Điểm nghẽn khiến GV dạy 2 buổi/ngày chưa có chế độ phù hợp

13/08/2023 06:41
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi Thông tư về định mức giáo viên chưa được sửa đổi thì không thể lấy ngân sách chi trả cho các thầy cô dạy tăng tiết do học 2 buổi/ngày.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học đã được triển khai ở khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 trong năm học này. Khác với chương trình cũ, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày, chương trình mới được xây dựng học 2 buổi/ngày.

Chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày mà không phải đóng tiền buổi 2. (Ảnh tác giả)

Chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày mà không phải đóng tiền buổi 2. (Ảnh tác giả)

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (CTGDPT 2018) ban hành Chương trình giáo dục phổ thông nêu rõ: “Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần”.[1]

Khi chương trình mới được xây dựng theo hướng bắt buộc học sinh phải học 2 buổi/ngày, nhiều ý kiến đặt ra, nhà trường có còn thu tiền phụ huynh hàng tháng để chi trả cho giáo viên dạy buổi học thứ 2 như trước nữa hay không?

Quy định về định mức giáo viên/lớp chưa thay đổi đã làm khó địa phương khi thực hiện dạy 2 buổi/ngày

Chương trình mới được xây dựng học 2 buổi/ngày thay vì học 1 buổi như chương trình 2006 trước đây. Vì thế, học buổi 2 trở thành bắt buộc không phải là buổi học theo thoả thuận của phụ huynh và nhà trường.

Đồng nghĩa với việc, cả 2 buổi học ở trường công lập của học sinh tiểu học phải được học hoàn toàn miễn học phí mà phụ huynh không phải đóng khoản tiền học buổi 2 như những năm học trước đây. Tuy thế, quy định về định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp tiểu học tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập lại đang gây khó khăn trong việc tổ chức và có chế độ phù hợp với giáo viên dạy 2 buổi/ngày.

Cụ thể tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT nêu rõ:

"a) Trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp;

b) Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp;

c) Ngoài định mức quy định trên, mỗi trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh".[2]

Vì thế, chương trình mới quy định việc dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường sẽ không đủ đội ngũ giáo viên. Nếu phân công giáo viên dạy tăng tiết, nhà trường sẽ không có nguồn kinh phí để chi trả.

Thu tiền phụ huynh là sai, không thu thì lấy kinh phí nào chi trả?

Hiện nay, học sinh khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 và khối lớp 4 đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình quy định phải học 2 buổi/ngày) nhưng phụ huynh vẫn phải nộp tiền học buổi 2 cho các con.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách của dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học hai buổi/ngày cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng từng nêu rõ:

“Khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí. Về lâu dài là không thể thu kinh phí của cha mẹ học sinh tiểu học để dạy học buổi 2 nữa vì như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định".

Thế nhưng, nếu không thu tiền từ phụ huynh, nhà trường lấy khoản nào để trả tiền dạy tăng tiết cho giáo viên?

Nếu chia theo định mức mỗi giáo viên tiểu học dạy không dạy quá 23 tiết/tuần thì dạy 2 buổi/ngày cần tới gần 1,8 giáo viên/lớp (so với mức quy định 1,50 thì chênh lệch gần 0,3 giáo viên/lớp).

Vì vậy, khi Thông tư về định mức giáo viên chưa được sửa đổi (cụ thể Khoản 3, Điều 6 về định mức giáo viên/lớp) thì không thể lấy ngân sách chi trả cho giáo viên dạy tăng tiết do học 2 buổi/ngày.

Điểm nghẽn lớn là thu tiền buổi 2 của phụ huynh là không phù hợp nhưng không thu tiền buổi 2 thì lấy gì trả tiền dạy tăng giờ cho giáo viên?

Kiến nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 6, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT

Điểm b, Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập nêu: "Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp;[1]

Đề nghị xem xét điều chỉnh là: Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,78 giáo viên trên một lớp;

Khi định mức số lượng người làm việc được thay đổi thì các cơ sở giáo dục ở địa phương sẽ có kế hoạch bổ sung bổ sung đội ngũ nhà giáo để đảm bảo yêu cầu tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.

Trường hợp, cơ sở giáo dục chưa tuyển được giáo viên thì với định mức số người làm việc như thế này, cũng là cơ sở để các trường học tính tiền dạy tăng tiết cho giáo viên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mà không phải thu tiền trực tiếp từ phụ huynh như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-16-2017-TT-BGDDT-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-pho-thong-355050.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết