Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học có mục đích nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.
Để thực hiện thí điểm học bạ số, ngày 26/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 864/KH-SGDĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số các trường phổ thông ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội.
Nhiều lợi ích đối với nhà trường, giáo viên và học sinh, nhất là khi học sinh chuyển trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Teo Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã ban hành, triển khai các kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên. Phân công các cán bộ giáo viên tham gia tập huấn tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, tiếp thu kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai học bạ số cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
“Song song với đó, nhà trường đã đầu tư trang thiết bị, hệ thống máy tính và mạng lưới internet đảm bảo đáp ứng nhu cầu ký học bạ số của cán bộ, giáo viên.
Trong năm học 2023-2024, nhà trường đã chính thức triển khai thí điểm học bạ số đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành theo đúng kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo” - cô Mai cho hay.
Theo cô Mai, việc triển khai học bạ số mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể như:
Đối với giáo viên: Nâng cao hiệu quả giảng dạy (theo dõi tiến độ học tập của từng học sinh, đánh giá năng lực, giúp lên kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng đối tượng); Giảm tải công việc hành chính (không còn phải chỉnh sửa, in ấn và ký học bạ thủ công, giải phóng thời gian cho việc giảng dạy và hỗ trợ học sinh); Đảm bảo tính chính xác (loại bỏ sai sót do ghi chép thủ công, lưu trữ thông tin điện tử an toàn, tránh mất mát dữ liệu).
Đối với nhà trường: Quản lý hiệu quả (theo dõi, thống kê, đánh giá và quản lý tiến độ học tập của giáo viên, học sinh một cách nhanh chóng và chính xác); Tiết kiệm thời gian và chi phí (quá trình quản lý trở nên dễ dàng hơn, giúp tập trung nguồn lực cho việc giảng dạy và phát triển giáo dục).
Đối với học sinh: Minh bạch và hiệu quả (dữ liệu học bạ được cập nhật thường xuyên, chia sẻ dễ dàng giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh, giúp nắm bắt thông tin học tập nhanh chóng và chính xác). Tăng cường tương tác (hệ thống học bạ số tích hợp công cụ giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh, nâng cao hiệu quả giáo dục).
Cô Phạm Thị Khánh Ninh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) cũng đánh giá: “Học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy truyền thống, điều này tạo thuận lợi cho giáo viên nhà trường.
Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, chẳng hạn như khi làm thủ tục cho học sinh chuyển trường”.
Theo đó, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên, Trường Tiểu học Ái Mộ A đã: Tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số tập huấn công tác thực hiện học bạ số; Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên trong nhà trường; Mua tài khoản chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên nhà trường; Ban hành quy trình thực hiện học bạ số; Tuyên truyền công tác triển khai học bạ số đến 100% cha mẹ học sinh toàn trường
“Nhà trường có đầy đủ trang thiết bị, phòng máy, đường truyền,... nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu ngành một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, giáo viên nhà trường thành thạo công nghệ thông tin” - cô Khánh Ninh cho biết, Trường Tiểu học Ái Mộ A có nhiều thuận lợi trong công tác triển khai học bạ số.
Chia sẻ về thực tiễn triển khai trên địa bàn, thầy Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết: “Thời gian qua, huyện Ba Vì đã triển khai nghiêm túc chương trình thí điểm học bạ số tại các trường tiểu học theo kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai với sự nỗ lực và phối hợp của toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các nhà trường.
Việc triển khai được tiến hành theo từng bước và bài bản, bắt đầu từ việc xây dựng kế hoạch triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp huyện, chỉ đạo các trường tiểu học tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, 100% các trường tiểu học xây dựng Ban chỉ đạo thực hiện cấp trường và xây dựng kế hoạch triển khai, thành lập nhóm zalo chung để kịp thời hỗ trợ những khó khăn vướng mắc của cơ sở trong quá trình thực hiện thí điểm.
Ngoài ra, để thực hiện được ký số học bạ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiểu học cấp 100% chữ ký số cá nhân cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường”.
