Dù tăng học phí, song giáo dục đại học vẫn rất cần sự đầu tư của Nhà nước

27/05/2023 06:27
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tăng học phí là quyết định “không sớm thì muộn”, tuy nhiên điều này cũng gây ra nhiều áp lực cho người học, đặc biệt những gia đình có điều kiện khó khăn

Giữa tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP từ năm học 2023 - 2024.

Chất lượng đào tạo là một yếu tố khó định lượng

Tăng học phí là quyết định “không sớm thì muộn”, tuy nhiên cũng có băn khoăn đặt ra rằng, các trường sẽ làm gì để đảm bảo thực hiện tăng chất lượng đào tạo xứng đáng với học phí mà người học đã bỏ ra?

Học phí luôn là một trong những yếu tố quan trọng được học sinh, phụ huynh quan tâm khi cân nhắc lựa chọn trường đại học. Ảnh minh họa: DN

Học phí luôn là một trong những yếu tố quan trọng được học sinh, phụ huynh quan tâm khi cân nhắc lựa chọn trường đại học. Ảnh minh họa: DN

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Quang Hưng - Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch tài chính Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) khẳng định chất lượng đào tạo và học phí có mối ràng buộc với nhau:

“Chúng ta phải có kinh phí thì mới có thể đầu tư mua sắm các thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, các loại hóa chất cho sinh viên thực hành…”

Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ, chất lượng đào tạo là một yếu tố khó định lượng được cụ thể. Và tất nhiên, ở góc độ là cơ sở đào tạo, các đơn vị luôn cam kết với người học sẽ đảm bảo chất lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Hùng Vương cũng đang tính toán các chi phí đào tạo, nếu có quyết định cho phép tăng học phí chính thức, đơn vị này cũng dự kiến sẽ tăng từ 7-8% học phí.

Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch tài chính Trường Đại học Hùng Vương cho biết thêm, các tính toán về học phí luôn được nhà trường cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố an sinh xã hội cho sinh viên an tâm học tập.

Đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố điều kiện tài chính của người học, Giáo sư Vũ Văn Hóa- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng các trường cần “cân nhắc kỹ lưỡng” tới mức độ tăng học phí.

“Tăng học phí giúp cơ sở đào tạo có thêm nhiều điều kiện đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, các trường cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét mức tăng phù hợp trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội người dân còn nhiều khó khăn, nhất ở các vùng nông thôn”, thầy Hóa chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo thầy Hóa, tăng học phí thì phải đi song song với chất lượng đào tạo phải tốt. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như học sinh, phụ huynh phải có trách nhiệm giám sát về chất lượng.

“Tăng học phí là điều kiện cần giúp các trường đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, tăng ở mức độ nào thì có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần can thiệp, không nên để các đơn vị tự ý tăng theo cách của mình; Như vậy không đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, giảm cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh.

Cần có giải pháp quản trị tài chính và đảm bảo chất lượng

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, tăng học phí trong bối cảnh hiện nay là điều kiện cần thiết để các trường đại học đảm bảo có đủ nguồn lực để thu hút giảng viên giỏi, đầu tư cho cơ sở vật chất,...

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vinh cũng nhấn mạnh tới các biện pháp quản trị tài chính và đảm bảo chất lượng, làm sao để chất lượng đào tạo phải tương xứng với học phí người học bỏ ra.

Theo đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, vấn đề nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học là một bài toán khó, cần phải gắn liền với cơ chế quản trị đại học về tài chính. Các cơ sở giáo dục phải quản trị hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Vinh cho rằng, cơ sở giáo dục đại học cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm.

Đối với công tác kiểm định chất lượng, yêu cầu phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Hiện nay, với những chương trình đào tạo đã đạt mức kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ được tự xác định mức thu học phí (theo quy định của Nghị định 81).

Tiến sĩ Vinh đánh giá, công tác kiểm định chất lượng vừa qua đã có một số dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn nặng về hình thức với nhiều bất cập như báo chí đã phản ánh thời gian qua. Do vậy, ông Vinh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giám sát và đánh giá lại các trung tâm kiểm định hiện nay.

Công tác kiểm định chất lượng vẫn còn mang tính hình thức, chưa đánh vào thực chất, chưa hình thành được văn hóa chất lượng trong nhà trường bền vững

Đồng thời, Chính phủ cũng cần xem lại công tác điều phối ngân sách quốc gia, trong đó, cần tập trung hơn nữa nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu chính của các trường vẫn chủ yếu dựa vào học phí. Khả năng khai thác các nguồn thu khác rất hạn chế. Do vậy, mặc dù có quyết định tăng học phí, song giáo dục đại học vẫn rất cần sự đầu tư của Nhà nước, nhằm tránh dồn mọi gánh nặng tài chính lên vai người học.

“Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn có hạn hẹp, nhiều vấn đề quan trọng khác Nhà nước cần đầu tư, song vẫn phải đặc biệt cân nhắc, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.

Đồng thời, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...

Bắc Sơn