Theo nhiều chuyên gia, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học bên cạnh việc đổi mới chính sách, thể chế thì cần phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học.
Theo số liệu Bộ Tài chính, những năm gần đây, tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nói chung là khoảng 5-6 % GDP, nhưng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP, đây là một con số rất thấp.
Cùng với việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, cần phải có những thay đổi trong cách thức đầu tư để giáo dục đại học có những bước phát triển đột phá.
Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cố Giáo sư Trần Hồng Quân.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Phạm Minh |
Phóng viên: Thưa ông, hiện ngân sách chi cho giáo dục đại học đang ở mức rất thấp (chỉ chiếm 0,27% GDP). Trong khi theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới, Việt Nam phải tăng từ 0,8 – 1 % GDP cho giáo dục đại học đến năm 2030, theo ông, việc ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng hệ thống giáo dục đại học?
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: Để làm rõ vấn đề này cần thống nhất với nhau cách hiểu về chất lượng giáo dục đại học. Có nhiều cách hiểu nhưng ở nước ta hiện nay, theo các văn bản chính thức, thì chất lượng giáo dục đại học được hiểu là sự đáp ứng với mục tiêu của giáo dục đại học. Mục tiêu này, theo Luật Giáo dục đại học, là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Hiểu như vậy thì rõ ràng là việc ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục đại học trên nhiều phương diện.
Trước hết về phát triển nhân lực chất lượng cao, sẽ khó thực hiện trên mọi góc độ quy mô, cơ cấu, chất lượng. Về quy mô, giáo dục đại học nước ta có sự bùng nổ vào giai đoạn 2005-2010, nhưng những năm sau đó có chiều hướng chững lại, khiến quy mô nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đến năm 2020 là đáng lo ngại, mới chỉ chiếm khoảng 12% lực lượng lao động có kỹ năng (theo báo cáo của ILO).
Về cơ cấu, do các cơ sở giáo dục đại học phải lo tự bảo đảm mọi khoản chi nên các trường buộc phải chạy theo các ngành đào tạo mang lại hiệu quả cao về tài chính, khiến cơ cấu đội ngũ nhân lực chất lượng cao bị méo mó, đặc biệt đáng quan ngại là sự chậm phát triển của nguồn nhân lực STEM chất lượng cao.
Về chất lượng thì cho đến nay, dù chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng không theo kịp sự chuyển dịch về yêu cầu của thị trường lao động. Và vì thế giáo dục đại học nước ta vẫn đang luẩn quẩn trong cái bẫy của tình trạng thiếu hụt kỹ năng, nghĩa là tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc.
Những hạn chế nêu trên trong phát triển nhân lực chất lượng cao dẫn đến sự hạn chế về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Hạn chế này đang trở thành rào cản và có nguy cơ trở thành điểm nghẽn trong phát triển khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu trong nhiều năm liền đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt kỹ năng của lực lượng lao động là rào cản quan trọng thứ ba trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Vì thế, những hạn chế nêu trên về quy mô, cơ cấu, chất lượng của nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đặt đất nước vào nguy cơ luẩn quẩn trong cái bẫy thu nhập trung bình thấp.
Cuối cùng xét về phương diện tiến bộ xã hội thì với chiều hướng các cơ sở giáo dục đại học từng bước tăng học phí để tự bảo đảm các khoản chi, bất công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đại học sẽ gia tăng mà biểu hiện cụ thể là khoảng cách trong tiếp cận giáo dục đại học Việt Nam giữa các nhóm thu nhập đang ngày càng lớn theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam 2011-2020 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư cho giáo dục đại học vốn đã thấp mà cách thức đầu tư cũng chưa hiệu quả, chúng ta chưa có đầu tư trọng tâm, trọng điểm; chưa thực hiện được cơ chế đặt hàng; đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho các trường đại học cũng còn hạn chế,… Ông nghĩ sao về những vấn đề này?
Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: Về phương diện chính sách, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, rõ ràng về phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập.
Trước hết về cơ cấu chi thì chi thường xuyên vẫn chiếm một tỷ lệ lớn vì vẫn có một số đáng kể cơ sở giáo dục đại học mà trung bình nguồn thu dựa vào ngân sách nhà nước cũng vào khoảng 60%. Vì thế, tỷ lệ chi còn lại đầu tư cho xây dựng cơ bản và nghiên cứu khoa học rất hạn hẹp.
Nguồn chi hạn hẹp, trong khi đó cơ chế phân bổ vẫn còn mang tính bình quân, dựa chủ yếu trên các yếu tố đầu vào và lịch sử phân bổ ngân sách các năm trước, chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra nên tình trạng dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công cho giáo dục đại học vẫn chưa được khắc phục.
Cũng cần lưu ý là hệ thống giáo dục đại học công lập nước ta là một hệ thống nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ yếu là đơn ngành và nhỏ lẻ, trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản, nên việc phân bổ còn được thực hiện theo các tiêu chí khác nhau, không tránh khỏi thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu công bằng.
Nhìn chung, như đã được chỉ ra trong Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân bổ ngân sách giáo dục đại học vẫn bị chi phối bởi tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm cùng tình trạng cục bộ, địa phương.
Điều đó kéo theo phân bổ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học không những rất thấp mà còn không công bằng. Các cơ sở giáo dục đại học đóng góp 1/3 số người làm nghiên cứu toàn thời gian và chiếm 3/4 số người làm nghiên cứu có trình độ tiến sĩ trong toàn quốc nhưng kinh phí chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển của cả khối đại học và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 1/6 toàn quốc.
Vì thế, các cơ sở đào tạo sau đại học của nước ta đang bất cập rất nhiều về cơ cấu chương trình, nguồn lực tài chính, đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác như phòng thí nghiệm, thiết bị và nền tảng công nghệ. Ngay cả những đại học hàng đầu trong nước cũng thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vững mạnh cùng các trụ cột thiết yếu, bao gồm quản trị tốt và tài chính đầy đủ, để thiết lập và tận dụng các công nghệ số đột phá.
Còn về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu thì hiện việc triển khai trong phạm vi hẹp là đào tạo giáo viên cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, phức tạp.
Vấn đề là ở chỗ chúng ta định vận dụng mô hình kinh doanh hàng hóa vào đào tạo con người với những quy định cứng nhắc về chỉ tiêu và công việc. Khi đó khó khăn là ở chỗ các dự báo về nhu cầu đào tạo của chúng ta còn rất thiếu độ tin cậy, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh như hiện nay; còn tính phức tạp là ở chỗ sản phẩm đào tạo là con người mà sau 4 năm học tập họ sẽ có những quyền lựa chọn về việc làm và sự nghiệp không nhất thiết theo dự kiến ban đầu của các nhà giao nhiệm vụ.
Phóng viên:Theo ông, Nhà nước cần có những thay đổi như thế nào về đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học để các trường đại học có sự phát triển bứt phá, nâng cao chất lượng?
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến: Tại Hội nghị giáo dục đại học thế giới lần thứ ba, tổ chức vào tháng 5 năm ngoái, khuyến nghị đưa ra là: Cần đảm bảo rằng các nước đang phát triển đầu tư 1% GDP của họ cho giáo dục đại học (bao gồm cả nghiên cứu và phát triển trong các cơ sở giáo dục đại học).
Còn khuyến nghị năm 2020 của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam là: “Cần tăng dần tỷ lệ cấp tài chính công cho giáo dục đại học, từ 0,23% GDP hiện tại lên ít nhất 0,8% GDP vào năm 2030... Điều này sẽ tương ứng với mức tăng 0,056 điểm phần trăm mỗi năm. Không làm được như vậy sẽ đặt đất nước vào nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, đề xuất khiêm tốn hơn: Đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tối thiểu 0,5% GDP trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện nay đã là cuối năm 2023 và tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học vẫn quanh quẩn 0,23-0,27% GDP. Vì vậy, theo tôi, trước hết Nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc về nhận thức của các nhà hoạch định chính sách để chủ trương “đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển” thực sự đi vào cuộc sống.
Trên cơ sở đó nâng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học đạt tỷ lệ 0,5% GDP vào năm sau. Điều này là hoàn toàn khả thi nếu quy định sau đây của Luật Giáo dục được thực hiện nghiêm túc: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.
Tiếp đó, cần thiết lập lộ trình tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học để đạt tỷ lệ tối thiểu 0,8% GDP vào năm 2030.
Về cơ chế phân bổ ngân sách, theo tôi để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nhất thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, khắc phục ngay tính nhỏ lẻ, đơn ngành, thiếu kết nối, dàn trải của hệ thống, xác định được các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia cùng các lĩnh vực, ngành đào tạo có tính ưu tiên. Từ đó, một mặt từng bước giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư; mặt khác tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia và các lĩnh vực đào tạo ưu tiên trên nguyên tắc giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Cũng cần gắn phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học với phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ, bảo đảm các cơ sở giáo dục đại học có tỷ trọng ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu và phát triển tương xứng với đội ngũ và đóng góp của mình.
Về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu, theo tôi ngoài ngành sư phạm nên tập trung giao nhiệm vụ đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo trên nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, dựa trên các kết quả đầu ra, cho các ngành mà Nhà nước và xã hội có nhu cầu nhưng thị trường không hoặc chưa đụng tới, bao gồm các ngành thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kể cả một số ngành công nghệ cao. Còn việc đấu thầu chỉ nên tổ chức thực hiện đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ, theo các quy định chung về đấu thầu, không phân biệt cơ sở giáo dục đại học công lập hay tư thục.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến