Giáo viên “môn phụ” trong trường phổ thông đang thiệt thòi đủ đường

07/05/2023 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những giáo viên dạy các môn mà nhiều người vẫn xem là môn phụ lại đang là người đảm nhận gần như tất các các phong trào bề nổi của nhà trường.

Tại các trường học phổ thông, dù cấp học nào đi chăng nữa, dù thực hiện chương trình 2006 hay chương trình 2018 thì vẫn đang tồn tại suy nghĩ “môn học chính”, “môn học phụ”- mặc dù các văn bản hiện hành và chương trình học không đề cập đến các khái niệm này.

Tuy nhiên, những suy nghĩ của nhiều người, xây dựng chương trình học, định hướng thi cử, cách phân bố thời lượng thực môn học đang có phần mặc định về số tiết đối với từng môn học. Những môn học nhiều tiết thường được chú trọng hơn và đương nhiên những môn đó được xem là môn học chính.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ các phong trào của học sinh, nhà trường hiện nay thì giáo viên những môn phụ đang đảm nhận chính. Mỗi năm có vô vàn cuộc thi, hội thi, tìm hiểu đều hướng đến những môn học được xem là môn phụ.

Vì thế, dù định mức giảng dạy như nhau nhưng nhiều thời điểm, đặc biệt là thời điểm cuối tuần, nghỉ hè, Tết Nguyên đán, giáo viên Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc tất bật với các phong trào thi đua của ngành, của địa phương, của nhà trường.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Giáo viên môn phụ đang đảm nhận chính các hoạt động phong trào ở trường học

Đối với trường Tiểu học hiện nay- kể cả chương trình 2006, chương trình 20018 có khoảng trên dưới 10 môn học. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp và dạy các môn: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Khoa học; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Thủ công...

Giáo viên các môn chuyên: Ngoại ngữ; Thể dục ; Âm nhạc, Mĩ thuật ; Tin học dạy sẽ dạy các môn chuyên của mình. Ngoài ra, các giáo viên những môn này có thể được bố trí dạy thêm một trong các môn: Đạo đức; Khoa học; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Thủ công (nếu chưa đủ định mức).

Và, ở cấp Tiểu học, các môn Toán; Tiếng Việt vẫn đang được xem trọng nhất. Giáo viên dạy các môn học này vẫn đang có vị thế khác so với giáo viên dạy các môn còn lại.

Ở cấp Trung học cơ sở giáo viên dạy các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý…thường được xem trọng hơn, đặc biệt là giáo viên dạy Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Không biết từ bao giờ, ở nhiều nhà trường phổ thông, giáo viên dạy các môn như: Giáo dục công dân, Thể dục, Mĩ thuật, Âm nhạc… vẫn được xem là những “giáo viên môn phụ”- dù không ai gọi chính danh.

Thế nhưng, các hoạt động phong trào thì giáo viên môn phụ đang phải đảm nhận chính.

Trong số giáo viên được xem là “môn phụ” thì giáo viên Mĩ thuật đang phải tham gia nhiều phong trào nhất ở các nhà trường- đặc biệt là cấp Tiểu học. Mỗi năm, không biết có bao nhiêu cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh.

Từ cấp trường cho đến cấp Bộ mỗi năm không dưới 10 cuộc thi khác nhau.

Lúc thì trường phát động chào mừng ngày lễ. Lúc thì xã (phường) Đoàn phát động; lúc Hội đồng Đội cấp huyện, cấp tỉnh phát động. Lúc thì sở, phòng giáo dục phát động. Thậm chí, mấy công ty kinh doanh cũng phối hợp với ngành giáo dục phát động để “tạo sân chơi” cho học sinh.

Có những thời điểm, một số cuộc thi vẽ chồng chéo lên nhau. Giáo viên đương nhiên là phải “chọn gà” để bồi dưỡng, hướng dẫn, dẫn học sinh đi thi và nhiều em học sinh có năng khiếu cũng chật vật tham gia hết phong trào này đến phong trào khác.

Giáo viên Âm nhạc ở các nhà trường cũng đang là “huấn luyện viên” chính cho các hoạt động phong trào của nhà trường khi tổ chức Lễ khai giảng; kỉ niệm 20/11; sơ kết học kỳ; tổng kết năm học. Mỗi buổi lễ cũng dăm ba tiết mục văn nghệ. Rồi, hội thi văn nghệ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…

Ngoài ra, hàng năm, phòng, sở, địa phương cũng luôn tổ chức nhiều hoạt động thi đua chào mừng ngày nọ, ngày kia. Tất nhiên giáo viên Âm nhạc sẽ được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” để phân công phụ trách, tập luyện.

Giáo viên Thể dục thì bám theo các Hội khỏe Phù Đổng; giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, việt dã… của học sinh, giáo viên và các cấp cũng liên tục được tổ chức.

Để tập luyện cho học trò, tất nhiên giáo viên phải tập luyện, bồi dưỡng vào những ngày trái buổi, cuối tuần- những lúc đáng lẽ ra giáo viên được nghỉ vì họ đã dạy xong định mức phân công.

Nhiều phong trào được tổ chức vào dịp hè, Tết Nguyên đán, ngày Chủ nhật- lúc những đồng nghiệp của mình cũng đang được nghỉ ngơi cùng gia đình nhưng nhiều giáo viên “môn phụ” đang phải tập luyện hoặc phải đi theo học trò thi thố.

Những thiệt thòi của giáo viên “môn phụ”

Chúng ta đều biết, các môn học trong các trường phổ thông đều có những vai trò, vị thế riêng. Mỗi môn học sẽ có một vài trò riêng nhằm bồi dưỡng năng lực, phẩm chất cho học trò để các em phát triển toàn diện về bản thân.

Cũng chính vì thế, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã bỏ hẳn quy định môn chính, môn phụ và cách xếp loại học sinh không phải dựa vào điểm môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ như Thông tư số Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT hay Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT trước đây.

Song, thực tế thì giáo viên đang dạy một số môn học mà một số người vẫn xem là môn phụ, đặc biệt là các môn: Thể dục, Mĩ thuật, Âm nhạc đang phải chịu nhiều thiệt thòi so với các môn học khác.

Nếu như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn chính đang có thể tổ chức dạy thêm cho học trò kín lịch trong tuần và đem lại một khoản thu nhập đều đặn hàng tháng thì giáo viên các môn phụ gần như không có khái niệm dạy thêm bao giờ. Họ có dạy cũng chẳng học trò nào học vì nó không phục vụ cho việc thi cử của học trò.

Trong xét thi đua cuối năm- đặc biệt là ở Tiểu học, giáo viên dạy các môn học Thể dục, Mĩ thuật, Âm nhạc vẫn thường ở “chiếu dưới” bởi danh phận của họ cũng chưa được khẳng định.

Giáo viên các môn học này- nếu trường loại II, loại III thì mỗi trường chỉ cần 1-2 giáo viên/ môn nên họ cũng không được biên chế cụ thể ở tổ chuyên môn nào. Năm này xếp ở tổ khối này, sang năm Ban hiệu có thể lại đưa họ sang tổ khác.

Vì thế, sự gắn kết cũng không có và khi xét, bỏ phiếu thi đua thì những tổ trưởng chuyên môn cũng thường xem nhẹ. Vì vậy, phải là những giáo viên thực sự nổi bật về thành tích may ra mới đủ số phiếu để đề nghị xét các danh hiệu thi đua ở các mức cao hơn.

Thậm chí, ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, trong khi giáo viên dạy những môn học được xem là “môn chính” luôn được học sinh, phụ huynh hoan hỉ đến chúc mừng thì những giáo viên dạy “môn phụ” chẳng mấy khi được hỏi han, đoái hoài.

Thế nhưng, công việc của họ thì không bao giờ là “phụ”. Những giáo viên dạy các môn mà nhiều người vẫn xem là môn phụ lại đang là người đảm nhận gần như tất các các phong trào bề nổi của nhà trường.

Các cấp lãnh đạo ngành, địa phương cũng chưa thực sự chú trọng chọn lọc các hội thi, mỗi năm phát động, phối hợp tổ chức không biết bao nhiêu cuộc thi, hội thi khác nhau. Học sinh đạt giải thì ngành, nhà trường được tiếng, học sinh được tiếng giỏi, tiếng hay.

Riêng, giáo viên môn phụ thì cứ âm thầm “đóng vai phụ” trong các nhà trường. Rõ ràng, đây là một thiệt thòi rất lớn cho một bộ phận giáo viên hiện nay.

Có lẽ cũng chính vì thế mà nhiều ngành học sư phạm như: Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay không mấy người theo đuổi nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên các môn học này ở gần như tất cả các địa phương đối với cấp Tiểu học và bây giờ khi thực hiện chương trình 2018 là cấp trung học phổ thông cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

Mục tiêu giáo dục cho học sinh phổ thông là giáo dục toàn diện cho học sinh cả về đức, trí, thể, mỹ thì giáo viên nào cũng cần thiết, quan trọng. Vì thế, việc thay đổi cách nhìn, quan niệm môn chính, môn phụ phải bắt đầu từ các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trước tiên là Ban giám hiệu các nhà trường cần nhìn nhận đúng mực và ứng xử công tâm, bình đẳng giữa các môn học, phân công công việc và đánh giá, xếp loại giáo viên một cách công bằng, khách quan.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN