Trường học hạnh phúc: GV, phụ huynh, HS phải thay đổi nhưng thay đổi ra sao?

03/01/2023 06:38
Nguyễn Tú Tâm - Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô thay đổi, bố mẹ thay đổi và học sinh thay đổi. Nhưng thay đổi những gì, thay đổi như thế nào? Đây là vấn đề đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” nhấn mạnh ba tiêu chí quan trọng có tính cốt lõi, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Có thể nói, chính phong trào này đã tạo cơ hội cho chúng ta đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, dũng cảm phá vỡ lối mòn và thay đổi bản thân; hướng vào bên trong chính mình để biết rõ mình đã có những gì, cần những gì sẵn sàng hợp tác, sẻ chia.

Nếu ngay bản thân mình chưa hạnh phúc thì làm sao nghĩ đến chuyện mang lại hạnh phúc cho người khác. Thầy cô bước vào lớp mà đang trong tâm trạng rối bời thì làm sao trò có được những tiết học vui vẻ, thoải mái, hiệu quả?

Trường học hạnh phúc nhấn mạnh ba tiêu chí quan trọng có tính cốt lõi, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ảnh minh họa. Lã Tiến

Trường học hạnh phúc nhấn mạnh ba tiêu chí quan trọng có tính cốt lõi, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ảnh minh họa. Lã Tiến

Tại một số diễn đàn, nhiều ý kiến cũng luận bàn đến việc tạo cảm xúc tích cực cho giáo viên và học sinh, với khẩu hiệu như “trước khi chạm đến trí óc hãy chạm đến trái tim”, “muốn giáo viên hạnh phúc thì trước hết hiệu trưởng phải hạnh phúc”,... Biết rằng, hạnh phúc là thứ không thể nắm, không thể sờ mà chỉ có thể cảm nhận mà thôi; hạnh phúc phải được bồi đắp mỗi ngày, phải được nâng niu và chăm sóc.

Hạnh phúc, đó là niềm vui mỗi ngày đến đến lớp, đến trường. Nếu như, thấp thoáng đó đây vẫn còn những cách làm việc cứng nhắc, với kiểu “công nghiệp hoá” mà thiếu đi sự quan tâm đến cảm xúc, hay “hiện đại hoá” bằng những mắt camera theo dõi giáo viên từng chút một thì thử hỏi những điều ấy có chạm đến trái tim được không?

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc xây dựng lớp học hạnh phúc

Ở bậc tiểu học, các giáo viên và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành cho học sinh những cơ sở ban đầu về về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng học tập các môn học và hoạt động giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm phải là người xây dựng lớp học hạnh phúc, với sự chung tay của phụ huynh, học sinh.

Cách duy nhất mà giáo viên có thể làm tốt nhiệm vụ dạy học, giáo dục là phải tổ chức quản lý tốt lớp học. Công tác chủ nhiệm trong giai đoạn hiện nay không chỉ là quản lý một lớp học mà còn quản lý cả cấp học, cố vấn cho học sinh tham gia thực hiện các hoạt động; hơn thế nữa, đó là trang bị kiến thức và kỹ năng sư phạm cho cha mẹ học sinh để nhằm tránh thiếu sót trong giáo dục con em. Đồng thời phối hợp với các lực lượng xã hội để tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp. Nếu như ngay tại phiên họp cha mẹ học sinh đầu năm học, giáo viên đề cập sâu về trách nhiệm của gia đình trong việc chăm lo giáo dục con em cũng như phương pháp phối hợp với giáo viên, với nhà trường để cùng thực hiện thì việc triển khai kế hoạch hàng tuần, hàng tháng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Nên chăng, cần có những chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng cho phụ huynh để phụ huynh nắm rõ, hiểu rõ mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục, những biện pháp giáo dục tối ưu phù hợp với đặc điểm riêng của con em mình, cùng con em tham gia chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện bởi thực tế trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có những tiết học, những hoạt động giáo dục nếu như không có sự tham gia của phụ huynh thì tiết đó khó mà thành công được.

Việc thường xuyên trao đổi với phụ huynh về các nội dung của lớp, của trường qua tin nhắn nhóm Zalo, Facebook hay của cá nhân học sinh qua liên lạc điện tử sẽ đôn đốc được học sinh thực hiện nền nếp học tập ở lớp cũng như ở nhà, động viên kịp thời những học sinh có nhiều cố gắng. Nếu được khen ngợi đúng nơi, đúng lúc thì các em càng tiến bộ hơn. Bên cạnh những lời khen, giáo viên cũng cần phải lựa lời khéo léo để nhắc nhở những em quá hiếu động hoặc thiếu tự tin, chậm tiến bộ. Cứ thế, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường càng gắn bó và trở nên mật thiết hơn, dễ dàng trao đổi tâm tư, nguyện vọng đôi bên, tránh được rất nhiều những điều đáng tiếc xảy ra. Và tạo sự gắn kết để tạo nên môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ.

Có một điều nữa rất đáng để tâm đó là giáo viên cần phối hợp với phụ huynh thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực. Giáo dục kỷ luật tích cực dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần học sinh. Làm tốt điều này, một số học sinh sẽ tránh được những kỷ luật tiêu cực không đáng có. Việc trao đổi với phụ huynh với vai trò như một nhà tư vấn tâm lý để phụ huynh hiểu chuyện và đồng thuận sẽ tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, giảm thiểu được các tệ nạn xã hội và bạo hành, bạo lực học đường.

Phối hợp với phụ huynh trong việc xây dựng lớp học hạnh phúc; trước giờ đến lớp, bản thân các con đã cảm thấy hạnh phúc rồi, đó là sự quan tâm ân cần từ những người thân trong gia đình, là sự gần gũi với những người xung quanh; khi nào các con cũng có cảm giác an toàn, được yêu thương, che chở và bảo vệ. Hằng ngày trong mỗi tiết học, các con phải được khơi dậy niềm đam mê, hứng thú, duy trì cảm xúc tích cực.

Giáo viên cũng cần cho học sinh được phép sai lầm, không phải lúc nào cũng đúng, như thế các con sẽ được nói lên chính kiến của mình, không phải tìm cách nói dối hay nguỵ biện, cứ sai đâu sửa đó, tôn trọng những đặc điểm khác biệt của học sinh. Từ đó, rèn luyện cho các con ý thức và khả năng tập trung từ chính nhận thức của bản thân mình, giúp mỗi cá nhân thiết lập được tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp.

Hạnh phúc, nói rất nhiều nhưng thực hiện đã được bao nhiêu?

Thầy cô thay đổi, bố mẹ thay đổi và học sinh thay đổi. Nhưng thay đổi những gì, thay đổi như thế nào? Đây là vấn đề đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Từ xa xưa cho đến bây giờ, có rất nhiều cách gọi ví von dành cho người thầy với những câu từ đẹp, tôn vinh nghề dạy học.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nghề giáo bây giờ cần kiên cường và dũng cảm! (bởi nghề giáo là nghề “trồng người”, nghề “rèn người” nên phải chịu áp lực từ nhiều phía). Chính những người trong cuộc mới hiểu, đôi khi thầy, cô cảm thấy như bị tước đi một số quyền, đôi khi cảm thấy mình làm việc như một cỗ máy, làm gì cũng sợ, sợ chạm phải điều này điều kia nên phải giữ độ an toàn cho bản thân.

Nhưng nếu thế thì chọn nghề giáo làm gì? Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói, những người xứng đáng làm thầy là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và cán bộ quản lý phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. Thấm nhuần được điều này, chính là thầy cô đã thay đổi.

Thầy cô thay đổi thì phụ huynh, học sinh cũng sẽ thay đổi và truyền thống “tôn sư trọng đạo” sẽ lại được bồi đắp dày thêm. Như thế là hạnh phúc!

Hạnh phúc, thể hiện qua năng lực quản lý cảm xúc

Trong nghề dạy học, sẽ có những lúc, học trò làm thầy cô thực sự cáu giận, và có những giáo viên làm cán bộ quản lý "phát bực" - đó là thực tế, không hiếm! Năng lực quản trị cảm xúc chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công và hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Năng lực quản lý con người, quản lý nhân sự phải được đặt lên trên những năng lực khác thì mới có thể tạo ra được một tập thể lớp, trường vững mạnh.

Ảnh minh họa: nguồn: langson.edu.vn

Ảnh minh họa: nguồn: langson.edu.vn

Cá nhân tôi chưa làm được nhiều điều thật vượt trội, lớp tôi chưa phải là một lớp thật xuất sắc, nhưng tôi cảm thấy tôi và học trò của mình thực sự đã chạm tới hạnh phúc. Hạnh phúc trong mỗi ngày đến lớp, đến trường.

Hiện nay, tại các địa phương, một số trường tiểu học đã lắp camera ở từng lớp học. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc này, từ phụ huynh cho đến giáo viên, người đồng tình, người cảm thấy thiếu sự tin tưởng, mất tự nhiên và thêm phần áp lực; nhà trường thì giữ nguyên quan điểm “quản lý chặt chẽ việc dạy và học của giáo viên và học sinh”.

Vậy có khi nào không cần đến camera mà mọi việc trong lớp vẫn vận hành rất tốt không, đó là điều mà những người quan tâm và có mối liên quan đến giáo dục phải suy nghĩ và cùng nhau nỗ lực thực hiện. Khi sự tự giác của cá nhân gắn với tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh người thầy thì chúng ta sẽ “học không biết mỏi, dạy không biết chán”.

Hy vọng xã hội, không riêng gì thầy cô giáo đều hướng tới điều này, xây dựng những trường học thực sự hạnh phúc!

Nguyễn Tú Tâm - Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh)