Cụ thể, từ năm học 2017-2018 đến nay, số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm dần qua từng năm, giảm 25 phó giáo sư, nhưng quy mô tuyển sinh vẫn không ngừng được mở rộng, tổng chỉ tiêu tăng thêm 1.400 và nâng số mã ngành/chương trình từ 25 lên 60. Trong vòng 5 năm học tăng 35 ngành, chương trình.
Số lượng giảng viên cơ hữu giảm qua từng năm
Từ báo cáo Ba công khai năm học 2017-2018 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho thấy trường có 817 giảng viên cơ hữu, trong đó có 16 giáo sư, 131 phó giáo sư, 195 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 452 thạc sĩ và 23 giảng viên có trình độ đại học.
Báo cáo Ba công khai năm 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, trường có tổng số 704 giảng viên cơ hữu, trong đó có 16 giáo sư, 106 phó giáo sư, có 246 giảng viên có trình độ đào tạo tiến sĩ, 330 thạc sĩ và 6 giảng viên trình độ đại học.
Như vậy, từ năm học 2017-2018 đến năm học 2022-2023, tổng số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm 113 giảng viên (từ 817 xuống còn 704 giảng viên), tương đương giảm hơn 13,8%.
Số lượng giảng viên cơ hữu được công bố trong báo cáo Ba công khai qua các năm. |
Trong khi số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng lên (từ 195 lên 246 tiến sĩ, tương đương tăng gần 26,2%), số lượng giáo sư không có nhiều biến động và phó giáo sư giảm dần qua các năm và từ năm học 2017-2018 đến năm học 2022-2023, giảm 25 phó giáo sư (tương đương giảm gần 19,1%).
Nhìn vào cơ cấu giảng viên từng khối ngành, tính từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, cho thấy:
Khối ngành III: giảm 1 giáo sư, giảm 8 phó giáo sư, tăng 48 tiến sĩ;
Khối ngành V: tăng 1 giáo sư, phó giáo sư giữ nguyên và tăng 17 tiến sĩ;
Khối ngành VII: giữ nguyên 8 giáo sư, giảm 20 phó giáo sư và giảm 19 tiến sĩ.
Số liệu cụ thể qua các năm:
Quy mô tuyển sinh tăng dần hằng năm
Năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy được công bố trong Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 4.800, với 25 mã ngành.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2018, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển tổng số 5.500 chỉ tiêu đại học chính quy, với 37 ngành/chương trình.
Năm 2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 5.650 chỉ tiêu đại học chính quy với 47 mã ngành/chương trình.
Đề án tuyển sinh năm 2020 cho thấy, nhà trường tuyển sinh tổng 5.800 chỉ tiêu (trong đó, 3.480 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 2.320 chỉ tiêu theo phương thức khác). Năm học này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tuyển sinh cho 53 mã ngành/chương trình (trong đó, 37 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Việt; 12 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Anh - môn Tiếng Anh hệ số 1; và 4 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Anh - môn Tiếng Anh hệ số 2).
Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 6.000 (trong đó, 3.000 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 3.000 chỉ tiêu theo phương thức khác). Tổng số mã ngành/chương trình tăng lên 54 (tăng thêm 1 mã ngành của chương trình học bằng tiếng Việt so với năm 2020).
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 6.100 (trong đó, 2.129 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 3.971 chỉ tiêu theo phương thức khác). Tổng số mã ngành/chương trình tăng lên 60. Trong đó, có 37 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Việt; 7 mã ngành/chương trình định hướng ứng dụng (POHE) học bằng tiếng Việt - môn Tiếng Anh hệ số 2; 12 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Anh - môn Tiếng Anh hệ số 1; và 4 mã ngành/chương trình học bằng tiếng Anh - môn Tiếng Anh hệ số 2.
Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu.
Nhìn vào quy mô sinh viên/học viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong 5 năm qua cũng cho thấy: Tổng số người học năm học 2021-2022 tăng 11.620 (gần 34,7%) so với năm học 2017-2018. Trong đó, đối với quy mô sinh viên đại học chính quy, tăng từ 23.074 lên 28.065 (tăng 4.991 sinh viên, tương đương tăng gần 18%).
Trong khi đó, số giảng viên cơ hữu giảm hơn 13,8% (tính từ năm học 2017-2018 đến năm học 2022-2023).
Quy mô sinh viên/học viên được công bố qua báo cáo Ba công khai các năm. |
Tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu quy đổi cũng có nhiều biến động qua các năm. Từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022, tỉ lệ này ở khối ngành III nhìn chung tăng (từ 20,2 lên 24,7); khối ngành V, tỉ lệ giảm từ 16,3 xuống 14,7; trong khi đó, tỉ lệ này đối với khối ngành VII tăng mạnh (từ 14,8 lên 23,2).
Tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu quy đổi tăng lên. |
Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, số sinh viên đại học chính quy trên một giảng viên quy đổi theo khối ngành được xác định không vượt quá các định mức sau: Khối ngành III: 25; khối ngành V: 20; khối ngành VII: 25.