dạy thêm học thêm đang được đề xuất đưa vào loại hình kinh doanh có điều kiện (ảnh: VietnamNet)

Thầy Trần Công Tuấn giải thích, việc chuyển sang loại hình kinh doanh có điều kiện để hợp thức hóa việc kinh doanh, có nghĩa là thầy cô bị tính tổng thu nhập để đóng thuế, còn có thêm nhiều điều kiện ràng buộc khác nhau.

Thầy Tuấn đề nghị, nên có thêm các quy định dành cho giáo viên muốn được dạy thêm, như là không được cắt xén chương trình, quy định mức giá trần dạy thêm, đảm bảo không gian dạy học trong lớp dạy thêm.

Hiệu trưởng đơn vị trường học phải là người tham mưu về trình độ chuyên môn của giáo viên trong việc cấp phép cho giáo viên dạy thêm.

Quan trọng nhất, việc dạy thêm học thêm phải xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của học sinh. Ngoài đối tượng học sinh muốn học thêm để không theo kịp bài, còn có việc học sinh muốn mở rộng kiến thức.

Các cơ sở, trung tâm dạy thêm học thêm được cấp phép nên công bố rộng rãi, để cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý chặt chẽ, việc thu chi tài chính phải minh bạch để đóng thuế.

Việt Dũng