Cần nhân rộng việc không giao giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu tiền

25/10/2023 08:50
THANH AN
GDVN- Quanh năm phổ biến, nhắc nhở, thu tiền của học sinh khiến cho không ít thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp ở những vùng còn khó khăn gặp không ít áp lực.

Theo quy định hiện hành, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm được giảm số tiết theo định mức như vậy nhưng nhiều thầy, cô giáo vẫn muốn dạy đủ số tiết theo quy định chứ không muốn làm công tác chủ nhiệm lớp.

Lý do thì nhiều nhưng điều giáo viên ngại nhất là công việc thu tiền học sinh để đóng cho nhà trường. Những giáo viên thuộc khu vực có điều kiện thì các loại tiền trường nhanh chóng được phụ huynh đóng, chuyển khoản trong vài ngày nhưng những giáo viên chủ nhiệm ở khu vực khó khăn thì nhiều khi công việc này kéo dài lê thê.

Khi học sinh chưa đóng tiền cũng đồng nghĩa giáo viên bị nhà trường nhắc nhở. Vì thế, khi lên lớp, giáo viên phải nhắc nhở học sinh. Học sinh đóng tiền chậm, lắt nhắt khiến cho giáo viên phải thúc giục và tất nhiên công việc thu tiền sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian của tiết học.

Chính vì thế, việc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu không giao cho giáo viên trực tiếp thu tiền là một tín hiệu đáng mừng, phù hợp với nhiệm vụ, công việc của giáo viên. Có điều, giáo viên ở thành phố Thủ Đức chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ so với đội ngũ nhà giáo trong hàng chục ngàn ngôi trường trên cả nước đang phải thực hiện công việc này.

Giáo viên chủ nhiệm không phải thu tiền là điều mà nhiều thầy cô mong muốn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Giáo viên chủ nhiệm không phải thu tiền là điều mà nhiều thầy cô mong muốn

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Giáo viên chủ nhiệm thu tiền có phù hợp với nhiệm vụ của nhà giáo?

Theo Điều 27, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì nhiệm vụ của giáo viên được hướng dẫn như sau:

“1. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

4. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.

6. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

7. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Trong 8 nhiệm vụ của giáo viên phổ thông, không có nhiệm vụ nào yêu cầu giáo viên phải đứng ra thu tiền học sinh. Vì thế, nhiều giáo viên đã từng thắc mắc với hiệu trưởng điều này. Hơn nữa, trong trường học luôn có ít nhất 1 kế toán, 1 thủ quỹ có thể đảm đương công việc thu tiền học sinh.

Tuy nhiên, giáo viên là cấp dưới, hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị nhà trường. Dù nhiệm vụ giáo viên được hướng dẫn tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT không đề cập chuyện giáo viên thu tiền học sinh.

Thế nhưng, lại hướng dẫn giáo viên “thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công” mà thu tiền cũng là 1 nhiệm vụ của nhà trường. Vì thế, đây là lý do mà giáo viên không thể thoái thác được.

Một số trường học còn cài việc thu tiền học sinh cũng là 1 nhiệm vụ, nếu giáo viên thu đúng thời gian, thu đủ tiền sẽ được tính một chỉ tiêu vượt mức để đánh giá, xếp loại viên chức cuối năm.

Chính vì thế, nếu học sinh chưa đóng tiền trường, giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở để thu đúng, thu đủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao và kết thúc công việc này càng sớm, càng tốt để không phải nhắc học sinh, hoặc phải nhắc phụ huynh qua nhóm zalo của lớp.

Chuyện tiền bạc bao giờ cũng tế nhị và khó tránh được những điều tiếng (có thể) xảy ra bất kể lúc nào.

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã hướng dẫn việc thu tiền ra sao?

Tại Công văn số 5945 của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã hướng dẫn: “Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định”. [1]

Thông qua nội dung hướng dẫn Công văn số 5945 của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, chúng ta thấy khá chi tiết, cụ thể nhằm tránh tình trạng lạm thu hiện nay của một số nhà trường. Bên cạnh đó, mọi người cũng thấy được địa phương này yêu cầu minh bạch các khoản thu của các nhà trường.

Điều đáng chú ý hơn cả là Công văn đã yêu cầu: “bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền”, cho thấy đã bỏ hẳn được một khâu trung gian không thực sự cần thiết là giáo viên chủ nhiệm.

Một khi “không giao cho giáo viên trực tiếp thu tiền” sẽ giải phóng được thời gian cho giáo viên chủ nhiệm, nhất là họ không cảm thấy áp lực khi đầu giờ vào lớp học thì việc đầu tiên là nhắc học sinh đóng tiền, thu tiền, đến cuối tuần lại phải cộng số tiền thu được nộp cho kế toán, thủ quỹ nhà trường.

Sau mỗi đợt thu tiền lại phải báo cáo, so sánh số tiền thu được của học sinh và số tiền nộp cho nhà trường. Nhiều trường còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm in và dán danh sách học sinh đóng tiền, chưa đóng tiền vào ngay cửa ra vào lớp học để công khai.

Tuy nhiên, mục đích thực chất là nhằm nhắc nhở những học sinh chưa đóng tiền. Vì thế, việc dán công khai danh sách học sinh đóng tiền trường còn tạo áp lực cho những học sinh chưa đóng tiền trước bạn bè trong lớp.

Một khi nhà trường chuyển vai từ giáo viên chủ nhiệm sang“bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền” không chỉ giảm tải cho giáo viên mà còn tránh được áp lực, thậm chí là những mặc cảm của một số học sinh khó khăn trước thầy cô và bạn bè trong lớp.

Điều quan trọng là thầy cô lên lớp không còn bận tâm chuyện thu tiền của học sinh sẽ giúp cho họ chuyên tâm hơn, đầu tư nhiều hơn cho các bài dạy của mình, không còn bị chi phối những yếu tố tiền bạc nữa.

Hy vọng, không chỉ là giáo viên trên địa bàn thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) không còn phải thu tiền học sinh mà tới đây mô hình này còn được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Tiến tới, giáo viên chủ nhiệm lớp trên cả nước không phải thu tiền học trò.

Bởi cứ thực hiện như hiện nay, hết tiền bảo hiểm y tế; bảo hiểm tai nạn; tin nhắn, điểm điện tử; học phí; xã hội hóa; quỹ hội…rồi lại đến tiền khác.

Quanh năm phổ biến, nhắc nhở, thu tiền của học sinh khiến cho nhiều thầy cô chủ nhiệm ở những vùng còn khó khăn gặp không ít áp lực. Bởi trong cặp của họ, ngoài sổ sách chuyên môn, laptop thì cuốn sổ thu tiền học sinh bao giờ cũng mang theo khi đến lớp, đến trường.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/khong-giao-cho-giao-vien-truc-tiep-thu-chi-tien-185231021144752355.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN