Trường nào cũng muốn được ưu tiên, vậy ngân sách đầu tư GDĐH nên tăng vào đâu?

28/11/2023 06:23
Minh Chi
GDVN-Việc tăng ngân sách đầu tư cho GDĐH cần có giải pháp hợp lý và mục tiêu rõ ràng, không tăng dàn trải, không tăng để sử dụng cho chi thường xuyên. 

Giáo dục đại học có vai trò trụ cột trong thực hiện một trong ba đột phá chiến lược, đó là phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, thực tế nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn rất thấp.

Yêu cầu nâng cao chất lượng trong bối cảnh nguồn tài chính hạn chế là một trong những thách thức lớn của giáo dục đại học hiện nay. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học đề xuất tăng mức chi đầu tư cho giáo dục đại học lên 0,5% GDP nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường (năm 2020, Việt Nam mới chỉ dành 0,18% GDP cho giáo dục đại học).

THỐNG KÊ MỨC CHI CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (GDĐH) TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA
Quốc gia Chi cho GDĐH theo % GDP Mốc thời gian Chi GDĐH trên tổng chi NSNN cho Giáo dục Mốc thời gian Chi NSNN/SV (ĐV: triệu đồng) Mốc thời gian
Malaysia 1,13% 2015 21,30% 2018 62,3 2018
Singapore 1% 2015 35,28% 2015 274,9 2015
Thái Lan 0,64% 2013 15,60% 2013 26 2013
Hàn Quốc 0,86% 2016 20,50% 2016 103,9 2016
Việt Nam 0,18% 2020 4,10% 2020 6,8 2020
Kết quả thống kê của nhóm tác giả GS. TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Đại học Bách khoa Hà Nội, đăng tại kỷ yếu Hội thảo Giáo dục 2023

Đề xuất đầu tư cho trường đại học thông qua hình thức cho vay

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất tăng đầu tư cho giáo dục đại học.

“Tôi cho rằng không tăng dàn trải, không tăng để sử dụng cho chi thường xuyên mà cần có giải pháp hợp lý và mục tiêu rõ ràng. Thực hiện việc phân bổ ngân sách dựa theo kết quả hoạt động và đầu tư trọng điểm để có thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam.

Chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh tự chủ (biết quản lý các nguồn lực) của các cơ sở giáo dục đại học, việc này đã được luật hóa”, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: TL

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: TL

Về cách thức phân bổ nguồn ngân sách, thầy Tùng đề xuất không nên đầu tư theo cách cấp ngân sách mà tiến hành cho vay để phát triển. Điều này đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu tư, tránh lãng phí.

“Bởi khi vay sẽ có đơn vị kiểm soát dự án vay và theo dõi để thu lại vốn (theo cam kết của đơn vị vay). Lãi suất là phần chi cho đơn vị thay mặt chính phủ thẩm định dự án và quản lý vốn”, thầy Tùng lý giải.

Theo đó, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng đề xuất đặt ra 3 mục tiêu lớn cho việc tăng đầu tư giáo dục đại học:

Thứ nhất, đầu tư để có các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế. Ở mục tiêu này, thầy Tùng đề xuất với các cơ sở có thứ hạng cao, có xu thế phát triển tốt sẽ được vay tiền đầu tư với lãi suất ưu đãi, với điều kiện duy trì hoặc tăng bậc xếp hạng và có sinh viên quốc tế đến học.

Học phí tại các cơ sở này được thu cao, người học là người Việt Nam được vay toàn bộ chi phí học phí (đầu tư gián tiếp qua học phí) các cơ sở này không lấy quy mô làm trọng mà lấy chất lượng làm trọng (chất lượng tốt người học ra trường có lương cao, có khả năng trả nợ vay). Theo thầy Tùng, cách làm này nhằm mục đích tránh việc các trường đầu tàu “vơ bèo, vạt tép” - tức là tuyển sinh nhiều, không đảm bảo chất lượng đầu vào và quyền lợi của người học tại các cơ sở trọng điểm quốc gia.

Thứ hai, đầu tư để phát triển đội ngũ, các nhà khoa học, giảng viên tầm cỡ quốc tế. Theo đó, cần có quỹ để chọn nhân tài, cấp học bổng cho các cá nhân đủ tiêu chuẩn trong và ngoài nước ở các bậc đào tạo; Quỹ cho các nghiên cứu khoa học được nhà nước đặt hàng nghiên cứu; Và quỹ cho các nhà khoa học vay để thực hiện các đề tài nghiên cứu và họ có nghĩa vụ hoàn trả lại khi đề tài thương mại hóa.

“Đầu tư thông qua nhân tài mang nguồn lợi cho chính cơ sở giáo dục đại học, và buộc họ phải có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Thứ ba, đầu tư cho người học. Với mục tiêu này, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng kỳ vọng các trường đại học sẽ được tự chủ mức học phí, học phí cao gắn liền với chất lượng tốt, như vậy người học tốt nghiệp ra trường sẽ đảm bảo có việc làm tốt và lương cao.

Theo đó, thầy Tùng đề xuất giải pháp thực hiện là cho phép người học được vay tiền đủ để tham gia học tập, đóng học phí cho các cơ sở giáo dục đại học mà họ lựa chọn. Người học sẽ thanh toán khi có việc làm (trừ vào lương), quản lý xã hội sẽ phải công khai người nợ thông qua mã định danh để các chủ sử dụng lao động thu hộ nhà nước (như thu thuế thu nhập cá nhân). Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, người học chọn cơ sở nào thì cơ sở đó được đầu tư, từ đó các trường buộc phải tự nâng cao chất lượng để có đầu tư.

“Ví dụ tỷ lệ trả nợ là 10% trên tổng thu nhập thì lao động có lương cao sẽ trả nhanh. Khi công khai khoản nợ xã hội sẽ là áp lực tìm việc và trả nợ để có lịch sử tín dụng tốt, có thể vay tiếp các khoản an sinh khác.

Điều quan trọng là dám cho vay đúng với học phí các trường thu. Ai đỗ đại học, cao học, nghiên cứu sinh, không vi phạm pháp luật đều sẽ được vay. Điều này đảm bảo bình đẳng, không lệ thuộc gia đình giàu nghèo, thành thị hay nông thôn. Mỗi công dân tự chịu trách nhiệm trước xã hội. Thực hiện được công bằng xã hội”, thầy Tùng phân tích thêm.

Nên tăng vào đâu khi trường nào cũng muốn được ưu tiên?

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Cũng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục đại học nhận định, trong điều kiện thực hiện tự chủ, các trường đại học bị cắt giảm ngân sách, trong khi đó mức thu học phí nhiều năm liền không tăng khiến không ít cơ sở giáo dục chật vật với bài toán thu chi.

“Nếu đề xuất tăng chi đầu tư cho giáo dục đại học được thông qua, đây sẽ là một tín hiệu tốt với các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề là tăng vào những việc gì, điều này rất cần phải có tính toán kĩ lưỡng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, vị chuyên gia cho rằng, hệ quả lớn nhất khi trường đại học tự chủ tài chính là ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Điều này xuất phát từ việc trường đại học công lập bị cắt giảm ngân sách chi thường xuyên hoặc một phần chi đầu tư (theo lộ trình tự chủ), trong khi đó, việc đa dạng hóa nguồn thu ngoài học phí của hầu hết các cơ sở giáo dục vẫn còn khá hạn chế. Điều này vô hình trung đẩy “gánh nặng” học phí lên vai người học, làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, giảm công bằng xã hội. Đây là một trong những vấn đề “nổi cộm” trong tự chủ tài chính của giáo dục đại học hiện nay.

“Các trường đại học thực hiện tự chủ nhưng vẫn rất cần sự đầu tư, quan tâm của nhà nước để phát triển”, chuyên gia nêu quan điểm.

Về câu hỏi, nên tăng vào đâu, vị chuyên gia cho rằng “việc xác định ưu tiên đầu tư” là một vấn đề khó, vì trong điều kiện tài chính các trường đại học đều khó khăn, cơ sở nào cũng muốn nhận được sự ưu tiên đầu tư để phát triển. Do vậy, vấn đề này cần phải được bàn bạc và có đánh giá kĩ lưỡng; Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thay đổi cách thức phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học nhằm sử dụng tối ưu hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Tại báo cáo gửi đến Hội thảo Giáo dục 2023, Bộ Tài chính đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất: “Ngân sách nhà nước sẽ tập trung nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao và một số cơ sở giáo dục đại học có tính chất đặc thù thông qua các phương thức chi đặt hàng, đấu thầu”.

Về phương án cơ cấu lại nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ đối với giáo dục đại học, Bộ Tài chính đưa ra một số hướng như sau:

Thứ nhất, nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng (tính đủ chi phí đào tạo) đối với những ngành nghề ít có khả năng xã hội hóa (như các trường đào tạo sư phạm, đào tạo chương trình khoa học cơ bản, nghệ thuật truyền thống, điện hạt nhân…) nhưng Nhà nước có nhu cầu sử dụng cao và gắn liền với cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí.

Thứ hai, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, đồng thời điều chỉnh mức thu học phí để bù đắp đủ chi phí đào tạo thường xuyên, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác.

Thứ ba, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, đồng thời điều chỉnh mức thu học phí để bù đắp đủ chi phí đào tạo thường xuyên, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác.

Thứ tư, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, đồng thời điều chỉnh mức thu học phí để bù đắp đủ chi phí đào tạo thường xuyên, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác.

Minh Chi