ĐBQH: Lương của nhà giáo vẫn chưa thực hiện được theo chủ trương của NQ29

21/11/2023 06:30
Mộc Trà
GDVN-Theo ĐBQH Trần Văn Thức, đến nay lương của đội ngũ nhà giáo vẫn thực hiện theo bảng lương viên chức sự nghiệp nói chung, chưa thực hiện được theo chủ trương NQ 29.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phổ thông đã đạt được không ít thành tựu, song, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, chính sách tiền lương cho nhà giáo vẫn đang là mong mỏi của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ xoay quanh nội dung này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Còn khó khăn trong đổi mới giáo dục phổ thông

Đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, Đại biểu Trần Văn Thức chia sẻ một số “điểm sáng” trong thực hiện đổi mới, từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương: “Trong 10 năm qua, tuy còn những hạn chế nhất định, song, những thành tựu mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa đạt được là hết sức to lớn.

Cụ thể: Quy mô, mạng lưới trường học được sắp xếp hợp lý, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, phát triển hệ thống các trường ngoài công lập; Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên, tình trạng thừa - thiếu giáo viên từng bước được khắc phục; Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục “mũi nhọn”, nâng cao chất lượng đại trà; Công tác xây dựng trường đạt chuẩn chuẩn quốc gia được chỉ đạo quyết liệt, tích cực triển khai.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng “gặt hái” rất nhiều thành tích nổi bật, đáng ghi nhận của bậc mầm non, phổ thông, đặc biệt trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đã “gặt hái” một số thành tựu tiêu biểu cả về giáo dục mầm non và phổ thông. Ảnh: Mộc Trà.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đã “gặt hái” một số thành tựu tiêu biểu cả về giáo dục mầm non và phổ thông. Ảnh: Mộc Trà.

Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn nhìn nhận vào từng hạn chế, khó khăn trong thực tiễn: “Một là, đội ngũ giáo viên phổ thông còn thiếu nhiều, trong đó chủ yếu thiếu giáo viên dạy văn hóa cấp tiểu học, giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học (ở cả 3 cấp học phổ thông) và giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật cấp trung học phổ thông. Cơ cấu giáo viên phổ thông chưa đồng bộ. Việc bố trí giáo viên dạy các môn học mới như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Hai là, cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều bất cập. Việc thực hiện quy định trong xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Thông tư 17,18/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học chưa phù hợp; Việc thực hiện Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông còn gặp nhiều khó khăn.

Ba là, việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều vướng mắc, đặc biệt một số môn mới ở cấp trung học cơ sở và khó khăn trong việc sắp xếp tổ hợp môn học theo nguyện vọng của học sinh ở cấp trung học phổ thông. Việc in ấn, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương chưa kịp thời còn gây khó khăn trong tổ chức dạy học.

Bốn là, một số khó khăn, bất cập trong việc học sinh xin chuyển trường theo nguyện vọng; khó khăn trong việc sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phải có xác nhận theo yêu cầu của pháp luật”.

Một điểm trường vùng khó. Ảnh: Mộc Trà.

Một điểm trường vùng khó. Ảnh: Mộc Trà.

Đội ngũ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo

Đại biểu Trần Văn Thức cũng chỉ ra: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” là 1 trong 9 nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra, trong đó nêu rõ: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo…”.

Theo Giám đốc Sở, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, luôn xem nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo.

Ngày hội STEAM của học sinh trung học cơ sở. Ảnh: Mộc Trà.

Ngày hội STEAM của học sinh trung học cơ sở. Ảnh: Mộc Trà.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn trong chỉ đạo quản lý Nhà nước ở cấp vĩ mô theo quan điểm đường lối của Đảng cùng với quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Để thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, phải tạo niềm tin, động lực và sứ mệnh gánh vác trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia của toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng.

Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là rất cần thiết” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức đánh giá.

Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Mộc Trà.
Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Mộc Trà.

Từ đó, vị đại biểu này cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện những nội dung trọng tâm như:

Thứ nhất, tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được ban hành; đồng thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách mới về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Thứ ba, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của đội ngũ nhà giáo trong việc không ngừng tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, cập nhật những kiến thức mới, áp dụng khoa học, kỹ thuật trong quản lý, dạy học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những mô hình quản lý giáo dục hiệu quả, về gương điển hình, tiên tiến trong quản lý, giáo dục và dạy học nhằm lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả trong toàn ngành.

Chính sách tiền lương vẫn chưa thực hiện được theo chủ trương của Nghị quyết 29

Bàn về chính sách tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Thức cho rằng: “Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra một trong các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Đây sẽ là động lực rất lớn, góp phần khích lệ đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Tuy nhiên, đến nay lương của đội ngũ nhà giáo vẫn thực hiện theo bảng lương đối với viên chức sự nghiệp nói chung, chưa thực hiện được theo chủ trương trên”.

Vị đại biểu bày tỏ: “Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý xây dựng Luật Nhà Giáo nhằm luật hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo, đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập trong chính sách đối với nhà giáo. Trong đó ,sẽ quy định về lương và phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo phù hợp với điều kiện công tác thực tế và phát triển nghề nghiệp của nhà giáo.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo về đề cương chi tiết của Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được hoàn thiện và xin ý kiến của đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, nhân dân và học sinh trong thời gian tới. Dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) và thời gian Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Sau khi Luật Nhà giáo được ban hành và có hiệu lực sẽ giải quyết các khó khăn về lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo. Riêng quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề nghị Chính phủ tăng phụ cấp đối với giáo viên mầm non, tiểu học”.

Mộc Trà