Giáo viên trăn trở, ai sẽ trả tiền dạy buổi 2 cho thầy cô?

01/11/2023 09:21
Phan Tuyết
GDVN- Chưa biết phương án hỗ trợ tăng giờ cho giáo viên như thế nào nhưng trước mắt, các trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy đủ.

Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ chí Minh đã có kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét cơ chế đặc thù để bổ sung ngân sách chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học dạy khối 1,2,3 và 4.

Vì theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Nhưng hiện ngân sách không có khoản chi này và trong phụ lục danh mục theo Nghị quyết số 04 khoản thu này chỉ áp dụng đối với học sinh lớp 5.[1]

Nhiều trường học tại Bình Thuận hiện đang thiếu giáo viên (Ảnh P.T)

Nhiều trường học tại Bình Thuận hiện đang thiếu giáo viên (Ảnh P.T)

Không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương đặc biệt là những nơi thiếu giáo viên như tỉnh Bình Thuận hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể nào về nguồn để chi trả tiền dạy buổi 2 cho nhà giáo, trong khi các trường học trong tỉnh đã ngưng thu tiền buổi 2 của phụ huynh từ năm học 2023-2024.

Các trường học tại Bình Thuận ngưng thu tiền buổi 2 của học sinh

Cuối năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lấy ý kiến giáo viên về giải pháp kinh phí dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó có 2 giải pháp được đưa ra:

a) Giải pháp 01: Giữ mức thu như hiện nay, trường tiểu học xây dựng các mức thu dựa trên thỏa thuận với cha mẹ học sinh, phù hợp điều kiện nhu cầu thực tế của nhà trường và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương (Cần có hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo).

b) Giải pháp 02: Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học - Vận dụng Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Nguồn kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học quy định tại Nghị quyết này được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên phân bổ hàng năm cho các cơ quan, địa phương, đơn vị theo phân cấp quản lý các cơ sở giáo dục.

Việc thiếu giáo viên, buộc các trường phải phân công các thầy cô giáo dạy tăng tiết mỗi tuần. Cùng với việc học sinh tiểu học thực hiện học 2 buổi/ngày thì tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên nhiều hơn.

Nếu theo Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: “Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp”.

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, “Chương trình mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết, cộng với công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày thì số lượng tiết dạy theo tuần sẽ là 41 tiết. Nếu chia theo định mức mỗi GV không dạy quá 21 tiết/tuần thì cần tới 1,8 GV/lớp” (Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận).

Dù thiếu giáo viên và vẫn chưa có hướng dẫn cách tính, nguồn hỗ trợ trả tiền tăng tiết cho giáo viên dạy buổi 2 khi không thu tiền của học sinh, các trường học tại thị xã La Gi vẫn bố trí giáo viên giảng dạy đủ số tiết cho học phải học theo đúng quy định.

Một hiệu trưởng trường tiểu học tại thị xã La Gi (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Chưa biết phương án hỗ trợ tăng giờ cho giáo viên như thế nào nhưng trước mắt, các trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy đủ. Bởi, không thể vì chưa có hướng dẫn cụ thể về cách chi trả lại không bố trí giáo viên giảng dạy. Học sinh cần phải được học đủ.

Thường thì cuối năm mới trả tiền dạy tăng tiết nên tạm thời nhà trường vẫn vừa bố trí giáo viên giảng dạy vừa chờ công văn chỉ đạo của cấp trên.

Trong các cuộc họp với ngành, hiệu trưởng chúng tôi cũng có kiến nghị và được thông báo, cấp trên cũng đã gửi kiến nghị và chờ công văn trả lời chính thức của tỉnh”.

Một số hiệu trưởng lo lắng, nếu bố trí giáo viên dạy đủ tiết cho học sinh nhưng cuối năm vẫn không có công văn chỉ đạo của cấp trên về việc tính tiền tăng tiết cho giáo viên thì nhà trường cũng không biết phải lấy nguồn nào để chi trả (vì đã ngưng thu tiền của phụ huynh) cũng như không biết nói với giáo viên thế nào?

Bộ cần sớm sửa đổi Thông tư số 16

Một hiệu trưởng cho rằng, khi thực hiện theo Chương trình giáo dục 2018 thì nhiều văn bản cũng phải được thay đổi, không thể áp dụng mãi văn văn bản đã cũ (như Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT) sẽ gây khó khăn cho cơ sở giáo dục và nhiều thiệt thòi cho các nhà giáo.

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi gặp gỡ với nhà giáo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cho biết, Bộ cũng đang sửa Thông tư 16 cho phù hợp với việc giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay.

Một vị hiệu trưởng cũng đưa ra kiến nghị, giáo viên dạy thừa giờ bao nhiêu cần được thanh toán bấy nhiêu, tránh tình trạng dạy hơn 200 tiết nhưng chỉ được thanh toán 200 tiết là quá thiệt thòi.

Hiện nay, việc tính giờ làm thêm của giáo viên đang áp dụng theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 107: "Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm"

Hiệu trưởng kiến nghị giáo viên thuộc đối tượng được áp dụng tính giờ làm thêm cho giáo viên theo quy định tại Khoản 3, Điều 107: "Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm".

Do khống chế số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm nên nhiều thầy cô giáo dạy vượt 200 tiết đã không được thanh toán số tiết đã vượt. Lỗi này là không phải do nhà trường phân công dạy nhiều mà do địa phương không tuyển được giáo viên vào giảng dạy nên buộc các thầy cô phải làm thêm nhiều, một hiệu trưởng chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/kien-nghi-bo-sung-ngan-sach-chi-tien-day-buoi-2-cho-giao-vien-tphcm-post658644.html

Phan Tuyết