Những năm gần đây, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở tất cả các cấp học phổ thông khiến cho chi phí học tập của học sinh ngày một nhiều hơn. Văn bản cấm, chấn chỉnh của cấp trên được ban hành trước đây, đầu năm học, báo chí phản ánh nhiều nhưng gần như không làm thay đổi được tình trạng dạy thêm của nhiều giáo viên.
Phần nhiều những giáo viên công lập đang dạy thêm hiện nay là dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình. Những chiêu trò của việc dạy thêm thì có rất nhiều nên học sinh học với những thầy cô đang dạy thêm rất khó để không đi học thêm.
Tâm lý nhiều học sinh vẫn thường sợ giáo viên, nếu gặp thầy cô bộ môn chỉ cần bất chợt gọi trả bài đầu giờ vài lần cũng khiến cho học sinh lo lắng.
Số lượng giáo viên dạy thêm hiện nay chỉ chiếm một số lượng ít trong các trường học vì chỉ có mấy môn cơ bản ở tiểu học và những môn liên quan đến thi cử ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông mới dạy thêm được. Nhưng, học sinh chỉ cần đi học thêm 2-3 môn thì lịch học thêm cũng đã kín tuần.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Dạy thêm, học thêm quản không nổi?
Thực tế cho thấy, trong tình hình hiện nay rất khó quản được dạy thêm học thêm hiệu quả. Bởi, mỗi địa bàn phường (xã) có ít nhất 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, nhiều xã (phường) còn có thêm trường trung học phổ thông. Mỗi trường, ít cũng vài chục giáo viên, nhiều lên đến hàng trăm giáo viên.
Trong số này, giáo viên nào dạy thêm, không dạy thêm rất khó quản lý. Hơn nữa, trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay rất khó, không thuộc quản lý cụ thể của một cơ quan quản lý nào. Ranh giới giữa dạy thêm có phép và dạy thêm không phép cũng rất mỏng manh.
Một số trường học thực hiện việc kiểm tra nội bộ về tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng cho dù biết rõ mười mươi giáo viên đó đang dạy thêm tại địa điểm nào nhưng không thể đến tận nơi kiểm tra vì nhà trường không có chức năng, nhiệm vụ này. Hơn nữa, người kiểm tra nội bộ là tổ trưởng chuyên môn mà tổ trưởng một số môn cũng đang dạy thêm…thì kiểm tra ai.
Vì vậy, chỉ thực hiện kiểm tra bằng hình thức hỏi giáo viên đó xem có dạy thêm hay không. Tất nhiên, chẳng giáo viên nào nhận mình đang dạy thêm. Thực hiện khảo sát học sinh các lớp thì học sinh đều trả lời không học thêm vì giáo viên đã căn dặn trước rồi.
Trong khi, văn bản của Bộ chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa ở cấp tiểu học, còn lại các môn năng khiếu và toàn bộ các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không cấm dạy thêm. Chỉ cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa nhưng đa phần giáo viên đang dạy thêm là dạy thêm cho học sinh chính khóa.
Chỉ trừ một số ít giáo viên cực giỏi mới thu hút được học trò khác lớp, khác trường. Hoặc giáo viên bộ môn đó không dạy thêm thì học sinh mới đi học thêm với thầy cô giáo khác.
Nếu thầy cô đang dạy chính khóa mà dạy thêm thì đương nhiên học sinh sẽ học thêm với thầy cô của mình. Đằng nào cũng học thêm, học thêm với thầy cô của mình sẽ có nhiều cái lợi trong quá trình học tập trên lớp và tất nhiên sẽ cải thiện được điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong năm học.
Tuy nhiên, cũng từ việc dạy thêm, học thêm mà dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ vì giáo viên dạy chính khóa không dạy thêm nên học sinh đi học thêm với thầy cô khác trong trường.
Khi học sinh kiểm tra không may bị điểm thấp, những giáo viên dạy thêm ra mặt bênh vực học sinh, thậm chí xúi học sinh, phụ huynh tố giáo viên chấm điểm không chính xác, nhất là đối với môn Ngữ văn- môn học mang định tính.
Thế nhưng, những giáo viên không dạy thêm thì họ cứ căn cứ vào giấy trắng, mực đen mà cho điểm chứ không nhìn vào tên học trò đó là em nào, có đi học thêm hay không. Nhưng, những thị phi qua lại về việc chấm điểm vẫn thường xuất hiện vào thời điểm kiểm tra giữa và cuối học kỳ.
Việc cấm dạy thêm đối với giáo viên hiện nay chỉ dừng lại trên văn bản ở tiểu học và gần như đang “mở cửa” ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Quản lý, giám sát hiện nay khá mờ nhạt. Vì thế, tình trạng dạy thêm, học thêm ở một số địa bàn đang khá phức tạp.
Nếu giáo viên dạy hết trách nhiệm trên lớp thì học sinh có cần phải học thêm?
Một số giáo viên dạy thêm thường lấy lý do kiến thức môn học nặng nên thời gian giảng dạy trên lớp không hết hoặc chỉ dạy được phần lý thuyết, phần bài tập không thực hiện được, việc học sinh không học thêm sẽ không nắm được bài.
Một số khác cho rằng không đi học thêm sẽ không đủ kiến thức để vượt qua kỳ thi cuối cấp vì tỉ lệ chọi cao. Những lý do này có lẽ cũng đúng nhưng chưa đủ, chưa thực sự thuyết phục.
Lượng kiến thức, bài học các lớp còn lại của chương trình 2006 (lớp 5, lớp 9, lớp 12) đã được giảm tải nhiều lần trong những năm qua, trong khi số tiết môn học không giảm nên thực tế lý do kiến thức nặng không thực sự thuyết phục.
Những lớp đang học chương trình 2018 đều được chuyển sang các chủ đề, mạch kiến thức và giao quyền tự chủ cho giáo viên nên giáo viên có quyền tự điều chỉnh thời gian giảng dạy của từng bài học nên những giáo viên không dạy thêm cũng không quá áp lực vì họ có thể căn, chỉnh thời gian phù hợp để giải quyết các đơn vị kiến thức hợp lý cho học trò.
Chính vì thế, những giáo viên không dạy thêm họ thường giải quyết hết các kiến thức lý thuyết, làm một số bài tập cơ bản, thậm chí làm hết các bài tập trong sách giáo khoa trong thời gian giảng dạy trên lớp một cách nhịp nhàng.
Đối với những lớp còn lại của chương trình 2006 thì lớp 5 đa phần không phải thi vượt cấp, chỉ có một số ít trường học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi vào lớp 6, còn lại thì học sinh cứ hoàn thành chương trình lớp 5 là sẽ đủ điều kiện để vào lớp 6.
Kỳ thi lớp 10 hiện nay chỉ căng thẳng đối với một số địa bàn nội đô ở các thành phố lớn như Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh, đa số những trường thuộc khu vực nông thôn, thậm chí là có nhiều trường ở các thành phố có tỉ lệ chọi cũng khá thấp.
Vì thế, học sinh chú ý học và thầy cô giảng dạy nhiệt tình thì các em vẫn vượt qua được kỳ thi tuyển sinh 10 một cách nhẹ nhàng. Thậm chí, những kỳ thi vừa qua, nhiều trường tổ chức thi và học sinh chỉ cần đạt được mỗi môn thi trên dưới 2 điểm, không bị điểm liệt là có thể đậu vào lớp 10.
Đối với học sinh lớp 12, các em trải qua một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông- kỳ thi mà tỉnh nào cũng gần 100% đậu tốt nghiệp. Việc xét tuyển vào đại học mấy năm gần đây cũng khá nhẹ nhàng vì số lượng thí sinh xét tuyển ít dần.
Hơn nữa, các trường đại học hiện nay có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau chứ không chỉ là điểm thi, điểm học trên lớp.
Vì vậy, nếu thầy cô giảng dạy nhiệt tình, không nặng nề chuyện dạy thêm thì vẫn đảm bảo những kiến thức cơ bản cho học trò để các em lên lớp và tham gia các kỳ thi chuyển cấp. Điều quan trọng là giáo viên đang mở lớp dạy thêm có làm hết trách nhiệm của mình và gợi mở cho học sinh cách học tập hiệu quả trên lớp hay không mà thôi.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.