Nên áp dụng mức vay tín dụng theo mức học phí mà sinh viên theo học

11/03/2022 06:27
Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.Bùi Đức Thọ, đối tượng hưởng lợi của chính sách tín dụng là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh các trường đại học đang ngày càng tự chủ và học phí tăng theo lộ trình mà mức vay hiện khá thấp. Đó là chưa kể mức vay đang cào bằng giữa các tỉnh thành và các trường hiện đang đào tạo theo tín chỉ trong khi vay vốn lại tính theo tháng. Liệu đã đến lúc Nhà nước cần có những chính sách mới để sinh viên thuận lợi hơn trong việc vay tiền ăn học.

Phân tích về mức vay vốn tín dụng sinh viên hiện nay, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tín dụng sinh viên là một chính sách xã hội với mục tiêu chính là đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, không để người dân mất đi cơ hội học đại học chỉ vì khó khăn về kinh tế. Hiện nay, mức vốn cho vay tín dụng cho sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên (theo Quyết định số1656/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Phó giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)

Để đánh giá mức vay 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên là cao hay thấp, phù hợp hay không phù hợp thì thầy Thọ cho rằng cần đánh giá gắn với mục tiêu chính sách. Sinh viên đi học sẽ cần chi trả tối thiểu gồm học phí; sinh hoạt phí; đồ dùng, thiết bị phục vụ học tập. Người làm chính sách cần xác định rõ mục tiêu của chính sách. Nếu mục tiêu là sinh viên ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng được trao cơ hội học đại học nhờ chính sách tín dụng sinh viên, thì mức tín dụng phải đủ bao trùm các khoản chi phí tối thiểu mà sinh viên phải trả. Còn nếu mục tiêu chỉ là hỗ trợ một phần, phần còn lại được bổ sung từ các nguồn khác, người làm chính sách cũng cần xác định phần hỗ trợ là phần nào trong chi phí học tập của sinh viên.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học đã có mức học phí, tính trung bình hàng tháng, vượt 2,5 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó, vẫn có những chương trình đào tạo đại học chỉ 980 nghìn/tháng (năm 2021). Vì vậy, theo tôi, với mức 2,5 triệu/tháng/sinh viên sẽ được đánh giá là thấp, nếu sinh viên theo học những chương trình đào tạo có học phí cao và phù hợp, thậm chí là cao, nếu sinh viên theo học nhưng chương trình đào tạo có mức học phí thấp.

Trong khi các chi phí học tập của sinh viên bị biến đổi theo chính sách học phí của các trường và sự thay đổi của sinh hoạt phí do biến động giá hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, tôi kiến nghị nên áp dụng định mức vay tín dụng sinh viên theo mức học phí mà sinh viên theo học, không nên áp dụng 1 mức cố định”, Phó giáo sư Bùi Đức Thọ nhấn mạnh.

Khi phóng viên đặt băn khoăn rằng, liệu quỹ tín dụng sinh viên có nên mở rộng đối tượng sinh viên được vay tiền đi học để không chỉ giải quyết cho sinh viên nghèo mà tất cả sinh viên có nhu cầu đều được vay thì Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn chứng: “Theo Điều 2, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, đối tượng được vay vốn là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề, cụ thể:

-Sinh viên mồ côi cả cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động;

- Sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người có hộ gia đình nghèo.

- Sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Như vậy, đối tượng hưởng lợi của chính sách ở đây là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Theo tôi, đối tượng hưởng lợi của chính sách như vậy là chưa phù hợp với mục tiêu chính sách trong bối cảnh hiện nay.”

Bởi theo Phó giáo sư Bùi Đức Thọ, mục tiêu của chính sách là đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, không để người dân mất đi cơ hội học đại học chỉ vì khó khăn về kinh tế. Trong khi Nghị định 81/2021/NĐ-CP mở cơ chế cho các trường tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành. Điều này dẫn đến khả năng có những chương trình đào tạo có học phí rất cao. Và vì thế, sẽ có một bộ phân sinh viên không thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn cũng không tiếp cập được chương trình đao tạo đại học mà sinh viên mong muốn theo học.

Do vậy, thầy Thọ đề xuất mở rộng thêm đối tượng sinh viên được hưởng lợi từ chính sách tín dụng sinh viên. Nhưng cần có những biện pháp kỹ thuật để hạn chế trục lợi từ chính sách, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện được mục tiêu xã hội của chính sách tín dụng sinh viên.

Về vấn đề thu hồi nợ vay của chương trình tín dụng sinh viên thì Phó giáo sư Bùi Đức Thọ nêu quan điểm, cho vay theo chính sách tín dụng sinh viên là dạng cho vay không có tài sản đảm bảo, vì thế, mức độ rủi ro sẽ cao.

Để hạn chế rủi ro không thi hồi được nợ từ khoản vay tín dụng sinh viên, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần thực hiện hai biện pháp.

Thứ nhất, truyền thông, hướng dẫn kỹ về quyền và trách nhiệm của sinh viên khi tham gia chính sách tín dụng sinh viên. Đặc biệt nhấn mạnh nghĩa vụ học tập để đạt được kết quả tốt trong học tập; nghĩa vụ trả nợ sau khi tốt nghiệp. Đảm bảo sinh viên nhận thức rõ những rủi ro của chính sinh viên khi không trả nợ đúng hạn và không trả được nợ.

Trung tâm thông tin tín dụng (CIC: credit information center) trực thuộc ngân hàng nhà nước sẽ có thông tin đánh giá lịch sử tín dụng sinh viên. Thông tin này sẽ được liên thông tới các tổ chức tín dụng. Và do vậy, nếu sinh viên không trả được nợ, sinh viên đó sẽ không có khả năng vay tín dụng ở hệ thống ngân hàng.

Trách nhiệm truyền thông, hướng dẫn cho sinh viên cần được thực hiện ở cả 3 chủ thể là cơ sở đào tạo, nơi sinh viên đang theo học; ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay; chính quyền địa phương, nếu là đối tượng sinh viên cần xin xác nhận của chính quyền địa phương.

Thứ hai, cơ sở đào tạo cần có sự quan tâm, hỗ trợ thêm các sinh viên vay tín dụng sinh viên trong quá trình đào tạo. Qua đó, sinh viên có thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Hà Anh