Đầu năm học, các trường phổ thông đều tiến hành thu của học sinh nhiều khoản tiền khác nhau, có những khoản bắt buộc và cả những khoản không bắt buộc, tự nguyện. Tuy nhiên, một điểm chung nhất của đa phần các nhà trường hiện nay là công việc thu tiền đều giao cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện.
Nhiều trường học còn yêu cầu vào nhiệm vụ năm học để xét viên chức cuối năm vì theo hiệu trưởng đây là nhiệm vụ của nhà trường giao trong năm học. Vì thế, những tuần đầu tiên của năm học thì giáo viên luôn phải nhắc nhở, thu, thống kê tiền để nộp cho thủ quỹ và kế toán nhà trường.
Trong khi, trường học nào cũng có kế toán, thủ quỹ có thể đảm nhận công việc này một cách thuận lợi, đúng chuyên môn. Hơn nữa, phần nhiều phụ huynh ở khu vực đô thị hiện nay thường nộp tiền cho con em mình bằng cách chuyển khoản cho giáo viên chủ nhiệm vì số đông đã có tài khoản ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Nếu trường không lạm thu, giáo viên chủ nhiệm không cần thiết phải đứng ra thu tiền
Hiện nay, học sinh các trường phổ thông công lập có 2 khoản thu bắt buộc, đó là học phí và bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mấy năm nay do tác động dịch bệnh Covid-19 nên phần nhiều các địa phương thường cân nhắc rất kĩ và không thu ở thời điểm đầu năm học vì chưa chốt mức học phí đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Riêng học sinh tiểu học đang được miễn học phí.
Bảo hiểm y tế đang được các địa phương chủ trương 100% học sinh có bảo hiểm nên trường nào cũng phải đảm bảo con số này. Thế nhưng, học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo đang được miễn, giảm tiền bảo hiểm y tế, hoặc được tài trợ của các mạnh thường quân.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh thuộc diện chính sách, hoặc được cha mẹ mua theo hộ gia đình nên số lượng mua bảo hiểm trực tiếp của nhà trường cũng không phải quá nhiều. Đặc biệt, các trường học hiện nay đều có nhân viên y tế.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng việc các nhà trường vẫn giao cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh, nhất là học sinh ở các trường đô thị không thực sự cần thiết, tạo áp lực cho những thầy cô chủ nhiệm.
Bởi lẽ, đa phần học sinh tiểu học và những học sinh các lớp đầu cấp trung học cơ sở hiện nay việc nộp tiền trường đều do phụ huynh trực tiếp đóng cho giáo viên chủ nhiệm. Trong khi, phần nhiều phụ huynh ở khu vực đô thị, thậm chí ở nông thôn hiện nay đều đã có tài khoản ngân hàng.
Vì thế, buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chỉ cần thông báo các khoản thu và thông tin tài khoản ngân hàng của mình, sau đó, phụ huynh sẽ chuyển khoản cho giáo viên chủ nhiệm.
Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm sẽ thống kê số tiền phụ huynh đóng rồi rút ra nộp cho thủ quỹ và kế toán nhà trường hoặc chuyển khoản lại cho nhà trường.
Công việc này thực ra là một thao tác thừa khiến cho giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện thêm những việc không cần thiết vì bao giờ phụ huynh đóng tiền cho con xong cũng chụp màn hình gửi vào zalo giáo viên chủ nhiệm và tất nhiên giáo viên chủ nhiệm phải trả lời phụ huynh và viết phiếu thu gửi cho học sinh đem về cho cha mẹ.
Trong khi, nếu nhà trường thu tiền sẽ bỏ đi bước trung gian là giáo viên chủ nhiệm thu tiền, trường cung cấp số tài khoản ngân hàng để phụ huynh trực tiếp chuyển khoản cho nhà trường.
Thủ quỹ, kế toán sẽ có trách nhiệm thống kê tiền trường của học sinh từng lớp và viết phiếu thu. Hàng tuần, sẽ gửi phiếu thu cho giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh.
Thậm chí, có thể giao cho nhân viên y tế thu tiền bảo hiểm y tế vì ai thu tiền thì nhân viên y tế cũng phải lo nộp tiền, cung cấp thông tin và đảm bảo thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh trong trường.
Việc “chuyển vai” thu tiền cho giáo viên chủ nhiệm thực ra không cần thiết trong bối cảnh hiện nay nếu nhà trường thực hiện đúng các khoản thu, không phát sinh quá nhiều các loại tiền trường.
