Tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.
Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hơn và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. [1]
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn |
Có nhiều nguyên nhân giáo viên nghỉ việc như thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng tăng, có tình trạng mất dân chủ ở một số cơ sở giáo dục, giáo viên mất dần “quyền” xử lý học sinh,...
Ngoài ra, theo người viết tìm hiểu, phần đông trong số giáo viên nghỉ việc đa số là giáo viên môn “phụ”, môn học mà một số người cho rằng không quan trọng, có cũng được không cũng chẳng sao, những môn không có cơ hội dạy thêm kiếm thêm thu nhập.
Tại các trường phổ thông môn nào là môn “phụ”?
Theo quy định hiện nay, tại các trường phổ thông không còn phân biệt môn chính, môn phụ, mỗi môn đều có tầm quan trọng nhất định.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã bỏ hẳn quy định môn chính, môn phụ và cách xếp loại học sinh không phải dựa vào điểm môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ như Thông tư trước đây.
Tuy nhiên, tại các trường phổ thông vẫn còn rất nặng tư duy kiểu cũ, vẫn còn phân biệt rạch ròi môn chính, môn phụ.
Cách phân biệt môn chính, môn phụ dựa vào số lượng tiết học được phân bổ hàng năm hay hàng tuần, môn nào được phân bổ nhiều tiết hơn từ 3,4,5 tiết/tuần thì được xem là có vai trò lớn hơn, được xem là môn chính, các môn được phân bổ số tiết ít hơn chỉ 1,2 tiết/tuần thì xem như môn phụ.
Và một cách để phân biệt môn chính, môn “phụ” không thể bỏ qua chính là môn chính thường được đưa vào các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh 10, tốt nghiệp trung học phổ thông hay tuyển sinh đầu vào các bậc học.
Còn một cách khác mà mọi người cho rằng phân biệt môn chính, môn “phụ” đó chính là môn nào, giáo viên dạy thêm là môn chính, môn ít hoặc không giáo viên dạy thêm là môn “phụ”.
Như vậy, hiện nay tại các trường trung học phổ thông các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên,Vật lý, Hóa học,... thường được xem là môn chính.
Các môn, hoạt động còn lại như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương,...thường được xem là môn “phụ”.
Hiện nay, việc thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập đa số thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nên suốt bậc học trung học cơ sở (từ lớp 6 – lớp 9), học sinh xem 3 môn trên là môn chính, đầu tư toàn bộ cho 3 môn trên để học sinh đạt điểm cao, để thi vào lớp 10, nếu có điều kiện thì có thể đầu tư thêm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (hiện nay là môn Khoa học tự nhiên), còn hầu hết các môn còn lại đều coi là môn phụ.
Nhiều giáo viên môn “phụ” chạnh lòng, nghỉ việc
Nhiều hệ lụy xảy ra khi vẫn còn phân biệt môn chính, môn phụ như:
Còn phân biệt môn chính, môn phụ dẫn đến hiện tượng học lệch, học tủ, "nhất bên trọng, nhất bên khinh" trong học sinh và đã tác động không nhỏ đến cách dạy và học trong nhà trường. Ngoài việc bố trí số tiết trong chương trình cao, nhiều nơi còn bố trí thêm học tăng tiết, phụ đạo trái buổi (có thu tiền) khiến quan niệm môn chính, môn phụ ngày càng rõ nét.
Vì còn phân biệt môn chính, môn phụ nên các môn chính thường được phụ huynh quan tâm, được cho học thêm.
Giáo viên được xem là môn chính được dạy thêm, được hưởng thêm tiền và đây cũng là nguồn thu nhập cao của giáo viên khi làm thêm (dạy thêm trong và ngoài nhà trường), có giáo viên dạy thêm thu nhập từ 20-50 triệu mỗi tháng ở các thành phố, đô thị không còn là chuyện hiếm.
Những môn được gọi là môn “phụ” thì thu mình lại, ít được quan tâm, phải tham gia nhiều phong trào, công việc hơn (các kỳ thi kiến thức pháp luật, vẽ tranh, an toàn giao thông, văn hóa, thể dục thể thao,... ở nhiều trường, đa số đều giao cho giáo viên môn phụ đảm nhận), và hầu như không có thêm khoản thu nhập nào khác ngoài lương.
Chính vì phân biệt môn chính, môn phụ khiến cho vai trò của giáo viên môn phụ bị coi nhẹ, giáo viên môn phụ thường chạnh lòng và khó bám trụ với nghề nếu không có tình yêu nghề.
Theo người viết tìm hiểu, thì số lượng giáo viên xin nghỉ việc để tìm việc khác mưu sinh phần nhiều ở những môn được xem là môn phụ, môn không được dạy thêm và không được xem trọng.
Tại huyện, nơi người viết đang công tác, năm học qua cũng có hơn 10 giáo viên trẻ xin nghỉ việc và có đến 8 giáo viên được xem là môn phụ chiếm đến 80% giáo viên nghỉ việc.
