Theo thông tin cập nhật trên Cổng thông tin của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà trường là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín hàng đầu của đất nước, nơi hội tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, khai phóng đưa trường trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu về luật học ngang tầm khu vực, hội nhập quốc tế.
Hiệu trưởng nói trường có 7 giáo sư là tỷ lệ rất cao
Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Sao Mai |
Liên quan đến đội ngũ giảng viên, qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam theo báo cáo ba công khai những năm học gần đây của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, tổng giảng viên của trường tăng lên nhưng số lượng tăng không đáng kể.
Thống kê số lượng giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) theo số liệu trong báo cáo ba công khai các năm học gần đây (đơn vị: người). Bảng: Sao Mai |
Cụ thể, theo bảng số liệu trên, từ năm học 2020-2021 (78 người) đến năm học đến năm học 2021-2022 (81 người), tổng giảng viên của trường tăng 3 người. Đến năm học 2022-2023 (83 người), tổng giảng viên của trường tăng thêm 2 người. Và đến năm học 2023-2024, tổng giảng viên của trường tăng 4 người, nâng tổng số giảng viên của trường lên 87 người.
Trong tổng giảng viên của Trường Đại học Luật, nhìn chung, số giảng viên trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về số lượng giảng viên của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giảng viên khi về trường công tác phải đạt yêu cầu tối thiểu là tiến sĩ nên không có đãi ngộ riêng nào của trường cho giảng viên trình độ tiến sĩ.
Thêm nữa, không phải tiến sĩ nào nhà trường cũng tuyển vì hiện nay ngoài trường có rất nhiều tiến sĩ, do đó, người được giảng dạy ở trường phải vừa phải đạt trình độ tiến sĩ, vừa có tố chất sư phạm.
Về việc số giảng viên trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Luật tăng chậm, cô Quế Anh cho biết, vì nhà trường hiện nay đã có nhiều giảng viên trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, tất cả giảng viên trình độ thạc sĩ của trường đều đang trong quá trình làm nghiên cứu sinh. Do vậy, việc tăng mới số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ rất khó cho trường.
Biểu đồ thể hiện số lượng giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) thống kê theo báo cáo ba công khai những năm gần đây (đơn vị: người). Biểu đồ: Sao Mai |
Theo biểu đồ trên, số giảng viên học hàm phó giáo sư của Trường Đại học Luật cũng có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên, số lượng tăng không nhiều. Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, số giảng viên học hàm phó giáo sư tăng 7 người (từ 14 người lên 21 người, chiếm 24,1% tổng giảng viên toàn trường).
Số giảng viên trình độ thạc sĩ và trình độ đại học của trường giảm. Theo đó, về giảng viên trình độ thạc sĩ năm học 2020-2021 là 19 người thì đến năm học 2023-2024 còn lại 8 người.
Đáng chú ý, theo báo cáo ba công khai những năm gần đây của Trường Đại học Luật, số lượng giảng viên học hàm giáo sư có biến động nhẹ.
Theo đó, hai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, số giảng viên học hàm giáo sư của trường là 7 người (chiếm ~ 9% tổng giảng viên toàn trường). Hai năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024, số giảng viên học hàm giáo sư của trường giảm 1 người, còn 6 người (chiếm trên dưới 7% tổng giảng viên của trường).
Chia sẻ về thực tế số lượng giảng viên học hàm giáo sư, cô Quế Anh cho hay, đến thời điểm hiện tại, nhà trường có tổng 7 giảng viên học hàm giáo sư (Thời điểm công bố báo cáo ba công khai tháng 10/2023, năm học 2023-2024 là 6 giáo sư-PV).
"Cả nước có hơn 10 giáo sư ngành Luật, trong đó nhà trường đã chiếm hơn một nửa số giáo sư ngành này (7 giáo sư) - tỷ lệ như vậy là rất cao. Tuy nhiên, cần tính toán cho thế hệ kế cận vì cần rất nhiều năm tới đây có thêm 1 giáo sư mới", cô Quế Anh chia sẻ.
Cũng theo vị Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật là trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nên có một thế mạnh rất lớn về tự chủ nghiên cứu, tự do học thuật, phát triển chuyên môn và phát triển giảng viên. Do đó, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều là từ giảng viên cơ hữu của trường phát triển lên.
Thực tế, có nhiều giảng viên muốn về trường công tác và những nhà nghiên cứu rất quan tâm đến môi trường nghiên cứu. Môi trường nghiên cứu của Trường Đại học Luật luôn tạo ra sự cố gắng cho giảng viên, ngoài những hoạt động nghiên cứu như hội thảo, nhà trường còn thực hiện các đề án như đề tài cấp Bộ, nhà nước, quốc gia, những chương trình lớn,...
Tìm hiểu của phóng viên qua báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự có số lượng giảng viên học hàm giáo sư nhiều nhất (3 người).
Trong khi đó, chuyên ngành Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng và chuyên ngành Pháp luật về quyền con người, Luật Kinh tế, Luật Dân sự và tố tụng dân sự không có giảng viên học hàm giáo sư nào.
