Kiến nghị miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tài trợ cho trường đại học

16/09/2023 06:33
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tài trợ cho các trường đại học.

Trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục đại học hạn hẹp (chỉ chiếm 0,27% GDP), nguồn thu của các trường đại học ở Việt Nam phần lớn dựa vào học phí. Trong khi đó, tỷ lệ nguồn thu từ bên ngoài như hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân… lại rất thấp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong hoạt động hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp hiện nay.

Thông tin với phóng viên, thầy Hiệp cho biết, hàng năm Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội vẫn có các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp như: liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, kết hợp nghiên cứu một số lĩnh vực, hay tài trợ thiết bị máy móc, cử chuyên gia đến trường giảng dạy, các tài trợ học bổng cho sinh viên…

“Tuy nhiên, những tài trợ này nếu tính bằng tiền thì giá trị không lớn. Hàng năm, nguồn thu từ các hoạt động này chiếm khoảng 1-1,5% trong tổng nguồn thu của trường”, thầy Hiệp nói.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiếp nhận thiết bị tài trợ của Công ty TNHH Juki Machinery Việt Nam (tháng 4/2023) . Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiếp nhận thiết bị tài trợ của Công ty TNHH Juki Machinery Việt Nam (tháng 4/2023) . Ảnh: website nhà trường

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đã có những bước đi trong thực tiễn, tuy nhiên vì sao nguồn thu từ hoạt động này vẫn chỉ chiếm phần trăm thấp như vậy? Theo thầy Hiệp, vướng mắc đầu tiên đến từ nhận thức của chính các doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Thông thường, khi doanh nghiệp kết hợp đào tạo với trường đại học sẽ có những hỗ trợ về chuyên gia, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, hay các học bổng cho sinh viên,... với mục đích đào tạo nhân lực “khớp” với nhu cầu của doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, “các doanh nghiệp trong nước nhìn chung vẫn thích sử dụng nhân lực được đào tạo sẵn. Tư duy kết hợp với trường đại học để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình chưa có nhiều”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nêu thực tế.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích chưa thực sự hấp dẫn cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp trong nước “chưa mặn mà” với việc hợp tác với trường đại học.

Một hoạt động khác có thể tạo ra nguồn thu cho trường đại học chính là hoạt động hiến tặng. Tuy nhiên, văn hóa hiến tặng cho trường đại học ở nước ta vẫn chưa thực sự phổ biến.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ, nhìn nhận thực tế, các doanh nghiệp trong nước thường xác định phải có những lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp thì mới hợp tác với các trường đại học. Theo đó, các hoạt động hiến tặng tuy đã và đang được thực hiện, tuy nhiên đa số các tài trợ dừng lại ở quy mô nhỏ.

“Một phần có thể do từ tiềm lực của các doanh nghiệp nước ta vẫn chưa lớn mạnh như các doanh nghiệp ở các nước phát triển khác. Chưa kể do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, có không ít doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn”, thầy Hiệp chia sẻ.

Đối với hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, thầy Hiệp cũng nêu lên một số khó khăn hiện nay. Theo đó, hiện các doanh nghiệp Việt Nam nói chung có thể tiếp cận các công nghệ thế giới tương đối dễ dàng. Trong khi đó, niềm tin của doanh nghiệp trong nước với các công nghệ xuất xứ từ Việt Nam chưa nhiều.

“Một phần nguyên nhân do nghiên cứu của một số nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước vẫn còn có phần chậm hơn so với sự phát triển khoa học công nghệ thế giới. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tiếp cận các công nghệ nhập ngoại nhiều hơn”, Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.

Phân tích thêm, lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chỉ ra điểm nghẽn về mặt tài chính. Đa phần nguồn lực tài chính dành cho các nghiên cứu ở nước ta tương đối hạn chế, do đó đòi hỏi làm nghiên cứu lớn không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, nếu kết hợp với doanh nghiệp, với tiềm lực của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc đầu tư một phần kinh phí lớn cho nghiên cứu không phải là chuyện dễ dàng.

Tiến sĩ Hiệp cũng nhìn nhận, cơ sở vật chất của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trong cả nước nói chung hiện nay vẫn còn khá hạn chế. Các đơn vị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ hoàn chỉnh cho 1 doanh nghiệp có thể vận hành được theo hướng có lãi nhìn chung vẫn ở phạm vi tương đối hẹp.

Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học cho biết ngân sách của các doanh nghiệp dành cho hoạt động hợp tác với trường đại học không nhiều (trừ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn). Điều này xuất phát từ đặc thù đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

“Việc đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp với trường đại học ở nước ta vẫn chưa thực sự diễn ra thường xuyên. Do đó, nguồn thu từ hoạt động này chưa nhiều”, vị này nói.

Trao đổi thêm một số trở ngại trong hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, vị lãnh đạo cho biết, bản thân hoạt động nghiên cứu khoa học cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, thông thường các doanh nghiệp sẽ ưu tiên chọn những công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất, thay vì đặt hàng nghiên cứu để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Chia sẻ một số đề xuất, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh tới các chính sách khuyến khích phát triển.

Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tài trợ cho các trường đại học như chính sách miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tài trợ cho giáo dục.

Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong hoạt động hợp tác với trường đại học. Doanh nghiệp đóng góp cho các cơ sở đào tạo cũng chính là cách đầu tư cho chính doanh nghiệp mình.

Bắc Sơn