Các giải pháp để bỏ phân biệt môn chính, môn phụ
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn học văn hóa trong nhà trường phổ thông, được phân phối với số lượng tiết ít nhiều khác nhau song lại đều có vị trí, vai trò gần như ngang bằng nhau tính theo hệ số, cùng góp phần định hướng, cung cấp những tri thức, kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết cho học sinh phổ thông. Không có quy định môn chính, môn phụ.
Mỗi người học đều có năng lực chuyên biệt, năng lực đặc thù, khó thể nào yêu cầu một học sinh yêu thích Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân phải từ bỏ nó chỉ để tập trung cho các môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn (các môn thi tuyển sinh vào lớp 10). Dưới đây là các giải pháp mà người viết đề xuất để chấm dứt tình trạng phân biệt môn chính, môn phụ tại các trường phổ thông.
Thứ nhất, học gì thi nấy
Đây chính là nguyên tắc cơ bản để chấm dứt việc học lệch, học tủ, phân biệt môn chính, môn phụ.
Chính việc thi tuyển 10 vào lớp 10 chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tập trung vào một số môn đã dẫn đến việc phân biệt môn chính, môn phụ.
Người viết cho rằng đã đến lúc nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng về việc tổ chức các kỳ thi một cách thiết thực, gọn nhẹ và đảm bảo học sinh được thi ở tất cả các môn hoặc tổ hợp môn.
Nếu từ bậc trung học cơ sở học sinh chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ mà bỏ qua những môn học khác sẽ dẫn đến sự phát triển không đồng đều, nhiều em học giỏi các môn thuộc khối xã hội có thể bị trượt oan uổng, thiệt thòi khi học đến bậc trung học phổ thông, định hướng nghề nghiệp.
Thứ hai, nghiên cứu cẩn thận, thấu đáo về dạy thêm
Một thực trạng đáng buồn cho ngành giáo dục là hiện nay việc dạy thêm tràn lan vắt kiệt sức giáo viên, học sinh và cả phụ huynh (đóng tiền), nó góp phần làm cho việc phân biệt môn chính, môn phụ nặng nề hơn còn phân biệt giáo viên này, giáo viên khác.
Chương trình mới, đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất nên ngoài việc chú trọng phẩm chất còn hướng đến phát triển năng lực trong đó có năng lực chung, năng lực đặc thù.
Thay vì tập trung vào các môn chính để thi nên chuyển sang tập trung phát triển năng lực đặc thù, định hướng nghề nghiệp.
Học sinh có năng khiếu thể dục thể thao, quốc phòng, âm nhạc, mĩ thuật,... cần được định hướng phát triển và đi đúng hướng, tránh học lệch, học tủ làm giảm sự phát triển toàn diện và năng lực đặc thù của các em.
Do đó, học sinh còn tập trung học thêm một số môn là chưa thật sự cần thiết trong việc phát triển theo năng lực ví dụ các môn Toán, Ngoại ngữ,...đã được bố trí học từ 3-4 tiết/tuần là phù hợp, nếu các em yêu thích thì các em nên tự học hoặc có thể nghiên cứu thêm trên các phương tiện thông tin khác, chuyển từ học vẹt sang học thực hành, vận dụng.
Còn tổ chức dạy thêm trong và ngoài nhà trường tràn lan như hiện nay ngoài tạo sự bất công trong giáo viên và học sinh còn tạo sự phân biệt rõ nét môn chính, môn phụ, không đúng quan điểm về chương trình mới.
Thứ ba, tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm
Chương trình mới Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được bố trí 105 tiết/năm học tương đương 3 tiết/ tuần cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến việc hình thành kiến thức từ thực tiễn, kỹ năng sống cho học sinh.
Rất tiếc, việc triển khai hoạt động này chưa được xem trọng, chưa có giáo viên có chuyên môn, vẫn xem là môn/hoạt động phụ trong trường phổ thông, có nơi biến hoạt động trải nghiệm thành hoạt động tham quan có phí khiến phụ huynh, học sinh bức xúc và không hiểu hết tầm quan trọng của hoạt động này.
Sắp đến ngày Lễ kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023), hy vọng với việc Quốc hội đã thông qua việc sẽ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW từ 01/7/2024 và tiền lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất bảng lương hành chính sự nghiệp theo Nghị quyết 29/NQ-TW sẽ giữ chân được cán bộ, giáo viên giỏi, tâm huyết, góp phần đưa ngành giáo dục phát triển, sẽ không còn việc thiếu quá nhiều giáo viên hay giáo viên môn phụ chạnh lòng, nghỉ việc.
Ngoài ra, người viết không chỉ mong các cấp các ngành quan tâm cải thiện đời sống, thu nhập, môi trường làm việc mà còn mong ngành giáo dục có những điều chỉnh về thi cử, dạy thêm để tạo công bằng trong giáo dục để mọi giáo viên được cống hiến hết mình, được toàn ngành và xã hội trọng vọng như nhau, không còn bất công trong giáo dục, không còn phân biệt giáo viên môn chính, môn phụ một cách thực chất hơn..
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-con-thieu-118253-giao-vien-mam-non-pho-thong-post237673.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.