Cô Quế Anh khẳng định rằng, các chuyên ngành tuy không có giảng viên học hàm giáo sư nhưng đều đã có giảng viên học hàm phó giáo sư. Với đội ngũ nhân sự hiện có, nhà trường đảm bảo được chất lượng đào tạo theo đúng quy định.
Theo Điều 6 Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:
Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khoá học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:
Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hoá Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học, văn hoá nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Nguồn thu từ học phí chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu của trường
Qua báo cáo ba công khai của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn chung tổng thu của trường tăng từ năm 2020 đến năm 2023. Tuy nhiên, năm 2022, trường không ghi tổng thu mà chỉ có chi tiết các nguồn thu là bao nhiêu.
Ảnh chụp trong báo cáo ba công khai Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm học 2022-2023. Như vậy, năm 2022 nếu tính tổng các nguồn thu thì tổng thu của Trường Đại học Luật là 62,258 tỷ đồng. |
Cô Quế Anh cho biết, do lỗi kỹ thuật nên trường chưa ghi tổng thu năm 2022. Tổng thu của năm này sẽ được cộng từ các nguồn thu của năm đó.
Nguồn thu của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) thống kê theo báo cáo ba công khai những năm gần đây của trường (đơn vị: tỷ đồng). Bảng: Sao Mai |
Nếu năm 2022 tổng thu của trường là hơn 62,258 tỷ đồng, thì từ năm 2021 (53,738 tỷ đồng) đến năm 2022, tổng thu của trường tăng 8,520 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2022 (62,258 tỷ đồng) đến năm 2023 (62,097 tỷ đồng), tức giảm 161 triệu đồng.
Về nguồn thu từ ngân sách, năm 2020, 2021, 2022, nhà trường có chi tiết nguồn thu từ ngân sách chi thường xuyên và không thường xuyên. Còn năm 2023, nhà trường chỉ có tổng thu từ ngân sách, không chi tiết từ ngân sách chi thường xuyên và không thường xuyên là bao nhiêu.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, năm 2023, nhà trường thực hiện tự chủ nên không được nhà nước cấp ngân sách cho chi thường xuyên mà chỉ được cấp 849 triệu đồng để hỗ trợ cho người học.
Nguồn thu từ học phí của Trường Đại học Luật vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu của trường và có xu hướng tăng.
Nguồn thu từ học phí của Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) qua các năm thống kê theo báo cáo ba công khai, đơn vị: tỷ đồng. Biểu đồ: Sao Mai. |
Chia sẻ lý do nguồn thu từ học phí chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu của trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết do một phần tăng quy mô đào tạo, nhất là lớp chất lượng cao của nhà trường. Thu từ học phí của lớp chất lượng cao gấp nhiều lần so với đào tạo lớp thường (ví dụ: học phí đại học chính quy hơn 12 triệu đồng/năm; học phí lớp chất lượng cao 35 triệu đồng/năm).
"Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo, nghiên cứu về pháp luật nên các sản phẩm nghiên cứu của trường không thể mang đi kinh doanh được nên nguồn thu chủ yếu là từ học phí", Hiệu trưởng cho biết.
Thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Luật không ổn định qua các năm. Cụ thể, từ năm 2020 đến năm 2021, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tăng từ 0 đồng lên 1 tỷ đồng.
Đến năm 2022, thu từ hoạt động này tiếp tục tăng thêm 1,500 tỷ đồng (từ 1 tỷ đồng lên 2,500 tỷ đồng). Đây cũng là năm có tổng thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong 4 năm gần đây.
Từ năm 2022 đến năm 2023, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm 1,735 tỷ đồng (từ 2,500 tỷ đồng giảm còn 765 triệu đồng).
Cô Quế Anh cho biết, các dự án, đề tài công nghệ mà nhà trường được cấp kinh phí từ Đại học Quốc gia Hà Nội rất ít, một năm chỉ được vài trăm triệu. Vòng đời của mỗi dự án khác nhau và tùy vào thời điểm báo cáo (ví dụ khi sản phẩm vừa kết thúc, hoặc chưa setup,...) nguồn thu cũng khác nhau. Nhà trường có các đề tài, dự án và có kinh phí thực hiện nhưng không phải là nguồn thu cho nhà trường từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mà là chi phí hỗ trợ trực tiếp cho các nhà nghiên cứu đề tài, dự án.
Từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP Về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Theo đó, mức thu học phí đã không tăng trong những năm qua.
Theo báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) không tăng học phí trong năm học này.
Học phí đào tạo tiến sĩ hơn 31 triệu đồng/năm; thạc sĩ hơn 18 triệu đồng/năm; đại học chính quy hơn 12 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm; đào tạo bằng kép 470.000 đồng/tín chỉ; đại học hệ vừa làm vừa học hơn 18 triệu đồng/năm và văn bằng hai vừa làm vừa học 590.000 đồng/tín chỉ.