Vì sao giáo viên chủ nhiệm vẫn luôn được giao nhiệm vụ thu tiền học sinh?
Nếu làm đúng, trường học chỉ có 2 khoản thu bắt buộc như phần trên bài viết đã đề cập. Thế nhưng, gần như không trường nào chỉ thu 2 khoản này mà thường kéo theo nhiều khoản thu không bắt buộc, các khoản thu tự nguyện khác đi kèm.
Ngoài chuyện đồng phục, sách vở đã được phụ huynh mua đầu năm. Ngày họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản thu không bắt buộc như: bảo hiểm thân thể; tin nhắn; tiền điện, nước uống; tiền vệ sinh; học thêm tại trường (nếu có)…
Những khoản này, nói là không bắt buộc nhưng giáo viên chủ nhiệm nào cũng đã được nhà trường “định hướng” trước, hoặc chuẩn bị sẵn nội dung họp phụ huynh đầu năm cho thầy cô chủ nhiệm phân tích, thông báo đến phụ huynh.
Một số trường còn “cẩn thận” làm sẵn danh sách tên học sinh, danh mục các khoản thu không bắt buộc và đưa cho phụ huynh truyền tay nhau ký trong buổi họp phụ huynh đầu năm.
Tất nhiên, phụ huynh nào mà lại không tích dấu (x) vào các mục thu không bắt buộc vì ai cũng làm vậy thì mình làm khác lại sợ con em mình mua thiệt với bạn bè hoặc sợ con em mình bị làm khó.
Bên cạnh đó, giáo viên sẽ thông báo các hạng mục tài trợ cho trường, cho lớp, như: khen thưởng học sinh giỏi cuối năm; ủng hộ học sinh nghèo mua bảo hiểm y tế; tiền xã hội hóa; quỹ học sinh nghèo; các công trình xây dựng nhỏ mà nhà trường dự kiến trong năm; ti vi lớp học hư; mấy cái quạt chưa đủ mát và đang bị hư một số cái…
Tất nhiên, giáo viên chủ nhiệm sẽ kêu gọi trên tinh thần “tự nguyện” nhưng có trường đưa sẵn tên, danh sách, số tiền dự kiến đối với từng khoản tài trợ tự nguyện và phụ huynh sẽ truyền tay nhau ghi số tiền đóng góp “tự nguyện” và ký tên.
Hoặc, bây giờ học sinh lớp nào cũng được giáo viên chủ nhiệm lập nhóm phụ huynh. Trong lớp, phụ huynh này ủng hộ bao nhiêu sẽ đưa lên nhóm, phụ huynh này đóng, phụ huynh khác cũng đóng theo. Vì thế, dù là các khoản thu không bắt buộc hay tự nguyện nhưng gần như phụ huynh đều đóng đủ đầy cho con em mình.
Những khoản thu không bắt buộc hoặc tài trợ, ủng hộ trên tinh thần tự nguyện, hoặc do Ban đại diện cha mẹ học sinh “kêu gọi” tài trợ, ủng hộ nên về cơ bản Ban giám hiệu nhà trường sẽ phủi sạch trách nhiệm của mình nếu có phản ánh, bức xúc.
Dù ai cũng biết rằng, không có Ban đại diện cha mẹ học sinh nào chủ trương đứng ra kêu gọi hay đề nghị đóng góp, tài trợ cho nhà trường vì họ đâu biết nhà trường cần gì, thiếu gì nên các kế hoạch tài trợ, phát hành thư ngỏ đều được nhà trường làm sẵn nhưng người đại diện ký tên là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường.
Vì thế, nếu tài trợ một số trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất như máy chiếu, ti vi, quạt điện, lát sân trường, văn nghệ, khen thưởng cuối kỳ, cuối năm cho học sinh…trên danh nghĩa đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh chủ trương, lập kế hoạch và đứng ra kêu gọi hết.
Giáo viên chủ nhiệm chỉ là người “thu hộ” cho Ban đại diện cha mẹ học sinh còn nhà trường không tham gia vào các khoản tiền do phụ huynh đóng góp, tài trợ vì đây là “không bắt buộc”; “tự nguyện”…
Các loại tiền dịch vụ như tin nhắn điện tử; bảo hiểm thân thể; học thêm…giáo viên chủ nhiệm cũng “thu hộ” hết. Chính vì “thu hộ”, làm hộ nên phần lớn các trường học phổ thông công lập hiện nay đều giao cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.