Ngân hàng Chính sách xã hội nên căn cứ vào mức học phí để xét mức vay tín dụng

13/11/2023 06:30
Thảo Ly
GDVN- Theo đại diện một trường ĐH, Ngân hàng Chính sách xã hội cần căn cứ vào mức học phí của người học để xem xét mức cho vay hợp lý.

Theo đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang có bất cập khi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.

Điều chỉnh mức vay hợp lý với mức học phí

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Sơn - Trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An) cho biết, số lượng sinh viên của trường tham gia chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội khá cao, chiếm khoảng trên 50% tổng số sinh viên của trường.

Thầy Nguyễn Quốc Sơn - Trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Quốc Sơn - Trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An). Ảnh: NVCC

Thầy Sơn đánh giá: “Chủ trương, chính sách này đã mang lại tác động hiệu quả cho người học và gia đình, tạo điều kiện rất tốt cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường”.

Để hoàn thiện hồ sơ tham gia chính sách tín dụng, sinh viên cần xin xác nhận tại trường, sau đó nộp về địa phương. Theo thầy Sơn, mỗi học kỳ, sinh viên của trường đều lên xin xác nhận vay vốn, về cơ bản quy trình thực hiện thuận lợi, trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia chính sách tín dụng, còn quyết định có được nhận hỗ trợ vay hay không sẽ do phía ngân hàng xác nhận và phân bổ ngân sách.

Trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Kinh tế Nghệ An) nhấn mạnh: “Theo khoản 2 Điều 1 Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg, mức tiền hỗ trợ vay vốn sinh viên tối đa là 4.000.000 đồng/tháng/sinh viên, tôi đánh giá mức cho vay này phù hợp với mức học phí từ 10 triệu – 20 triệu đồng/năm của nhà trường hiện nay.

Tuy nhiên, thực hiện tự chủ đại học, một số cơ sở giáo dục đại học có mức học phí cao thì mức cho vay này còn hơi thấp. Nhà nước cần có sự điều chỉnh về mức vay theo hướng phù hợp với thực tế.

Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần căn cứ vào mức học phí của người học đang theo học ở đâu, ngành nào để xem xét mức cho vay hợp lý. Nên chăng cần cho vay ở mức dao động từ 70% - 80% so với học phí.

Thậm chí, sinh viên có thể lựa chọn cơ sở giáo dục đại học có mức học phí phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình để theo học thay vì tham gia học tập tại nơi có mức học phí cao”.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Quốc Sơn cũng cho rằng: “Cần có sự giám sát chặt chẽ về chính sách tín dụng cho sinh viên. Về phía ngân hàng, cần được kiểm soát chặt chẽ về việc áp dụng đúng chủ trương, phân bổ hợp lý nguồn ngân sách.

Còn đối với người vay, cần giám sát, xác nhận rằng học sinh, sinh viên thuộc đối tượng cho vay hay không, tránh trường hợp lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để dùng vào việc khác, làm mất cơ hội cho những người khó khăn mong muốn được hưởng chính sách này”.

Đối tượng được hỗ trợ vay vốn sinh viên theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

Sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Cơ sở giáo dục nên có chính sách riêng, đồng hành cùng Nhà nước

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông đánh giá, chính sách tín dụng cho sinh viên là một trong những chính sách hay nhất trong gần 20 năm qua. Nhiều sinh viên của trường tham gia chính sách này, góp phần giúp sinh đóng học phí đúng thời hạn theo quy định.

Bên cạnh chính sách tín dụng cho sinh viên của nhà nước, Trường Đại học Công nghệ miền Đông xây dựng chương trình hỗ trợ vay riêng cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với lãi suất 0%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông. Ảnh: NVCC

Đề cập đến đối tượng nhận mức hỗ trợ của chính sách tín dụng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song chia sẻ rằng: “Theo tôi, nhà nước hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người đồng bào, thuộc hộ nghèo, cận nghèo,… càng nhiều càng tốt.

Và khi ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ sở giáo dục nên có thêm những chính sách để hỗ trợ sinh viên, giúp các bạn vươn lên, phấn đấu trong học tập.

Để sinh viên được hưởng chính sách tín dụng của ngân hàng tốt hơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông nêu một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội nên mở rộng mức tín dụng cho sinh viên, giúp các bạn thuộc đối tượng chính sách có cơ hội được học tập tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục nên có chính sách riêng, đồng hành cùng Nhà nước trong việc hỗ trợ sinh viên. Bên cạnh việc tăng mức học phí, các trường cũng cần có hỗ trợ đối với nhóm sinh viên bị ảnh hưởng.

Về phía Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường nêu, theo số liệu thống kê, hiện trường có 2.322 sinh viên tham gia chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm khoảng 16%.

“Số lượng trên cho thấy tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập của các bạn sinh viên cũng như chính sách phù hợp của Nhà nước nhằm hỗ trợ kịp thời các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà trường mong muốn chính sách thêm linh hoạt, mềm dẻo để ngày càng giúp nhiều sinh viên tiếp cận và được tiếp cận chính sách này. Số lượng sinh viên tăng lên đồng nghĩa với cơ hội học tập và nghề nghiệp tăng lên, sinh viên càng ý thức và trách nhiệm với bản thân cũng như tự lập khi ra trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng mong muốn có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các ngân hàng để có thêm chương trình hỗ trợ được ký kết bên cạnh chính sách chung. Như vậy, vừa thể hiện được tính ưu việt của chính sách, vừa hỗ trợ nhiều sinh viên hơn.

Đồng thời, Quốc hội cũng nên có đánh giá, phân tích chính sách hiện tại để có những điều chỉnh phù hợp sau thời gian dài vận hành”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhận định.

Thảo Ly