Nhiều hạn chế khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội khiến SV gặp khó

10/11/2023 06:30
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đối tượng vay, thời hạn trả, mức vay còn hạn chế khiến nhiều sinh viên gặp khó khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Mới đây, tại Hội thảo Giáo dục 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có chia sẻ, chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội chưa phát huy được hiệu quả bởi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao. Do vậy, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân đã đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho sinh viên.

Có thể thấy rằng, những tồn tại, hạn chế trong chính sách tín dụng cho sinh viên như Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu gây ra không ít vướng mắc cho người học.

Để rõ hơn về thực trạng này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Nguyễn Đăng Đức – Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Khánh Hòa) và được thầy cho biết, chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội vốn có mục tiêu tốt, nhu cầu của sinh viên nhà trường đối với chính sách này cũng rất lớn. Tuy nhiên, đối tượng sinh viên được cho vay của Ngân sách Chính sách xã hội theo quy định hiện hành còn quá hạn hẹp.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Khánh Hòa).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Khánh Hòa).

Theo thầy Nguyễn Đăng Đức, với quy định hiện hành, các đối tượng sinh viên được hỗ trợ khoản vay này phải là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, có mức sống trung bình (theo chuẩn quy định của pháp luật); sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Thế nhưng, có những sinh viên có nhu cầu vay lại không nằm trong những đối tượng cụ thể trên. Đơn cử như có sinh viên thuộc gia đình không phải hoàn cảnh quá khó khăn nhưng có 2,3 con em cùng đang trong quá trình học đại học nên cũng khó có thể trang trải được học phí cho tất cả các con hoặc không đủ khả năng chi trả vì nhiều lý do khác.

Hơn nữa trên thực tế, có thể thấy, việc sinh viên được hỗ trợ khoản vay trên là do địa phương xác định chứ chưa thực sự do nhu cầu của sinh viên.

Thầy Nguyễn Đăng Đức cũng cho rằng, thời hạn trả nợ của sinh viên đối với khoản vay trên trong khoảng thời gian quy định là khá ngắn, trong khi đó, qua khảo sát, tỉ lệ sinh viên không có việc làm sau 1 - 2 năm vẫn còn tương đối nhiều; số lượng sinh viên khởi nghiệp hiện nay cũng khá lớn; nhiều sinh viên mới ra trường đi làm những năm đầu mức thu nhập chưa có đủ để trả được được khoản nợ theo kỳ hạn quy định.

Theo quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên.

Thời hạn trả khoản nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với sinh viên là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Để khắc phục những tồn tại trên, thầy Nguyễn Đăng Đức cho rằng, cần mở rộng đối tượng sinh viên được áp dụng chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thay vì để các đối tượng cụ thể như phải thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, … mới được vay.

Theo đó, khi sinh viên nào có nhu cầu, nguyện vọng sẽ làm đơn xin xác nhận của địa phương, địa phương phải có trách nhiệm thẩm tra, điều tra xã hội về sinh viên và gia đình của sinh viên đó như qua tổ dân phố, thôn... nơi ở của họ rồi quyết định phê duyệt để đảm bảo nhu cầu học tập cho tất cả các em.

Bởi, nếu không được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình phải vay các ngân hàng thương mại khác theo các hình thức như thế chấp với lãi suất cao nên rất khó khăn, khiến nhiều phụ huynh không thể kham nổi học phí cho con em đi học. Trên thực tế, đã có những em sinh viên không đủ tiền đóng học, cũng không thể vay vốn nên dù đã nhập học rồi vẫn phải bỏ dở giữa chừng.

Trước đề xuất cần có giám sát chuyên đề chính sách tín dụng cho sinh viên, Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Khánh Hòa) cho rằng, việc giám sát là cần thiết nhưng đây là đề án lớn, do vậy, nội dung, đối tượng trong việc giám sát phải có sự khảo sát kỹ lưỡng để có thể thực hiện được.

Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Nguyễn Huy Vũ – Phó Trưởng phòng Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Trường Đại học Phú Yên) cho hay, trung bình mỗi năm, trường có khoảng hơn 200 sinh viên có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện trong việc thực hiện xác nhận đơn xin vay vốn của sinh viên theo mẫu quy định của nhà nước, tuy nhiên, khi các em về địa phương để xin xét xác nhận đủ điều kiện được vay hay không lại rất khó khăn.

Có thể thấy rằng, sinh viên hiện không được chủ động trong việc vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn nữa, mức vay cũng còn hạn chế do phụ thuộc vào hoàn cảnh của tùy từng sinh viên.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Huy Vũ cũng cho biết, để hỗ trợ thêm cho sinh viên, nhà trường còn có các học bổng như học bổng về hỗ trợ chi phí học tập, học bổng về chính sách khuyến khích học tập, học bổng khuyến khích các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của nhà nước và của Trường Đại học Phú Yên.

Tường San