Mức vay tín dụng SV thấp, hạn chế đối tượng, đại diện ngân hàng CSXH nói gì?

17/11/2023 06:32
Nhật Lệ
GDVN- Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội khẳng định chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên đã thực hiện gần 20 năm và vẫn đang diễn ra hiệu quả.

Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên bắt đầu được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022.

Đối tượng được vay vốn bao gồm: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật; Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Chính sách này đã góp phần giúp các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường. Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng, chính sách này đang có bất cập khi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.

Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên được áp dụng từ năm 2007. Ảnh: website Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên được áp dụng từ năm 2007. Ảnh: website Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng khẳng định chương trình tín dụng vẫn thực hiện hiệu quả

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay: Hiện tại, số người vay theo chính sách này đã giảm đi, có nhiều em được gia đình, bạn bè hỗ trợ đi học nghề, ít em học đại học hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp khó khăn có nhu cầu vay vốn cho con em đi học. Những trường hợp đó ngân hàng vẫn tiến hành hỗ trợ theo đúng quy định.

“Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên đến nay đã triển khai được gần 20 năm, ngân hàng vẫn thực hiện một cách trơn tru, hiệu quả. Về thời gian vay hiện tại không phải ngắn vì sinh viên được vay gấp đôi thời gian học cộng thêm 1 năm trong thời gian tìm việc.

Ví dụ, sinh viên trường y học 6 năm thì họ được vay 12 năm cộng thêm 1 năm thành 13 năm. Hay sinh viên các trường kinh tế thời gian học 4 năm thì được vay 8 năm cộng 1 năm thành 9 năm.

Điều kiện vay cũng rất đơn giản, người học chỉ cần có giấy xác nhận nhập học năm đầu tiên, năm thứ 2 thì chỉ cần có xác nhận của trường. Các trường hiện nay cũng rất hỗ trợ người học, nhiều trường còn xác nhận online cho sinh viên”, ông Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhân, hàng năm chính sách này đều được giám sát từ cấp địa phương tới trung ương.

Khi được hỏi về việc sinh viên sau 1 năm ra trường bắt đầu phải hoàn trả khoản vay, không phải bạn nào cũng dễ dàng xin được việc làm. Hơn nữa, dù có việc nhưng mức thu nhập cũng chưa cao, còn nhiều khó khăn. Ngân hàng chính sách xã hội có nên nới lỏng thêm thời hạn trả hay không, ông Nhân khẳng định: Khoản vay này cả gia đình và sinh viên đều phải có trách nhiệm hoàn trả bởi đây là một khoản đầu tư của gia đình chứ không phải các bạn sinh viên đứng ra vay (trừ trường hợp mồ côi).

“Đây là phụ huynh đứng ra vay để cho con đi học và khi ra trường các bạn có nghĩa vụ cùng đóng góp với gia đình để trả nợ. Chính vì thế, trách nhiệm không phải ở một mình sinh viên.

Mức trả được chia ra trong thời gian quy định, có thể trả dần. Sau một năm ra trường các bạn có thể làm rất nhiều việc từ toàn thời gian đến bán thời gian hay làm tự do để đóng góp cùng gia đình. Do đó thời hạn bắt đầu hoàn trả sau 1 năm ra trường không phải quá khó”, Giám đốc Ban hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin.

Ông Nhân cũng cho biết thêm, với những trường hợp cố tình không trả dẫn đến nợ xấu, đầu tiên ngân hàng sẽ động viên gia đình cùng sinh viên trích từ nguồn thu nhập để trả nợ.

Trước đó cũng có ý kiến đề xuất giữ lại bằng tới khi sinh viên trả hết nhưng ông Nhân cho rằng điều đó là không nên vì sinh viên cũng cần có bằng mới xin được việc làm. Còn những trường hợp cố tình không trả sẽ bị lưu vết trên hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng khẳng định hiện nay nhiều gia đình sinh viên muốn đề xuất mức vay cao hơn. Điều đó, Ngân hàng chính sách xã hội không thể quyết định được.

“Hiện tại, các hộ vay có nhu cầu về mức vay cao hơn, tuy nhiên điều này Ngân hàng chính sách xã hội không quyết định được, mà ngân hàng chỉ là đơn vị thực thi”, ông Nhân thông tin.

Nhà trường đề xuất tăng mức vay tín dụng cho sinh viên

Theo quy định hiện hành, mức vay tín dụng cho học sinh, sinh viên tối đa là 4 triệu đồng/ tháng/ học sinh, sinh viên. Đây là mức hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Tuy nhiên, mức vay hiện nay được đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, sinh viên, nhất là các bạn học ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Mức vay hiện tại cho học sinh, sinh viên được xem là thấp so với chi phí giáo dục ngày càng tăng. Sinh viên thường phải đối mặt với các chi phí như: học phí, chỗ ở, và các chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Chính vì thế, thầy Khang kiến nghị nên tăng mức vay và chia làm hai phần rõ ràng gồm học phí và chi phí sinh hoạt. Nhà trường đề xuất mức vay bao gồm: học phí/ tháng và 3 triệu đồng sinh hoạt phí/ tháng.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin cũng cho biết thêm, ở trường khi sinh viên đủ điều kiện được vay, nhà trường sẽ cấp giấy xác nhận (thông tin theo mẫu của Ngân hàng chính sách xã hội) để gia đình xin vay vốn. Thủ tục xác nhận ở trường rất nhanh gọn bằng hình thức online.

“Sinh viên chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và yêu cầu trường cấp giấy xác nhận để vay vốn. Các thông số khác sẽ được trường tự động tính. Trong thời điểm dịch, trường còn hỗ trợ gửi email và gửi bản giấy thẳng cho Ngân hàng chính sách xã hội.

Tuy nhiên, sinh viên của trường cũng gặp phải một vấn đề là ngân hàng giải ngân chậm, dẫn đến không kịp đóng học phí đúng thời gian quy định. Để hỗ trợ sinh viên, nhà trường thường cho các bạn gia hạn thời gian đóng học phí để sinh viên có thể đăng ký học phần kịp thời”, thầy Khang thông tin.

Ngoài ra, thầy Khang cũng cho rằng, cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi và nâng cấp chính sách này. Nguồn tài chính có thể lấy từ quỹ cho vay nhà ở xã hội, nếu sinh viên học ra làm việc tốt sẽ tự mua được nhà thương mại.

Đồng thời, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin cũng đề xuất nên mở rộng đối tượng vay hơn. Hiện nay học sinh, sinh viên phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập <150% mức sống mới được vay. Nhà trường đề xuất chỉ cần là học sinh, sinh viên có nhu cầu thì sẽ được vay. Bên cạnh đó, học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng như các khóa đào tạo ngắn hạn gặp khó khăn về tài chính cũng cần được hỗ trợ.

Song hành với chính sách này, ngày 04/4/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Theo đó, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay tối đa 10 triệu đồng/ người với lãi suất 1,2%/ năm để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với điều kiện là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19.

Nhật Lệ