Sau thí điểm học bạ số, Giám đốc Sở GD Cần Thơ, Điện Biên kiến nghị 1 số vấn đề

05/08/2024 06:32
Ngân Chi

GDVN- Học bạ số sẽ từng bước thay thế hoàn toàn học bạ giấy; góp phần thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen của cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học có mục đích nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.

Học bạ số tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cũng cho biết, căn cứ Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 26/10/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ; căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý thực hiện trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng số xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo; xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thí điểm; tổ chức tập huấn nghiệp vụ khai thác, tạo lập, sử dụng học bạ số; tổ chức cung cấp chữ ký số cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở giáo dục đồng thời nâng cấp bổ sung chức năng hệ thống thông tin ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh phổ thông đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo quy định của Bộ.

z5698263689770_97122865f77f04c486c1cc15357a2f65.jpg
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ triển khai thí điểm học bạ số đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Kết quả, 62.929/73.177 học sinh tiểu học được thí điểm ký học bạ số, đạt 85,98%; 62.919/62.929 học bạ số nộp thành công lên cổng Học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt 99,98% (có 10 học bạ nộp không thành công).

z5686012514683_0253f870dd0acc642ba17538b650054c.jpg
Giáo viên sử dụng học bạ số. Ảnh minh họa: NVCC.

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng cho biết, Sở đã tập trung xây dựng và ban hành Kế hoạch thí điểm học bạ số cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 nói chung và thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nói riêng đến tất cả các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát một cách tổng thể về cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như các điều kiện đảm bảo khác; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin, kết quả học tập của học sinh trên phần mềm quản lý nhà trường đảm bảo đầy đủ, chính xác, trùng khớp với dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động làm việc, trao đổi với Sở Thông tin và Truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm học bạ số trên địa bàn tỉnh để lựa chọn, thống nhất phương án xây dựng Cổng học bạ số của tỉnh, phương án triển khai học bạ số đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và tại các nhà trường, thuận lợi cho cán bộ, giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện không chỉ trong thời gian thí điểm, mà còn cả trong việc nhận rộng phạm vi thực hiện trong tất các các cơ sở giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2024-2025.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành công tác thí điểm học bạ số theo kế hoạch đã đề ra. Toàn tỉnh có 157/167 cơ sở giáo dục có học sinh tiểu học tham gia thí điểm (trong đó, có 132 trường tiểu học, 25 trường tiểu học và trung học cơ sở), đạt tỉ lệ 94,01%, vượt 44,01% so với chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra.

Tất cả các nhà trường tham gia thí điểm đã hoàn thành công tác nhập liệu, tạo lập và báo cáo học bạ số lên Cổng học bạ số của tỉnh cũng như Cổng học bạ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tổng số 55.477 học bạ số đã được phát hành.

Ông Nguyễn Văn Đoạt đánh giá: “Học bạ số sẽ từng bước thay thế hoàn toàn học bạ giấy trước đây; góp phần thay đổi nhận thức, tư duy cũng như thói quen của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, việc sử dụng học bạ số giúp các nhà trường khai thác hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục. Giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách. Giúp cha mẹ học sinh và học sinh dễ dàng, nhanh chóng tra cứu kết quả học tập, từ đó việc tương tác giữa nhà trường và gia đình sẽ kịp thời và đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông tin học sinh được số hoá hoàn toàn và lưu trữ một cách đồng bộ, lâu dài, có hệ thống.

Học bạ số cũng giúp các nhà trường dễ theo dõi, quản lý hồ sơ; tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng

Tại Trà Vinh, năm học 2023-2024, tổng số có 157 trường tiểu học (trong đó: 155 trường công lập, 02 trường tư thục); số điểm lẻ 211. Tổng số lớp học có 2.867 (trong đó có 04 lớp ghép với 45 học sinh, các huyện có lớp ghép: Cầu Kè 02 lớp, Châu Thành 02 lớp). Tổng số học sinh đầu năm học: 85.289 học sinh; tính đến cuối năm học 2023-2024, số học sinh bỏ học 97 em (tỉ lệ 0,11%, giảm 0,01% so với cuối năm học 2022-2023).

trà vinh.png
trà vinh học sinh.png

Một số thuận lợi trong triển khai học bạ số tại Trà Vinh trong năm học qua như sau: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ bài bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.

Với sự nỗ lực tích cực của cán bộ, giáo viên cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Tập đoàn Viettel nên 100% đơn vị tham gia thí điểm học bạ số đã hoàn thành việc chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu sang phần mềm sProfile.

Tất cả giáo viên các trường đều được tập huấn học bạ số, tất cả giáo viên chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4 đều được đăng ký chữ ký số. Có 118 cơ sở giáo dục tiểu học được thí điểm học bạ số ở khối lớp 1, 2, 3, 4 (đạt tỉ lệ 74,2%).

Ngoài ra, việc triển khai học bạ số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng có một số khó khăn: Thí điểm học bạ số diễn ra trong thời điểm cuối năm học và phải kết hợp nhiều phần mềm để thực hiện nên nhà trường, giáo viên gặp phải một số khó khăn nhất định. Các file dữ liệu về nhập kết quả học tập trên https://hocba.edu.vn không tương đồng giữa các cột trên hệ thống VnEdu và cơ sở dữ liệu ngành nên lấy số liệu phải coppy hay cập nhật từng cột rất khó khăn cho giáo viên.

Việc kết chuyển dữ liệu từ phần mềm hiện đang sử dụng (cơ sở dữ liệu ngành, vnEdu) sang học bạ số do Viettel cung cấp còn thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian để nhà trường, giáo viên thực hiện chuyển đổi cập nhật.

Một số giáo viên còn lúng túng, gặp khó trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ tin trong quản lý học sinh trên phần mềm.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, ngay từ rất sớm, ngành giáo dục đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học thông qua việc triển khai sử dụng đồng bộ các hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học. Chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin. Từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua các cuộc thi về ứng dụng công nghệ thông tin.

Chính vì vậy, cán bộ, giáo viên toàn ngành đã quen với việc sử dụng, khai thác các phần mềm, công cụ trên máy tính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

z5698262859247_2383c215eaa3048c2f7d92cbf5874b10.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành kế hoạch và hướng dẫn chi tiết giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học. Ngành giáo dục Điện Biên cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên toàn ngành để có thể thuận lợi hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra như hiện nay.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng chỉ ra, trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục Điện Biên cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể:

Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn kinh phí chi cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và triển khai học bạ số nói riêng còn hạn chế.

Một bộ phận giáo viên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Một số trường thông tin của học sinh chưa kết nối đồng bộ với phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia và học bạ số; giáo viên phải nhập thủ công hoàn thiện thông tin về học sinh. Thao tác cài đặt và ký chữ ký số còn phức tạp, giáo viên còn gặp khó.

Về phía thành phố Cần Thơ, vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá, có một số thuận lợi như: Từ năm 2016, các trường tiểu học được sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel đã thực hiện việc nhập liệu trên hệ thống phần mềm SMAS hỗ trợ xuất thông tin học bạ cho học sinh; Từ năm 2018, các cơ sở giáo dục bắt đầu nhập liệu và xuất thông tin học bạ từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng.

100% trường tiểu học đã cập nhật dữ liệu về mạng lưới trường, lớp, học sinh và kết chuyển dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục Đào tạo.

100% trường phổ thông đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, sử dụng đồng bộ phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý tại https://csdl.moet.gov.vn để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử.

Bên cạnh đó, việc triển khai học bạ số ở thành phố Cần Thơ cũng gặp phải một số khó khăn như: Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ internet chưa ổn định.

Trình độ tin học của cán bộ quản lý, giáo viên một số đơn vị còn hạn chế nên việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp khó.

Đối với việc khởi tạo học bạ số cho học sinh người nước ngoài, học sinh chưa có mã định danh (do nhiều nguyên nhân khác nhau) còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp nêu trên.

Góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết thêm: “Vừa qua, khi thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học, ngành giáo dục Điện Biên nhận được rất nhiều sự đồng thuận và phản hồi tích cực từ xã hội.

Từ năm học 2024-2025, toàn tỉnh sẽ triển khai học bạ số tại tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tin, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh sẽ được lưu trữ một cách có hệ thống để sử dụng lâu dài qua các năm và được đồng bộ, liên thông trong toàn tỉnh, cũng như trên toàn quốc.

Khi thực hiện học bạ số đối với 100% các nhà trường, từ cấp học tiểu học đến cấp trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024-2025 sẽ giúp cho ngành giáo dục có được cơ sở dữ liệu quan trọng về đánh giá xếp loại phẩm chất, năng lực của toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh.

Học bạ số sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo số hóa và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước tra cứu về quá trình học tập, tu dưỡng bản thân của các công dân Việt Nam từ khi vị thành niên đến lúc trưởng thành”.

Theo vị Giám đốc Sở đánh giá, điều này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tích cực, thuận lợi hơn trong công tác quản lý giáo dục cũng như tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên các nhà trường; nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu; thuận tiện trong quá trình tương tác hai chiều giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường với các cơ quan quản lý giáo dục. Ngoài ra, còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trần Thanh Bình cũng chia sẻ: “Việc triển khai học bạ số từ năm học 2024-2025 mang ý nghĩa rất quan trọng trong công chuyển đổi số của ngành giáo dục nói riêng, cả xã hội nói chung:

Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về chuyển đổi số được nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện học bạ số. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

Mang đến lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, xã hội: giảm chi phí in ấn, bảo quản học bạ giấy; học sinh, cha mẹ học sinh dễ dàng tra cứu học bạ thông qua ứng dụng do cơ quan có thẩm quyền cung cấp; các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin về học sinh, kết quả học tập của học sinh”.

z5698263541334_d4c17ed6eafa4a165f931e5d8b150da2.jpg
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức tập huấn sử dụng học bạ số cấp tiểu học cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn thành phố. Ảnh: NVCC.

Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ có một số kiến nghị, đề xuất: “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện học bạ số;

Hướng dẫn cơ chế chính sách cụ thể cho cán bộ phụ trách học bạ số tại các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo;

Hướng dẫn quy chuẩn chung tối thiểu về hạ tầng, thiết bị, kỹ thuật triển khai học bạ số của cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo;

Hướng dẫn việc khởi tạo học bạ số cho học sinh người nước ngoài, học sinh chưa có mã định danh (do nhiều nguyên nhân khác nhau) còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp nêu trên”.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng bày tỏ: “Trong thời gian tới, ngành giáo dục Điện Biên rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên; sự đồng thuận của xã hội; sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương nhằm nhanh chóng đáp ứng các điều kiện triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và học bạ số nói riêng”.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, có một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó:

Một là, về nguồn lực, nhân lực: Đề xuất có cán bộ công nghệ thông tin tại trường để có thể tiếp nhận đầy đủ các nội dung triển khai, hỗ trợ các giáo viên lớn tuổi sử dụng máy tính hơi yếu.

Hai là, về trang bị chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên: Nhà cung cấp học bạ số sẽ cung cấp chữ ký số đến 100% giáo viên, cán bộ quản lý ký học bạ điện tử theo gói cước đã thống nhất với các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Ba là, về thời hạn, giải pháp, chi phí lưu giữ học bạ số: Thời gian lưu trữ mãi mãi trên cloud server (máy chủ ảo) và suốt quãng đời học tập của học sinh tương tự như hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân…

Bốn là, về kế hoạch, tiến độ, lộ trình triển khai học bạ số: Đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai học bạ số cho 100% các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, toàn quốc và kết nối liên thông học bạ số đến các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Năm là, về những vấn đề khác: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn về quy trình, cách thức quản lý sổ theo dõi kết quả đánh giá học sinh định kỳ, học bạ số, nhằm tạo thuận tiện cho học sinh, tối giản các thủ tục hành chính.

Các nhà mạng nên thực hiện đồng bộ dữ liệu từ các phần mềm đã sử dụng sang phần mềm học bạ số để thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Nhà cung cấp dịch vụ học bạ số cần cung cấp thông tin về thời gian, chi phí và đơn vị chịu khoản chi phí về việc lưu trữ học bạ số dài hạn trên hệ thống server.

Ngân Chi