Thầy Phùng Ngọc Oanh chia sẻ thêm: “Công tác tập huấn cho giáo viên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Ngoài việc tham gia những buổi tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng tôi đã phối hợp với tập đoàn công nghệ - là đơn vị vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành - đã tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu để các cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững cách sử dụng hệ thống học bạ số, từ việc nhập liệu đến việc quản lý và theo dõi quá trình nhập liệu học bạ số của học sinh.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường công tác trao đổi tuyên truyền với phụ huynh để giới thiệu về hệ thống học bạ số, cũng như cách thức phụ huynh có thể truy cập và theo dõi kết quả học tập của con em mình. Việc này không chỉ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về hệ thống mới mà còn tăng cường sự kết nối và hợp tác giữa nhà trường và gia đình trong việc hỗ trợ học sinh”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cũng đánh giá: “Học bạ số mang lại nhiều ưu điểm và thuận lợi đáng kể. Đối với các nhà trường, việc chuyển đổi sang học bạ số giúp quản lý dữ liệu học sinh một cách khoa học và dễ dàng hơn. Giáo viên có thể cập nhật thông tin về học sinh nhanh chóng và chính xác, đồng thời dễ dàng theo dõi tiến độ học tập của các em.
Về phía ngành giáo dục, học bạ số giúp tổng hợp dữ liệu trên quy mô lớn một cách hiệu quả, phục vụ cho công tác thống kê, phân tích và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, hệ thống này cũng tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin giữa nhà trường với gia đình một cách minh bạch và kịp thời, giúp phụ huynh có thể nắm bắt tình hình học tập của con em mình một cách nhanh chóng”.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các trường tiểu học, phổ thông cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì đã thực hiện thí điểm học bạ số. 100% học sinh lên lớp được tạo học bạ số trên cơ sở dữ liệu. Tổng số học bạ số ký phát hành 20.110/20.114 - đạt tỉ lệ 99,98%, đứng thứ 4 thành phố (còn 4 học sinh chưa có mã định danh cá nhân nên chưa triển khai ký học bạ số). 100% học bạ số được ký đã gửi thành công lên cấp Sở và cấp Bộ.
Cần nâng cấp phần mềm học bạ số, bổ sung chức năng nhận xét từng môn học, hoạt động giáo dục
Về những thuận lợi trong quá trình triển khai học bạ số tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cô Mai đề cập đến: Dễ tiếp cận và sử dụng (giao diện thân thiện, dễ dàng thao tác); Triển khai nhanh chóng, hiệu quả (tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực so với học bạ truyền thống); Cập nhật thông tin liên tục (đảm bảo thông tin chính xác và kịp thời về học sinh); Bảo mật thông tin (hệ thống bảo mật nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho dữ liệu học sinh).
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng chỉ ra một số vấn đề gặp phải trong quá trình ký học bạ số: Đó là vấn đề giới hạn nhận xét.
“Phần mềm hiện tại giới hạn nhận xét các môn học trong 900 ký tự, không có mục nhận xét riêng cho từng môn học và các hoạt động giáo dục. Điều này khiến giáo viên khó đưa ra nhận xét chi tiết, cụ thể cho từng bộ môn” - cô Mai đánh giá.
Nữ Hiệu trưởng cũng bày tỏ: “Trong thời gian tới, hy vọng học bạ số sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bằng cách giúp giáo viên theo dõi sát sao tiến độ học tập của học sinh. Đồng thời, tăng cường minh bạch và hiệu quả quản lý thông qua việc phân tích dữ liệu học sinh, tạo thuận lợi cho học sinh bằng cách cho phép chủ động tiếp cận thông tin học tập, thúc đẩy xây dựng trường học thông minh, hiện đại thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục”.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng có một số kiến nghị:
Một là, nâng cấp phần mềm học bạ số: Cần bổ sung thêm chức năng nhận xét chi tiết cho từng môn học, hoạt động giáo dục, cho phép giáo viên đưa ra đánh giá đa chiều, cụ thể về năng lực học sinh.
Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên: Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về sử dụng học bạ số, hướng dẫn cách khai thác dữ liệu, ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy và quản lý.
Ba là, hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất: Đảm bảo trang thiết bị máy tính, internet, mạng lưới kết nối ổn định để hỗ trợ hoạt động của học bạ số.
Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp: Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trong việc triển khai, quản lý và phát triển học bạ số.
Năm là, thúc đẩy ứng dụng và chia sẻ kinh nghiệm: Khuyến khích các trường học chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong quá trình triển khai học bạ số, góp phần nhân rộng mô hình hiệu quả.
Kỳ vọng rằng học bạ số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là một bước đột phá
Bên cạnh những thuận lợi, công tác triển khai học bạ số trên địa bàn huyện Ba Vì cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ ra: Mặc dù học bạ số mang lại nhiều lợi ích, nhưng quá trình triển khai cũng không tránh khỏi một số khó khăn.
Trước hết, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những giáo viên nhiều tuổi chưa quen thuộc với các công cụ số.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở một số trường vẫn còn hạn chế, máy tính, điện thoại cấu hình thấp gây khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng hệ thống. Hệ thống trong quá trình thí điểm, mới triển khai nên đôi khi vẫn gặp tình trạng quá tải, xảy ra lỗi trong quá trình thực hiện”.
Từ đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cũng chia sẻ một số kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đặc biệt là phân hệ học bạ số để hệ thống đi vào ổn định trong quá trình sử dụng.
Thứ hai, đơn vị vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành có giải pháp nâng cao tính bảo mật thông tin cá nhân của học sinh và giáo viên trong quá trình thực hiện, đảm bảo dữ liệu được quản lý một cách an toàn.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng học bạ số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là một bước đột phá trong quản lý giáo dục. Chúng tôi cũng mong muốn trong năm học tới, học bạ số sẽ được triển khai chính thức, rộng rãi thay thế cho học bạ giấy hiện hành và góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại và tiên tiến” - thầy Phùng Ngọc Oanh chia sẻ.
Đề xuất cho học sinh chưa có mã định danh sử dụng mã học sinh trên cơ sở dữ liệu thay thế
Thầy Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cũng cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thí điểm học bạ số tới các trường tiểu học trên địa bàn quận.
Một số kết quả thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình: 100% các trường tiểu học: Thành lập Tổ công tác học bạ số tại đơn vị, lấy giáo viên có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm nòng cốt để thực hiện tốt công tác triển khai thí điểm học bạ số; Xây dựng, triển khai Kế hoạch triển khai thí điểm Học bạ số, phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của từng cá nhân; Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai: máy vi tính kết nối mạng internet, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, đăng ký cấp chứng thư số tổ chức và chứng thư số cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; Tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng chữ ký số và học bạ số. Tổng số học bạ đã ký: 15.450/15.640 (đạt 98,8%).
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đánh giá: “Về thuận lợi: Việc triển khai thí điểm học bạ số nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ).
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, triển khai chi tiết đến 100% các trường tiểu học trên địa bàn quận, tổ chức hội nghị hướng dẫn sử dụng chữ ký số và học bạ số hiệu quả, thiết thực.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đã khẩn trương tập trung triển khai, tổ chức thực hiện, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ chung của quận và thành phố. Đồng thời, các trường có sự chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ điều kiện để thực hiện; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc về Phòng Giáo dục và Đào tạo để được tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có trình độ, tích cực và chủ động học hỏi nâng cao năng lực số”.
Ngoài ra, thầy Lê Đức Thuận cũng chỉ ra một số khó khăn: “Các trường ngoài công lập chưa được Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) cấp chứng thư số miễn phí nên một số trường ngoài công lập còn chậm tiến độ.
Một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt không có giấy khai sinh, không được cấp mã định danh nên không ký được học bạ số”.
Do đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đề xuất: “Với những học sinh chưa có mã định danh, có thể sử dụng mã học sinh trên cơ sở dữ liệu thay thế để ký học bạ số”.