Bỏ xếp thứ tự theo điểm tổng kết sẽ giúp HS đỡ áp lực khi bố mẹ đi họp phụ huynh

25/10/2023 06:32
Nhật Lệ
GDVN- Theo hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê (Hà Nội) việc bỏ xếp thứ tự theo điểm tổng kết sẽ giúp học sinh đỡ áp lực, nhất là khi bố mẹ đi họp phụ huynh.

Mới đây, tại hội thảo về trường học hạnh phúc do Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức đã có một số ý kiến đề xuất bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết cuối năm học. Đề xuất này nhằm hướng tới giảm tải áp lực cho học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc.

Bỏ xếp thứ tự học sinh giảm áp lực

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Viết Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng: Việc bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết sẽ tránh được áp lực cho các em, nhất là khi bố mẹ đi họp phụ huynh. Bởi thực tế, ai cũng mong muốn con mình đi học được xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên, một lớp có nhiều học sinh khác nhau, không thể bạn nào cũng xếp tốp đầu được. Nhưng theo thầy Thành, việc bỏ xếp thứ tự học sinh cũng có 2 mặt.

“Trong một lớp sẽ luôn có bạn này bạn kia, giáo viên tôn trọng học sinh nhưng không nên đánh đồng tất cả học sinh đều như nhau. Học sinh cũng cần biết mình ở vị trí nào để có động lực phấn đấu”, thầy Thành khẳng định.

Học sinh Trường Tiểu học Cự Khê trong chương trình chuyên đề mĩ thuật. (Ảnh: website nhà trường)

Học sinh Trường Tiểu học Cự Khê trong chương trình chuyên đề mĩ thuật. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, thầy Trần Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện tại nhà trường không xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết cuối năm. Việc đánh giá từng học sinh được thể hiện rõ trong kết quả thi 2 đợt của các em trong năm học. Phụ huynh căn cứ vào đó là có thể biết học lực của con mình như thế nào.

“Một năm học sinh kiểm tra 2 lần để đánh giá các em đạt loại gì: xuất sắc, tiêu biểu, hay được giấy khen. Nhà trường chỉ làm danh sách học sinh theo thứ tự bảng chữ cái để dễ theo dõi chứ không xếp hạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Việc đánh giá học sinh sẽ dựa trên điểm thi của các em để đánh giá xem đạt hay không mà thôi”, thầy Hà nhấn mạnh.

Thầy Trần Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Trần Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. (Ảnh: website nhà trường)

Mặc dù việc bỏ xếp thứ tự có thể giúp học sinh giảm bớt phần nào áp lực nhưng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) có áp lực thì mới có sự phấn đấu. Những em có lực học tốt thì xếp số thứ tự cao hơn là điều hiển nhiên.

“Tôi cho rằng áp lực xếp hạng đối với học sinh hay phụ huynh không quá lớn. Tất nhiên, bạn nào học lực tốt hơn thì xếp thứ hạng cao hơn. Còn thầy cô giáo không bao giờ chê bai học sinh ở trên lớp để các em không bị tự ti với các bạn.

Chính vì thế, chúng ta vẫn nên có xếp số thứ tự đó để các em biết mình cần phấn đấu để bằng những bạn có kết quả cao chứ không nên bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, nếu bỏ xếp số thứ tự cũng khó để giáo viên chắt lọc những học sinh tốp đầu để khen thưởng”, thầy Thành nêu quan điểm.

Không nên đánh giá học sinh theo cách so sánh

Thực tế hiện nay, buổi họp phụ huynh cuối năm học là áp lực tương đối lớn với học sinh. Nhiều trường sẽ tổng kết kết quả học tập, hạnh kiểm và xếp loại theo số thứ tự từ trên xuống trong phiếu rồi phát cho các bậc phụ huynh theo dõi. Điều này vô tình dẫn đến sự so sánh giữa các bậc phụ huynh những bạn xếp thứ hạng cao và thấp.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, địa phương cũng đang nghiên cứu về mô hình trường học hạnh phúc. Hiện nay, tất cả các chủ trương, chính sách đều hướng đến có lợi cho người học, làm thế nào để mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui.

“Theo quan điểm của tôi, không nên xếp số thứ tự khi tổng kết để tránh việc phụ huynh áp lực lên con cái. Việc bỏ xếp số thứ tự này cũng không ảnh hưởng gì đến đánh giá, xếp loại học sinh vì giáo viên hay nhà trường đã đánh giá theo năng lực, phẩm chất của các em.

Kết quả học tập được thể hiện rõ ở điểm số các môn. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên quá xem trọng điểm số bởi mỗi học sinh đều có những năng lực khác nhau. Có thể có bạn chưa giỏi môn văn hóa nhưng lại có năng khiếu nghệ thuật, thể thao”, ông Hiến nói.

Trong khi đó, thầy Tạ Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Nội A (Hà Đông, Hà Nội) cũng tán thành quan điểm bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết. Thầy Hưng khẳng định, ở trường Dương Nội A chưa bao giờ có cách xếp thứ tự như vậy.

“Tôi tán thành việc bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết. Tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ hay chỉ đạo về việc đánh giá, xếp số thứ tự học sinh theo thứ hạng. Việc không xếp số thứ tự này không ảnh hưởng gì đến đánh giá học lực của các em. Bởi cách đánh giá của giáo viên với từng học sinh sẽ đánh giá sự phát triển, tiến bộ của học sinh chứ không đánh giá em này hơn em kia.

Tôi cũng định hướng tất cả các giáo viên phải tránh tuyệt đối cách đánh giá này. Những câu đánh giá, nhận xét như thế mang tính so sánh không tích cực sẽ khiến nhiều phụ huynh chạnh lòng khi thấy con mình bị đánh giá thấp hơn bạn”.

Ngoài ra, thầy Hưng cũng khẳng định đã đến trường học thì mỗi bạn đều bình đẳng như nhau. Có em mạnh về điểm này, có em lại mạnh về điểm khác nên mỗi học sinh cùng cố gắng sẽ tạo nên một môi trường mà tự các em thi đua với nhau. Điều đó tốt hơn việc so sánh bạn này hơn bạn kia sẽ khiến học sinh bị áp lực.

Nhật Lệ